Yêu cầu nâng cấp môi trường kinh doanh

(ĐTTCO) - Từ vấn nạn điều kiện kinh doanh (ĐKKD) gây khó cho doanh nghiệp (DN) hiện nay, cho thấy nền kinh tế Việt Nam đứng trước nhiều thách thức, đòi hỏi phải có những cải cách mạnh mẽ. 

Trao đổi với ĐTTC, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng môi trường kinh doanh của Việt Nam so với trước có cải thiện, nhưng so với yêu cầu thể chế để nằm trong nhóm ASEAN vẫn còn khoảng cách lớn.

Triệt tiêu sáng tạo

PHÓNG VIÊN: - Xuyên suốt thời gian qua, người dân và dư luận quan tâm vấn đề liên quan đến ĐKKD như là rào cản DN. Ông nghĩ sao về điều này?

 Tôi nghĩ các bộ trưởng phải đồng lòng vì sự phát triển của quốc gia, của đất nước. Không thể  cứ để nền kinh tế trì trệ mãi. Sức ép có thể đến từ Thủ tướng, Phó Thủ tướng, từ báo chí. Nhưng nếu bộ trưởng thay đổi, sức ép từ họ sẽ xuống sẽ tác động đến các vụ, cục. Còn cứ giữ như hiện nay, nền kinh tế sẽ đi xuống.
TS. NGUYỄN ĐÌNH CUNG: - Có thể lấy thí dụ ĐKKD về xuất khẩu gạo. Với quy định hiện hành (Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo) Việt Nam chỉ xuất khẩu gạo kém chất lượng. Chúng ta xây dựng thương hiệu gạo phải đi từ sản xuất nhỏ, xây dựng quy trình sản xuất để kiểm soát và tiến đến làm thương hiệu bằng nuôi dưỡng thói quen người tiêu dùng.
Thế nhưng, tư duy yêu cầu phải đầu tư đầy đủ theo Nghị định 109, tức quy định bắt DN kinh doanh xuất khẩu gạo phải có kho bãi là không hợp lý, làm tăng chi phí và không có tác dụng chia sẻ rủi ro.
Điều này đồng nghĩa buộc DN làm cả, nếu thất bại là mất hết, trong khi đó loại bỏ ngành cho thuê kho bãi. Rõ ràng quy định kiểu này làm cho nền kinh tế trì trệ, cách làm mới không thể xuất hiện. Một người kinh doanh phải có hàng chục sáng kiến, không thể làm theo một cách. Tóm lại, các ĐKKD hiện nay chỉ làm triệt tiêu tính sáng tạo, làm xã hội trì trệ theo cơ quan quản lý. 

- Vậy theo ông cách ứng xử với các ĐKKD hiện nay như thế nào?

- Hiện nay các ĐKKD đã được tập hợp lại và quy định nghị định sẽ giúp kiểm soát tốt hơn. Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn dành thời gian đối thoại với DN, thông qua đó biết được những trở ngại của DN đang gặp phải, từ đó tháo bỏ những vướng mắc.
Thí dụ, sau các kiến nghị, một số bộ, ngành đã phải bãi bỏ các quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyde và amin thơm trong sản phẩm dệt may, dán nhãn năng lượng, kiểm dịch thực vật và động vật… Với sự quyết liệt của Thủ tướng, các bộ đã phải dè chừng hơn trong việc gây khó khăn hoặc tạo ra rào cản đối với DN. 

- Theo ông làm cách nào để thay đổi?

- Muốn thay đổi không thể xử lý theo kiểu từng văn bản, vụ việc. Bởi như vậy sẽ thay đổi nhỏ giọt, cả hệ thống vẫn theo cách làm cũ. Vì thế phải thay đổi toàn diện, đột phá, phá bỏ rất nhiều cái cũ, từ đó thay đổi cách thức quản lý. Nhiều nước luôn luôn thay đổi vì DN, vì sự phát triển. Muốn bằng họ chúng ta phải xây dựng hệ quy chiếu của mình như quy chiếu của họ, nền tảng mới thay đổi.
Nghị quyết 19 (về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia) nói rõ 2 thay đổi nền tảng: cải cách toàn diện quy định về quản lý chuyên ngành xuất nhập khẩu và cải cách toàn diện về môi trường kinh doanh. Những yêu cầu này rất quan trọng vì chi phối hoạt động của DN.
Yêu cầu nâng cấp môi trường kinh doanh ảnh 1 Cách mạng công nghiệp 4.0 là phi truyền thống, biến những thứ không thể thành có thể. 
Cải cách toàn diện không chỉ cải cách quy định, mà thay đổi năng lực quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, dựa trên hệ thống thông tin phân loại hàng hóa và dựa trên mức độ rủi ro, tuân thủ của DN. Quản những thứ cần an toàn  và quản từ gốc.
Thí dụ, sản xuất nông sản theo quy trình và đánh giá trong suốt quá trình ra sản phẩm, yên tâm chất lượng và kiểm tra xác suất. Chỉ khi nào phát sinh dịch bệnh mới bắt đầu kiểm tra lại, hết dịch bệnh quay trở về bình thường.

