Chứng khoán sẽ hưởng lợi kinh tế tích cực

(ĐTTCO) - Tại lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu năm 2019 ngày 2-1 tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (ảnh), ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, bày tỏ kỳ vọng vào sự phát triển của nền kinh tế cũng như sự chuyển biến tích cực về quy mô và chất lượng của TTCK.

2018: Những con số ấn tượng
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, năm 2018 kinh tế thế giới tuy tăng trưởng ở mức cao nhưng diễn biến rất phức tạp. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) 4 lần tăng lãi suất, tranh chấp thương mại giữa các nền kinh tế lớn và những diễn biến địa chính trị trên thế giới, đã  ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế và thị trường tài chính quốc tế.
TTCK toàn cầu theo đó đã có những biến động mạnh với xu hướng giảm điểm sâu, lan tỏa ra các TTCK vào nửa cuối năm 2018. Tuy nhiên, trong bối cảnh này, kinh tế Việt Nam kết thúc năm 2018 với kết quả rất ấn tượng. 
 Năm 2019 tuy kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn, song với những cải cách và quyết tâm của Chính phủ, chúng ta có quyền hy vọng vào sự phát triển của nền kinh tế cũng như sự chuyển biến tích cực về quy mô và chất lượng của TTCK.
Ông Đinh Tiến Dũng,
Bộ trưởng Bộ Tài chính
Mặc dù chỉ số VN Index ghi nhận mức giảm 9,3% theo xu thế chung của TTCK quốc tế, nhưng quy mô và thanh khoản thị trường tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Quy mô vốn hóa thị trường CP đạt gần 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 10,6% so với năm 2017, tương đương 70,2% GDP năm 2018 - vượt chỉ tiêu 70% GDP đề ra tại chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2011-2020.
Giá trị giao dịch trái phiếu bình quân đạt 6.500 tỷ đồng/phiên, tăng 29% so với năm 2017. Đặc biệt, vốn đầu tư gián tiếp trên TTCK vẫn đạt 2,8 tỷ USD, giá trị danh mục NĐT nước ngoài đạt 32,8 tỷ USD.
Cũng theo ông Đinh Tiến Dũng, TTCK không những tiếp tục khẳng định được vai trò là kênh huy động vốn hữu hiệu cho cả Chính phủ, còn là kênh huy động vốn quan trọng của các doanh nghiệp tư nhân để phục vụ cho nhu cầu đầu tư và phát triển kinh tế.
Năm 2018, TTCK Việt Nam được đánh giá là thị trường thành công nhất khu vực Đông Nam Á về huy động vốn. Năm 2018 cũng ghi nhận sự tiến bộ vượt bậc của các doanh nghiệp. Trong 9 tháng năm 2018, các doanh nghiệp niêm yết có doanh thu tăng 20,5%, lợi nhuận tăng 24,9%. Các công ty chứng khoán có lợi nhuận sau thuế tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
TTCK tiếp tục khẳng định là kênh huy động vốn hữu hiệu cho phát triển kinh tế, trong đó huy động trái phiếu chính phủ và trái phiếu chính phủ bảo lãnh đạt 192.000 tỷ đồng, kỳ hạn phát hành bình quân trái phiếu kho bạc đạt mức 12,55 năm, đáp ứng được nhu cầu đầu tư công và cơ cấu nợ công của Chính phủ. Huy động vốn qua phát hành CP, trái phiếu doanh nghiệp, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước ước đạt 62.200 tỷ đồng tăng 30,7% so với 2017.
Chứng khoán sẽ hưởng lợi kinh tế tích cực ảnh 1
2019: Đối mặt nhiều bất ổn
Trước đó khi được hỏi dự cảm về nền kinh tế 2019, ông Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nhìn nhận năm 2019 chúng ta phải đối mặt với nhiều bất ổn từ bên ngoài hơn so với năm 2018.
Thứ nhất, sự chậm lại của kinh tế Trung Quốc và dấu hiệu suy thoái của kinh tế Mỹ, toàn cầu sẽ là sự chi phối rất lớn cho năm 2019, 2020. Điều này sẽ tác động ngay vào giá dầu, TTCK, đầu tư thương mại và tâm lý co cụm của NĐT nước ngoài.
“Nhận định này không phải bây giờ mới có mà đã được nhiều chuyên gia đưa ra cách đây gần 1 năm. Dấu hiệu của cuối năm 2018 đã khá rõ hơn. Đây là điểm bất ổn nhất của năm 2019” - ông Vũ Bằng nói.
Bất ổn tiếp theo là căng thẳng thương mại. Đó không chỉ đơn thuần là vấn đề thương mại mà là cạnh tranh của các siêu cường và kéo dài nhiều năm về kinh tế, công nghệ, quân sự, vấn đề tự do hàng hải… Các đối sách của Mỹ và Trung Quốc đều tác động đến điểm nhạy cảm của Đông Nam Á nằm trên trục Ấn Độ - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.
Trong bối cảnh này, vấn đề đặt ra là ứng xử của chúng ta thế nào nhằm tránh tổn thất cho đầu tư cũng như phát triển kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, khi FED tăng lãi suất sẽ tác động đến các nước có điểm yếu, gây biến động tỷ giá đến các thị trường mới nổi như Việt Nam khiến nợ khá lớn so với trước, đặc biệt nợ nước ngoài cần hết sức cân nhắc. Cuối cùng là vấn đề tăng lãi suất do các nước thắt chặt chính sách tiền tệ. Điều này sẽ tác động đến lãi suất, tỷ giá và dòng tiền.
“Trong bối cảnh như vậy, tôi thấy Chính phủ cũng đã nhìn nhận, đánh giá và có những giải pháp. Sắp tới, Chính phủ sẽ quan tâm nhiều hơn đến chất lượng tăng trưởng, không đặt trọng tâm năm sau phải cao nhiều hơn năm trước mà duy trì chất lượng để duy trì nhịp độ tăng trưởng” - ông Bằng nói.

Các tin khác