Bảo hiểm cá nhân vẫn là nguồn thu chính của các doanh nghiệp

(ĐTTCO) - Theo Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (ISA), năm 2018, doanh thu phí bảo hiểm (BH) toàn thị trường ước đạt 133.654 tỷ đồng (tăng 24%), trong đó BH nhân thọ ước đạt 87.960 tỷ đồng (tăng 33%), BH phi nhân thọ ước đạt 45.694 tỷ đồng (tăng 10%). 
Đây là năm thứ 5 liên tiếp thị trường BH Việt Nam đạt mức tăng trưởng doanh thu phí BH trên 20%. Mức tăng trưởng cao của ngành chủ yếu được đóng góp bởi mảng BH cá nhân, bao gồm: BH nhân thọ, BH sức khỏe, BH xe cơ giới.
Từ năm 2015, BH nhân thọ đã phát triển nhanh với tốc độ trung bình 33%/năm, so với mức tăng 21%/năm trong giai đoạn 2012-2014. Nguyên nhân do từ năm 2015, các doanh nghiệp BH nhân thọ tăng cường đa dạng hóa sản phẩm, tăng vốn, đồng thời đẩy mạnh các kênh đại lý, phòng giao dịch và kênh ngân hàng.
Theo đó, từ năm 2015, tỷ trọng BH nhân thọ trong tổng doanh thu phí BH ngày càng tăng. Đặc biệt, do tỷ lệ người dân Việt Nam có BH nhân thọ còn thấp so với nhiều nước trong khu vực và thế giới, cho thấy ngành này vẫn còn dư địa tăng trưởng rất lớn. Tầng lớp trung lưu đang và sẽ tiếp tục gia tăng nhanh chóng (dự kiến chiếm 50% dân số vào năm 2035 so với 11% năm 2015) sẽ là nhân tố kích cầu chính của các sản phẩm BH cá nhân. 
Kinh tế phát triển làm cho tầng lớp trung lưu mở rộng, kéo theo nhu cầu tiết kiệm và đầu tư ngày càng tăng. Cùng với sự phát triển của thị trường tài chính, đây là yếu tố kích thích sự tăng trưởng của các sản phẩm BH liên kết đầu tư (liên kết chung và liên kết đơn vị). Tỷ trọng các sản phẩm liên kết đầu tư ngày càng tăng trong doanh thu phí khai thác mới (chiếm 67% so với 33% năm 2014).
Do vậy, BH liên kết đầu tư sẽ là nguồn thu chính của các doanh nghiệp BH nhân thọ trong thời gian tới. Ngược lại, các sản phẩm bán buôn cho các doanh nghiệp và tổ chức, bao gồm: BH tài sản thiệt hại, BH hàng hóa, BH cháy nổ… phục hồi chậm sau giai đoạn kinh tế suy giảm 2013-2014. Thực tế này cho thấy ngành BH ngày càng tập trung vào phân khúc khách hàng cá nhân. 
“Miếng bánh” ngon sẽ có nhiều doanh nghiệp tham gia, kéo theo sự cạnh tranh gay gắt giữa các công ty BH cho mục tiêu thị phần. Theo nhận định của CTCK Rồng Việt (VDSC), mảng BH cá nhân sẽ tiếp tục giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển của các công ty BH trong thời gian tới. Nền kinh tế tăng trưởng cao, thu nhập đầu người gia tăng, cơ cấu dân số già hóa, viện phí tăng và tỷ lệ sở hữu phương tiện thấp sẽ là những yếu tố hỗ trợ tích cực cho nhu cầu về BH cá nhân.

Các tin khác