Ở nước ta đang tồn tại nghịch lý là quản lý cắt khúc, “ngồi chăm chăm để cấp phép”. Cách thức quản lý như vậy rất tốn kém, hành chính, hình thức mà không có hiệu lực. Quản lý nền kinh tế như thế chả giúp được cho DN, chỉ bảo vệ quyền, lợi ích của người liên quan.
Chính vì lẽ đó,  Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã kiến nghị rà soát, bỏ 1/2 danh mục hàng hóa đang bị kiểm tra chuyên ngành, ĐKKD nhằm loại bỏ những rào cản gia nhập thị trường, loại bỏ những điều kiện làm hạn chế năng động, sáng tạo, cách làm mới. Phải tạo nền kinh tế năng động sáng tạo, DN mới yên tâm mở rộng quy mô kinh doanh, đổi mới.
Lợi ích doanh nghiệp và vị thế quốc gia

- Tại cuộc họp chuyên đề xây dựng pháp luật ngày 22-8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khởi động lại Tổ công tác thi hành Luật DN và Luật Đầu tư. Như vậy Thủ tướng rất quyết liệt vấn đề này?

- Tổ công tác sẽ tiếp tục công việc rà soát, đề xuất bãi bỏ các ĐKKD không phù hợp, không tuân thủ đúng các quy định của Luật Đầu tư. Để làm việc này, Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch - Đầu tư chủ trì soạn thảo nghị định về tiêu chuẩn, quy trình ban hành ĐKKD. Những quy định về ĐKKD chỉ liên quan đến an toàn tính mạng, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường…
Còn lại phải cụ thể hóa những quy định mang tính chất kinh tế như yêu cầu thiết bị, địa điểm, nhân lực, năng lực sản xuất, nhân sự… không liên quan cần bãi bỏ. Sau đó bỏ cơ chế giám sát quy định mới ban hành, những phụ lục ĐKKD cần bỏ; ĐKKD tên gì, nằm điều khoản nào… Tôi cho rằng đó là điều tốt, bởi nếu mặc cả để bỏ ĐKKD như trước sẽ rất khó.

- Làm thế nào tạo sức ép để các bộ trưởng phải thay đổi, và ông nghĩ sao về cách điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hiện nay?

- Theo tôi, Thủ tướng đã nhìn trúng vấn đề, nhìn DN như là nền tảng của tăng trưởng. Chính vì thế hành động đầu tiên là Thủ tướng gặp DN, đối thoại nhằm tháo bỏ rào cản, tạo niềm tin cho DN. Thủ tướng cũng yêu cầu địa phương hàng tháng, hàng quý phải đối thoại với DN nhằm mở ra nhiều kênh thu thập thông tin.
Bản thân Thủ tướng luôn nói về việc phải cải thiện môi trường kinh doanh, thân thiện DN và tham dự rất nhiều cuộc xúc tiến đầu tư tại các địa phương. Điều đó cũng tạo điểm nhấn trong hoạt động Chính phủ. 

Nhìn vào kết quả giải quyết vướng mắc của DN như bỏ quy định về dán nhãn năng lượng, khai báo hóa chất, bỏ kiểm tra formaldehyt… có thể thấy tích cực. Tuy nhiên, điều đó chỉ tháo bỏ khó khăn cho một vài DN, nhóm DN, không phải tất cả DN.
Điều này đòi hỏi phải có sự cải cách toàn diện, triệt để, dứt khoát, không thể xử lý một vài vụ việc như thế như cắt bỏ các ĐKKD phi lý, giảm kiểm tra chuyên ngành… Thực tế đòi hỏi phải cải cách toàn diện mới nhảy bậc, tạo ra bước đột phá được.
Thí dụ về Uber, Grab, họ làm được vì Luật Đầu tư quy định người dân, DN được phép kinh doanh những gì pháp luật không cấm. Từ đó cho thấy cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là phi truyền thống, biến những thứ không thể thành có thể nên tư duy quản lý phải khác. Nói rộng ra, nếu hoạt động kinh doanh bị ràng buộc bởi các điều kiện thì không thể làm được.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác