Agifish lao đến bờ vực phá sản

(ĐTTCO) - Việc HOSE vừa công bố quyết định đưa mã AGF (CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang - Agifish) vào diện tạm ngừng giao dịch kể từ ngày 25-6 như “giọt nước làm tràn ly” với những cổ đông tâm huyết với doanh nghiệp từng được xem là biểu tượng của tỉnh An Giang.

Biểu tượng thành công 
AGF được thành lập theo Quyết định 964/QĐQU của UBND tỉnh An Giang ký ngày 20-11-1995. Chỉ 5 năm sau khi được thành lập, AGF đã trở thành một trong những doanh nghiệp thủy sản hàng đầu của Việt Nam, được xem là biểu tượng thành công của địa phương.
Cụ thể, năm 2000, AGF đứng đầu về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu cá tra, cá basa fillet đông lạnh, chiếm tới 40% thị phần cả nước. Đến 2006, AGF vượt mốc doanh thu 1.000 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 50 tỷ đồng. Có thể nói, đây là những con số cực kỳ ấn tượng ở thời điểm lúc bấy giờ.
Không chỉ ấn tượng với hiệu quả kinh doanh, AGF còn là 1 trong những doanh nghiệp thủy sản đi đầu trong việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng toàn bộ quá trình sản xuất, như HACCP, CoC, BRC, ISO 17025:2005, ISO 14001:2004.
Agifish lao đến bờ vực phá sản ảnh 1
Các tiêu chuẩn ASC, BAP cho vùng nuôi cá tra nguyên liệu và nhà máy chế biến của Agifish cũng được cấp giấy chứng nhận bởi các tổ chức quốc tế. Nhờ vậy, sản phẩm của AGF được phép xuất khẩu vào thị trường EU với 4 code DL07, DL08, DL09, DL360; được cấp chứng chỉ HALAL xuất khẩu sang cộng đồng người Hồi giáo trong và ngoài nước. 
Trong nước, sản phẩm chế biến từ cá tra, basa của AGF được bình chọn “Hàng Việt Nam chất lượng cao” liên tục từ năm 2003-2015. Đặc biệt, AGF là doanh nghiệp duy nhất trong ngành thủy sản được tặng danh hiệu “Thương hiệu Quốc gia” năm 2008.
Không chỉ ghi nhận dấu ấn ở chế biến xuất khẩu cá tra và cá basa, AGF còn là doanh nghiệp đi đầu trong các hoạt động nuôi trồng, nghiên cứu phát triển nguồn giống cung cấp, phục vụ nhu cầu của vùng nguyên liệu.
Sự phát triển của AGF đã mở ra cơ hội làm giàu cho người dân địa phương, những hộ nuôi liên kết cung ứng vào chuỗi giá trị ngành hàng này. Chính vì vậy, AGF trở thành cảm hứng với biểu tượng cá basa từng là niềm tự hào của những người dân An Giang.
 Năm 2003, UBND tỉnh An Giang đã cho xây dựng tượng đài cá basa tại Châu Đốc, nhằm tôn vinh những người có công trong việc mang loại cá này từ bình thường trở thành phổ biến, có vai trò nhất định trong phát triển kinh tế miền sông nước ĐBSCL.

