Xăng dầu tăng dễ gây lạm phát

(ĐTTCO) - Sau phiên điều chỉnh giá bán hôm 6-10, giá xăng dầu đã lên mức cao nhất từ nhiều năm trở lại đây. Trao đổi với ĐTTC, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng thách thức kiểm soát lạm phát trong năm nay chính là giá xăng dầu tăng cao, vì đây là nguyên liệu đầu vào của các ngành kinh tế.

Xăng dầu tăng dễ gây lạm phát ảnh 1  
Cần linh hoạt cách tính giá xăng dầu
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, phải chăng áp lực tăng giá từ ngoại lai nên buộc nội tại phải tăng?
PGS.TS NGÔ TRÍ LONG: - Đợt tăng giá xăng dầu vừa qua chủ yếu do ảnh hưởng từ bên ngoài. Trước tiên, do Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, áp đặt lại các biện pháp trừng phạt đối với nước này, dự kiến có hiệu lực vào đầu tháng 11. Thông tin này tác động rất lớn lên giá dầu, bởi Iran là nhà sản xuất dầu thô lớn thứ 5 thế giới.
Điều này buộc Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ - những đồng minh của Hoa Kỳ nhưng cũng là khách hàng lớn của Iran - phải cắt giảm nhập khẩu dầu thô từ Iran, khiến nước này cắt giảm sản lượng khai thác, dẫn đến nguồn cung dầu thô cho thị trường thế giới giảm. Cụ thể, trước đó sản lượng xuất khẩu dầu thô của Iran khoảng 2-2,5 triệu thùng/ngày, nay giảm còn khoảng 1 triệu thùng/ngày.
 Cần theo dõi sát giá xăng, dầu thế giới để ứng phó kịp thời. Hiện giá xăng, dầu thế giới tăng gần 80USD/thùng, dưới áp lực đó kiểm soát CPI trong nước là thách thức rất lớn. Trong khi đó, việc kiểm soát lạm phát của ta thời gian qua chưa thật sự bền vững, ổn định. Kiểm soát không phải do giá thành, chi phí hạ, mà phần lớn do yếu tố khách quan bên ngoài, nên mỗi tác động mạnh của kinh tế thế giới đều ảnh hưởng lớn đến lạm phát của Việt Nam.
Thứ hai, theo số liệu Chính phủ Hoa Kỳ công bố mới đây, dự trữ dầu thô nước này giảm do nhu cầu nhiên liệu tăng vào mùa hè, khiến nguồn cung giảm theo. Trong khi đó, hiện đang bước vào thời điểm mùa đông, nhu cầu sử dụng xăng dầu, khí đốt để sưởi ấm của thị trường Hoa Kỳ cũng như châu Âu tăng, đã tác động đáng kể lên giá xăng dầu thế giới.
Những tác động này từ thị trường thế giới khiến giá xăng dầu trong nước phải điều chỉnh.
- Vậy việc quản lý, điều chỉnh giá xăng dầu, cụ thể là công thức tính giá đã thực sự hợp lý, thưa ông?
- Hiện nay kinh doanh xăng dầu thực hiện theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ, quy định điều hành giá xăng dầu sát theo cơ chế thị trường, tạo môi trường cạnh tranh thực sự công bằng giữa các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu với nhau.
Cách tính, điều chỉnh và quản lý giá, thuế đối với kinh doanh xăng dầu căn cứ trên Luật Cạnh tranh và Luật Giá. Trong Luật Giá có điều khoản quy định những hàng hóa giữ vai trò thống lĩnh thị trường, Nhà nước buộc phải quy định về giá, trong khi xăng dầu thuộc nhóm này. 
Thực tế, thị trường xăng dầu nước ta đã có cạnh tranh nhưng còn yếu, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vẫn chiếm vị trí thống lĩnh, với 48% thị phần. Do đó Nhà nước phải có quy định, không thể để doanh nghiệp tự quyết định về giá, dễ dẫn đến độc quyền nhóm. Ngoài ra, Nhà nước phải quy định giá trần (giá bán ra) và giá sàn (giá mua nguyên liệu đầu vào) để hạn chế tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, chèn ép giá gây méo mó thị trường. 
Hiện Việt Nam đã gia nhập và ký nhiều hiệp định tự do thương mại (FTA). Theo đó, mỗi nước, mỗi thị trường ký với Việt Nam một mức thuế khác nhau như thuế ưu đãi, thuế thông thường, thuế ưu đãi đặc biệt... Bên cạnh đó, cách điều hành giá xăng, dầu của mỗi nước còn phụ thuộc vào chính sách tài chính.
Do đó có nước giá xăng, dầu cao nhưng có nước lại thấp; có nước thuế nhập khẩu xăng, dầu 0% nhưng có nước đánh thuế rất cao; có nước đánh thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, có nước lại không... Vì vậy phải tính toán sao cho hợp lý, nếu không sẽ dẫn đến sự chồng chéo trong cách tính giá.

