Triệt tiêu ma trận sở hữu chéo

(ĐTTCO) - Trong lộ trình tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, sở hữu chéo (SHC)  là vấn đề nổi cộm, cần được xử lý triệt để loại trừ rủi ro cho hệ thống NH.
Triệt tiêu ma trận sở hữu chéo
 Thời gian qua, NHNN đã xử lý được một phần SHC nhưng do biến tướng khá tinh vi, cần minh bạch các khoản này để xử lý sạch SHC.
Vấn nạn còn dài

Trong đợt kiểm tra của NHNN về tình hình thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng giao và các giải pháp góp phần bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã truyền đạt 6 vấn đề Thủ tướng yêu cầu NHNN cần giải trình. Một trong các vấn đề đó là SHC.
Cụ thể, sau khi NHNN ban hành Thông tư 36, SHC được kiểm soát tốt hơn, nhưng không phải không còn. Thí dụ, trước thời điểm Thông tư 36 có hiệu lực, Vietcombank sở hữu 9,8% cổ phần MB, 8,2% Eximbank, 5,26% Saigonbank và 4,6% OCB. Đến thời điểm này Vietcombank vẫn đang nắm hơn 7,16% cổ phần MB, 8,19% Eximbank, 5,07% OCB và 4,3% Saigonbank.
Tương tự, hiện Eximbank vẫn còn nắm giữ đến 8,76% vốn điều lệ của Sacombank. Tại đại hội cổ đông năm 2017, lãnh đạo Eximbank cho biết đã trình NHNN và được chấp thuận thoái toàn bộ vốn tại Sacombank để tập trung vào cốt lõi NH. Nếu thoái hết vốn, NH này có thể thu về hơn 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, cho đến nay, tỷ lệ sở hữu của Eximbank tại Sacombank vẫn chưa thay đổi.

Theo Điều 18 Thông tư 36/2014 của NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của các TCTD, 1 NHTM chỉ được nắm giữ cổ phiếu tối đa không quá 2 TCTD khác (trừ trường hợp TCTD khác là công ty con của NH đó), đồng thời lượng cổ phần được nắm giữ tối đa phải dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của TCTD đó (trừ trường hợp TCTD là công ty con của NH hoặc NHTM tham gia tái cơ cấu, xử lý TCTD yếu kém theo chỉ định của NHNN).
Thực hiện Thông tư 36, thời gian qua một số NH đã tiến hành giảm tỷ lệ sở hữu tại NH khác, như Maritime Bank giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần tại MB từ 8,96% xuống còn 4,99%; VietinBank bán 16.875 triệu cổ phần Saigonbank (tương đương 5,48% vốn điều lệ) để giảm tỷ lệ sở hữu từ 10,39% xuống 4,91%. Bên cạnh đó, một số NH đã tiến hành sáp nhập, hợp nhất để giảm SHC hoặc đáp ứng trần sở hữu 5%. 

Trong dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành pháp luật về xử lý TCTD yếu kém và xử lý nợ xấu của NHNN mới công bố, cho thấy SHC, đầu tư chéo được xử lý một bước quan trọng, tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn thao túng NH được xử lý cơ bản.
Đến nay, số cặp TCTD SHC trực tiếp sở hữu lẫn nhau đã giảm từ 7 cặp xuống 3 cặp; sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa NH và doanh nghiệp giảm từ 56 cặp xuống 4 cặp; tình trạng một TCTD sở hữu cổ phần tại một số TCTD hoặc một số TCTD sở hữu cổ phần tại một TCTD giảm so với trước đây.
Về việc Vietcombank còn sở hữu cổ phần ở một số NH, theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng là để tạo thuận lợi cho tái cơ cấu các NH này, tuy nhiên vẫn phải thoái vốn theo quy định. NHNN đã yêu cầu các NH khẩn trương thực hiện thoái vốn theo quy định. Chủ trương đã rất rõ ràng, nhưng việc này phụ thuộc nhiều vào điều kiện khách quan như tìm đối tác, giá thị trường…