Miếng mồi ngon 
Sự phát triển vượt trội khiến AGF trở thành miếng mồi ngon trong các thương vụ thâu tóm. Thời hoàng kim của AGF, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến thủy sản và quỹ đầu tư ngoại đã bày tỏ ý định sở hữu cổ phần tại AGF, nhưng chỉ nhận được cái "lắc đầu”.
Tuy nhiên, đến năm 2008, AGF bất ngờ sa sút khi lãi ròng cả năm chỉ đạt hơn 12 tỷ đồng (giảm 67% so năm 2007). Trước cơ hội hiếm có này, CTCP Hùng Vương (HVG) đã chủ động chào mua công khai cổ phần tại AGF, với thông điệp sẽ nhanh chóng vực dậy vị thế đầu ngành cho doanh nghiệp. Đến tháng 1-2010, HVG hoàn tất việc nâng sở hữu tại AGF lên 51%.
Sau khi rơi vào tay HVG, AGF đã có những chuyển biến tích cực, khi doanh thu 2 năm 2011 và 2012 tăng đột biến, với 2.762 tỷ đồng và 2.811 tỷ đồng so với 1.780 tỷ đồng năm 2010. Năm 2011, AGF còn được Hiệp hội Chế biến - Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) chứng nhận là doanh nghiệp nằm trong top 3 xuất khẩu cá tra. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2013, vị thế trong xuất khẩu thủy sản của AGF giảm mạnh về vị trí thứ 7 với giá trị xuất khẩu đạt 112,7 triệu USD.
Năm 2014, AGF tiếp tục tụt hạng từ vị trí số 7 xuống 14 với giá trị xuất khẩu giảm gần 25% so với năm 2013. Cũng trong năm 2014, CTCP Xuyên Thái Bình (PAN) đã bán hết 5,2 triệu CP AGF (tương đương 20,53% vốn điều lệ). Trong khi đó, HVG tiếp tục mua thêm và nâng sở hữu hơn 20,3 triệu CP (tương đương 79,58% vốn điều lệ).
Điều đáng nói, càng lệ thuộc vào ông chủ mới, AGF càng lao dốc nhanh hơn. Bản thân HVG cũng không sáng sủa hơn do gánh nặng chi phí lãi vay nhằm phục vụ các hoạt động thâu tóm doanh nghiệp. Đến năm 2015, AGF bất ngờ báo lỗ trong năm tài chính đầu tiên.
Đỉnh điểm là kết quả kinh doanh năm 2018 với lợi nhuận âm hơn 178 tỷ đồng. Đây là năm thứ 2 liên tiếp AGF báo lỗ, nâng tổng số lỗ lũy kế lên hơn 270 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ 281 tỷ đồng. Càng khó khăn hơn khi các ngân hàng siết chặt vốn vay, dẫn đến tình trạng thiếu nguồn vốn cho sản xuất, thiếu thức ăn cho vùng nuôi, thiếu sản lượng cung cấp cho các nhà máy chế biến.

SCIC cũng bán tháo?
Nhìn vào những dữ liệu phân tích trên,  nhiều người cho rằng AGF lao dốc trách nhiệm lớn nhất thuộc về HĐQT của HVG với chiến lược quản trị và điều hành kém hiệu quả. Tuy nhiên, trong cơ cấu cổ đông của AGF có Tổng công ty Đầu tư - Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đang nắm giữ 8,24% vốn điều lệ (tương đương 2,31 triệu CP). Dù vậy, bóng dáng của SCIC tại AGF lại hết sức mờ nhạt.
Thậm chí, khi AGF gặp khó, SCIC còn tuyên bố bán toàn bộ cổ phần đang nắm giữ. Cụ thể, tháng 10-2016, SCIC công bố kế hoạch đưa 2,31 triệu CP AGF ra chào bán cạnh tranh với giá khởi điểm 28.100 đồng/CP. Do giá CP AGF thời điểm đó chỉ ở mức 10.000 đồng, đợt thoái vốn đã không thành công. 
Theo TS. Đinh Thế Hiển, việc SCIC muốn thoái hết vốn khỏi AGF khiến giới đầu tư đặt nhiều câu hỏi về mục tiêu hoạt động tổng công ty này. Là doanh nghiệp kinh doanh, SCIC hẳn thấy được tiềm năng và lợi thế của doanh nghiệp mình đang nắm giữ cổ phần. Khi AGF khó khăn, SCIC cũng phải hiểu rằng đây chỉ là những khó khăn tạm thời của ngành ở thời điểm đó.
Thế nên, thay vì thoái vốn, SCIC có thể mua thêm cổ phần để tái cơ cấu hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Thực tế, những khó khăn AGF đang đối mặt cũng là thực trạng chung của ngành thủy sản, trong khi tiềm năng của ngành này vẫn còn rất lớn nếu biết tận dụng.  
 AGF chính thức hoạt động theo hình thức CTCP năm 2011 và được cấp phép niêm yết CP trên sàn HOSE năm 2002. Có thời điểm mã CP này tăng chạm mốc 46.000 đồng/CP (tăng 1,5 lần so với mức giá chào sàn). Tuy nhiên, do thua lỗ triền miên, AGF hiện chỉ còn giao dịch trên mức 3.000 đồng/CP. 

Các tin khác