Dùng quỹ bình ổn xăng dầu để hạ nhiệt
- Theo ông, Quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện nay đã hoạt động hiệu quả?
- Xăng dầu là hàng hóa luôn biến động về giá nên phải có dự phòng. Giá xăng dầu do Nhà nước quy định căn cứ trên cơ sở giá thị trường. Do đó, Quỹ bình ổn giá xăng dầu đóng vai trò là công cụ để điều tiết giá.
Tuy nhiên, cần xem xét lại việc sử dụng, quản lý quỹ. Về nguồn của quỹ, hiện nay chỉ có người tiêu dùng đóng, nghĩa là cứ mua 1 lít xăng phải nộp 300 đồng. Có ý kiến cho rằng các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nên đóng góp vào quỹ từ việc trích phần nhỏ lợi nhuận, song vấn đề này đang gây tranh cãi.
 Độ mở nền kinh tế nước ta hiện nay rất lớn, trên 200% GDP - xếp vào hàng những nước có độ mở kinh tế cao. Điều này sẽ tác động đến mặt bằng lạm phát, bởi chúng ta phải nhập nhiều nguyên liệu đầu vào, trong khi đồng tiền các nước lớn đã phá giá, chắc chắn sẽ làm chi phí đầu vào tăng.
Thực tế cho thấy, trong kinh doanh, doanh nghiệp nào cũng cần dự phòng cho tình huống xấu. Nhưng dự phòng lấy từ nguồn nào rất quan trọng. Điểm bất cập hiện nay là nguồn trích quỹ chỉ thu từ người dân, trong khi doanh nghiệp xăng dầu đầu mối không phải trích nộp, dù được hưởng mức lợi nhuận định mức cố định 300 đồng/lít. Bộ Tài chính cần xem lại việc này.
Ngoài ra, thực hiện quản lý giá xăng, dầu theo cơ chế thị trường, nhưng lại cho doanh nghiệp luôn có mức lãi cố định 300 đồng/lít là rất vô lý. Đây là cơ chế áp đặt theo chủ quan. Ở đây việc chia sẻ lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân chưa thỏa đáng, nên chịu thiệt thòi nhất vẫn là người tiêu dùng.
Xăng, dầu là mặt hàng hết sức quan trọng bởi là đầu vào của mọi ngành, vì vậy giá tăng sẽ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến sản xuất, kinh doanh. Tôi cho rằng chúng ta có cơ sở kiểm soát vấn đề này, bởi giá vẫn do Nhà nước quy định.
Đồng thời hiện nay Nhà nước duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu, là công cụ giảm bớt tốc độ tăng giá quá cao của xăng dầu khi ảnh hưởng từ thị trường thế giới. Vì thế, vấn đề sử dụng các quỹ xăng dầu như thế nào và khi nào nên thu cũng phải xem xét lại. Theo đó, khi giá xăng dầu tăng không nên thu quỹ, chỉ khi nó giảm thu sẽ hợp lý hơn.
Xăng dầu tăng dễ gây lạm phát ảnh 2 Giá xăng dầu tăng sẽ kéo theo hàng loạt giá cả các mặt hàng tiêu dùng tăng theo, tạo thách thức mục tiêu kiếm chế lạm phát.
Thách thức mục tiêu CPI dưới 4%
- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng 2018 ở mức 3,57%, trong khi mục tiêu ở mức dưới 4%. Vậy giá xăng, dầu tăng mạnh vào quý IV sẽ tạo ra áp lực lên CPI như thế nào, thưa ông?
- Tình hình 3 tháng cuối năm, đặc biệt là trong tháng 10 được dự báo giá cả các mặt hàng sẽ tăng cao nhất từ trước đến nay. Vì thế, để đạt được mục tiêu duy trì chỉ số CPI dưới 4% sẽ có nhiều thách thức, song vẫn khả thi và đòi hỏi Chính phủ phải có những giải pháp kiên quyết.
Ban chỉ đạo điều hành giá cần theo dõi sát sao những biến động và sớm có biện pháp tổng hợp như chính sách tiền tệ, chính sách về tỷ giá hối đoái để kịp thời can thiệp.
Bởi áp lực lên chỉ số CPI không chỉ từ giá xăng dầu tăng, mà còn cần xem xét tác động từ chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc. Đó là việc các nước lớn sẽ điều chỉnh tỷ giá, thậm chí phá giá đồng tiền và thay đổi lãi suất. Nếu chúng ta không có biện pháp ứng phó kịp thời sẽ chịu những ảnh hưởng nặng nề. Hiện Trung Quốc đã hạ giá đồng tiền của họ, nhưng Hoa Kỳ chưa, do đó cần phải theo dõi sát sao. 
- Để kiểm soát lạm phát hiệu quả, theo ông cần có giải pháp gì?
- Chỉ tiêu Quốc hội đặt ra cho Chính phủ trong năm 2018 kiềm chế chỉ số tăng CPI dưới 4%, nhưng trong 9 tháng năm 2018 đã 3,57%. Chỉ số CPI có xu hướng tăng theo các quý, bình quân từ tháng 1 đến tháng 9 đều có xu hướng tăng.
Để kiềm chế lạm phát từ nay đến cuối năm, tôi cho rằng Chính phủ nên thực hiện đồng bộ một số giải pháp. Theo đó, thực hiện chính sách tiền tệ, cụ thể là chú ý lĩnh vực tăng trưởng tín dụng, trong đó lãi suất phải đảm bảo tính hiệu quả. Trong 9 tháng qua lãi suất ở các ngân hàng đã được kiểm soát rất tốt.
Tuy nhiên, về tổng thể, tôi tin rằng việc kiềm chế lạm phát ở mức dưới 4% trong năm 2018 là khả thi, Chính phủ vẫn thực hiện được theo đúng chỉ tiêu đã đặt ra.
- Xin cảm ơn ông.
 Trong công thức tính giá xăng dầu, có 4 vấn đề đang đặt ra, cần điều chỉnh trong Nghị định 83. Đó là chính sách về thuế, cách tính chi phí kinh doanh, tính lãi suất định mức và quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Về mặt lý thuyết việc đưa ra những công thức tính giá bình quân như trên hoàn toàn đúng. Tuy nhiên trong thực tế rất khó áp dụng, do đó cần có sự điều chỉnh lại linh hoạt hơn. 

Các tin khác