Quyết tâm dọn dẹp

SHC là một vấn đề lớn và nan giải đối với hệ thống NH và doanh nghiệp ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt tại Việt Nam, tình trạng SHC trong hệ thống NH đã diễn biến phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy xấu đối với nền kinh tế. SHC chia làm 6 nhóm.
Trong đó 3 tích cực là sở hữu của các NHTM nhà nước và NHTM nước ngoài tại các NH liên doanh, cổ đông chiến lược nước ngoài tại các NHTM, cổ đông tại các NHTM là các công ty quản lý quỹ. 3 nhóm còn lại đáng lo ngại là sở hữu của NHTM nhà nước tại các NHTMCP, sở hữu lẫn nhau giữa các NHTMCP, sở hữu NHTMCP bởi các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và tư nhân.

Theo chia sẻ của nhiều chuyên gia kinh tế, SHC là vấn đề tồn tại khá lâu, là một trong những nguyên nhân làm cho các NHTM yếu kém. Việc xử lý SHC kéo dài do nhiều trường hợp NH không muốn buông cổ phần của mình tại các TCTD đang sở hữu. Đồng thời, do các NH tại Việt Nam vẫn chưa minh bạch thông tin nên khó kiểm soát tình trạng này.
Một nguyên nhân nữa việc thoái vốn còn gặp nhiều khó khăn, NH không thể trả vốn lại cho NH đầu tư mà cần phải tìm đối tác để chuyển nhượng phần vốn này với giá hợp lý. Trong quá trình vừa qua, NHNN cũng đã xử lý một phần vấn đề SHC, tuy nhiên SHC tiềm ẩn rất tinh vi, không hiện lên tỷ lệ sở hữu người chủ NH ở nhiều dạng. Hiện nay, các quy định đặt ra nhằm mục đích gỡ SHC đã đầy đủ nhưng vấn đề là việc thực thi những quy định đó. 

Để triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, Thống đốc NHNN đã chỉ đạo các TCTD tập trung xây dựng và hoàn thiện ngay phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020.
Trong đó để xử lý SHC, Thống đốc yêu cầu đánh giá thực trạng tài chính, hoạt động quản trị điều hành, cổ đông và sở hữu vốn điều lệ của TCTD, đề xuất các giải pháp cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu và lộ trình thực hiện trên các mặt quản trị điều hành, cổ đông sở hữu cổ phần, thực trạng tài chính, mạng lưới hoạt động, khả năng cạnh tranh…
Nhưng muốn giải quyết triệt để SHC tại những NH yếu kém, NHNN với vai trò của NH mẹ phải buộc minh bạch hóa những khoản đó để xử lý càng nhanh càng tốt. Bởi lẽ, việc SHC tồn tại kèm với tình trạng NH huy động vốn để người chủ NH trong chính NH vay ở dạng nọ dạng kia với nhiều cách núp bóng khác nhau, là điều tối kỵ trong ngành NH và tối kỵ của tín dụng.
 SHC tại các NHTM Việt Nam do lịch sử để lại. Trước đây, để hỗ trợ các NHTMCP, các NHTM có vốn nhà nước đã sở hữu vốn điều lệ khá lớn tại các NH này, nhưng sau đó SHC đã phát triển chằng chịt giữa các NH. Hệ lụy của SHC rất lớn, vì khi NH này sở hữu NH khác dẫn đến tình trạng các NH sử dụng tài sản lẫn nhau, cho vay thiếu cẩn trọng, thiếu công khai minh bạch và thao túng thị trường, gây ra rủi ro rất lớn cho hệ thống cũng như khách hàng. Do đó, cần phải xử lý triệt để để ngăn chặn rủi ro.
TS. Cao Sỹ Kiêm, chuyên gia NH

Các tin khác