Định vị lại cổ phiếu ngân hàng

(ĐTTCO) - Mặc dù tăng trưởng tín dụng chậm lại, nhưng lợi nhuận các ngân hàng (NH) niêm yết được dự báo rất khả quan trong mùa công bố kết quả kinh doanh (KQKD) quý III. Tuy nhiên, những biến động gần đây của thị trường tài chính quốc tế, khiến giới đầu tư có những thay đổi về cách định giá với nhóm CP NH.  
Vẫn gam màu sáng
Thông thường, các NH công bố KQKD quý III sau ngày 20-10. Tuy nhiên, hiện tại một số NH đã công bố vài thông tin về lợi nhuận trước thuế và tăng trưởng tín dụng.
Dù tăng trưởng tín dụng trong 3 tháng trở lại đây có dấu hiệu giảm tốc sau khi tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm, nhưng theo dự báo của giới phân tích, lợi nhuận trước thuế 9 tháng 2018 của các NH niêm yết sẽ tăng 41% so với cùng kỳ 2017, dựa trên giả định tăng trưởng tín dụng đạt 11%. 
 Kỳ vọng tăng trưởng tín dụng của các NH sẽ giữ vững ở mức trung bình 16% trong năm 2018 (thấp hơn so với mức 19% năm 2017). Và với bối cảnh cho vay bán lẻ tăng trưởng nhanh hơn cho vay doanh nghiệp, dự báo năm 2019 tăng trưởng tín dụng là 15%.
Theo dự báo của CTCK TPHCM (HSC), có 5 yếu tố hỗ trợ đà tăng trưởng lợi nhuận cho các NH, gồm tỷ lệ lãi biên ròng (NIM) có dấu hiệu tăng  nhờ lãi suất cho vay tăng nhẹ trong những tháng gần đây; dòng thu nhập ngoài lãi tăng mạnh nhờ hoạt động dịch vụ tăng và đóng góp của các dòng thu nhập mới như hoa hồng bảo hiểm; chi phí dự phòng giảm, ước tính sơ bộ chi phí dự phòng chung cho các NH niêm yết chỉ tăng 10% trong 9 tháng; thu nhập không thường xuyên đối với một số NH từ thanh lý tài sản đảm bảo ngoại bảng đã được trích lập hoàn toàn, và chuyển nhượng mảng tài chính tiêu dùng; thu nhập không thường xuyên đối với một số NH khi sở hữu cổ phần tại các NH nhỏ hơn được đấu giá hoặc chuyển nhượng. 
Như vậy, so với bức tranh 6 tháng đầu năm lợi nhuận trước thuế tăng 52,8%, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 9 tháng đã giảm tốc do tăng trưởng tín dụng chậm lại. Song xu hướng chung vẫn rất tích cực, bởi các NH có thể đẩy mạnh các dòng thu nhập khác để bổ sung cho thu nhập lãi thuần.
Chẳng hạn, NHTMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) có nguồn thu nhập từ việc thanh lý tài sản đảm bảo và thoái vốn khỏi NHTMCP Quân đội (MBB) và NHTMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (EIB); NHTMCP Kỹ thương Việt Nam (TCB) có nguồn thu từ chuyển nhượng mảng tài chính tiêu dùng.

Mức giá đã hợp lý hơn
Với tốc độ tăng trưởng GDP quý III tích cực, nhiều khả năng NHNN sẽ không nâng mục tiêu tăng trưởng tín dụng. Điều này có nghĩa hạn mức tăng trưởng tín dụng của hầu hết NH sẽ được giữ nguyên, trừ một số trường hợp đặc biệt chẳng hạn như sáp nhập. Đơn cử, trường hợp NHTMCP Phát triển TPHCM (HDB) có thể được nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng lên cao hơn mức chung.
Định vị lại cổ phiếu ngân hàng ảnh 1 Nhờ thoái vốn tại MBB và EIB nên VCB đã có thêm nguồn thu bổ sung vào lãi thuần. 
Đây là thể xem là nguyên nhân khiến nhóm CP NH diễn biễn kém tích cực sau khi đạt đỉnh trong tháng 5. Theo phân tích của CTCK Rồng Việt (VDSC), ngành NH luôn được xem là “phong vũ biểu” cho sức mạnh của nền kinh tế. Song diễn biến giá kém tích cực của các NH lớn toàn cầu, cho thấy những thành phần tham gia thị trường đang thận trọng hơn đối với triển vọng của giá trị tài sản.
Đây chính là nguyên nhân khiến chỉ số định lượng như giá trên giá trị sổ sách (P/BV), hay lợi nhuận trên vốn (ROE), đã không còn là yếu tố quyết định biến động giá CP NH. Trong khi đó, 2 yếu tố quan trọng nhất tác động đến giá CP NH ở thời điểm hiện tại là các yếu tố định tính: tầm nhìn được thể hiện bởi kế hoạch rõ ràng theo chiến lược hợp lý để tăng thu nhập, và niềm tin của NĐT đối với đội ngũ quản lý. 
Ở thời điểm hiện tại giá của ngành NH đã phần nào trở nên hợp lý hơn sau đợt giảm kéo dài. Mặc dù mức P/B dự phóng cho 2018 (trung bình 2,2x) khá cao so với mức 1,1x của các NH ở thị trường cận biên, nhưng điều này có thể được lý giải dựa trên các yếu tố vĩ mô.
Bối cảnh vĩ mô của Việt Nam có vẻ lợi thế hơn so với các thị trường cận biên khác, khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự kiến tăng trưởng GDP 6,5% vào năm 2019 (so với trung vị 5,2% của các thị trường cận biên nói chung). 
Bên cạnh đó, các NH Việt Nam xếp hạng tốt nhất so với các thị trường cận biên về chất lượng tài sản. Tỷ lệ nợ xấu được dự báo đứng ở mức trung vị 1,4% trong năm 2019, so với mức 4% của các NH tại các thị trường cận biên. Chi phí rủi ro ở mức khoảng 10%, thấp hơn so với các NH khác (13%), dự kiến giảm còn 7,5% vào năm 2020. Ngoài ra, Việt Nam có cán cân vãng lai thặng dư 2,4% GDP (so với mức thâm hụt 2,9% của các thị trường khác). 
Ngành NH cũng đang có những chuyển động khả quan với dư nợ tăng trưởng đều, biên lợi nhuận mở rộng và thu nhập ngoài lãi được cải thiện, trong khi chi phí dự phòng cho trái phiếu VAMC có xu hướng giảm đến 2022. Từ đó kỳ vọng tăng trưởng về lợi nhuận trên cổ phần (EPS) giai đoạn này đạt 26%/năm.
Đây là yếu tố khiến VDSC nâng dự phóng mức EPS trung vị của các NH thêm 2% cho năm 2018 và 5% cho năm 2019. Ngoài dự phóng biên lợi nhuận cao hơn và chi phí dự phòng rủi ro thấp hơn, thu nhập từ các dịch vụ phi truyền thống (bancassurance, thẻ tín dụng, e-banking) được kỳ vọng tăng khi ngành chuyển hướng tập trung sang NH bán lẻ.

Các tin khác