Đồ gỗ xuất khẩu tiềm ẩn rủi ro

(ĐTTCO) - 2018 được xem là năm thành công của ngành đồ gỗ xuất khẩu với tốc độ tăng trưởng đạt 16%, chính thức vượt ngành thủy sản về tỷ trọng xuất khẩu. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực, ngành đồ gỗ xuất khẩu vẫn đang đối mặt không ít thách thức.
Vượt mặt thủy sản
Xuất khẩu gỗ Việt Nam đã trải qua năm 2018 khá thành công với tổng giá trị xuất khẩu đạt 8,9 tỷ USD (tương đương với mức tăng trưởng gần 16%). Ngoại trừ năm 2016 có tốc độ tăng trưởng khiêm tốn 1,1%, từ giai đoạn 2009-2018, tăng trưởng về giá trị xuất khẩu gỗ luôn đạt ở mức 2 con số, và tốc độ tăng trưởng trung bình 10 năm gần đây đạt xấp xỉ 15%. Với kết quả này, gỗ và sản phẩm gỗ đóng góp 3,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, đứng thứ 7/46 ngành được thống kê số liệu xuất khẩu trong năm 2018.
Trừ những mặt hàng chủ lực xuất ngoại nhiều năm như điện tử và dệt may (lần lượt chiếm 20,2% và 12,5% tổng giá trị xuất khẩu), gỗ và sản phẩm gỗ đã vượt thủy sản (đóng góp 3,6%) và các mặt hàng nông sản thế mạnh như rau quả, cà phê, hạt điều, để khẳng định vai trò trụ cột trong chiến lược đưa hàng hóa Việt Nam ra thị trường thế giới.
Đồ gỗ xuất khẩu tiềm ẩn rủi ro ảnh 1 Ảnh: L.THANH 
Các doanh nghiệp sản xuất trong nước là nhân tố không thể thiếu khi nhắc tới thành công của công tác xuất khẩu gỗ. Trong tổng giá trị xuất khẩu gần 9 tỷ USD của ngành gỗ, doanh nghiệp trong nước đóng góp tới 57%, 43% còn lại đến từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), nhiều doanh nghiệp  nội đạt kim ngạch xuất khẩu gỗ 50-270 triệu USD/năm. Trong đó, Mỹ tiếp tục là thị trường lớn nhất (4 năm liên tiếp) với 3,61 tỷ USD, kế đến là Nhật Bản (1,12 tỷ USD) và Trung Quốc (1 tỷ USD). Xét về tốc độ tăng trưởng, Hàn Quốc là đối tác có tốc độ tăng trưởng giá trị xuất khẩu gỗ cao nhất trong năm 2018 với 39,4%.
Trong khi đó, thị trường Mỹ vẫn duy trì được mức tăng trưởng ổn định 17,3%. Đáng chú ý, Nhật Bản có mức tăng trưởng nhảy vọt từ 2,8% năm 2017 lên 13,2%. Ngược lại, với những tác động về địa chính trị, Trung Quốc là thị trường ghi nhận mức tăng trưởng âm và rơi xuống vị trí thứ 3 sau Nhật Bản.
Rủi ro trong cơ hội
Lạc quan về triển vọng xuất khẩu, các chuyên gia nhận định xu hướng về xuất khẩu gỗ trong năm 2019 sẽ không có nhiều thay đổi so với năm 2018. Đây cũng chính là yếu tố giúp ngành tự tin đặt mục tiêu xuất khẩu cho năm 2019 là 11 tỷ USD, năm 2020 đạt 12-13 tỷ USD và chạm mức 20 tỷ USD vào năm 2025. Tác động lớn nhất đối với ngành là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, vừa mang đến cơ hội nhưng cũng chứa đựng rất nhiều rủi ro.  
Có thể thấy, kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam sang thị trường Mỹ đã tăng mạnh trong năm 2018, chủ yếu về xuất khẩu mặt hàng gỗ sản phẩm. Tuy nhiên, theo nhận định của CTCK Rồng Việt (VDSC), việc gia tăng đột biến giá trị xuất khẩu sang thị trường này có thể phát sinh những điều tra của Chính phủ Mỹ về bán phá giá và trợ cấp, như việc họ đã từng làm với Trung Quốc trong năm 2017. Cuộc chiến thương mại này cũng tác động xấu tới việc xuất khẩu gỗ nguyên liệu sang Trung Quốc (dăm gỗ, gỗ xẻ), khi các nhà sản xuất nước này phải tính thêm cả việc nhu cầu sản phẩm của họ có thể bị sụt giảm.
Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản giữa Việt Nam và EU (VPA/FLEGT) có hiệu lực từ năm 2019. Bước đầu, các quy định mới sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong ngắn hạn, khi họ cần thời gian để thích ứng và chuyển giao mô hình và thói quen sản xuất.
Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn, cảnh báo nếu Việt Nam không quản lý được nguồn gỗ nguyên liệu hợp pháp theo quy định của VPA/FLEGT, trong tương lai các thị trường xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng do không có người mua.
Thế nhưng, nếu nhìn dài hạn, đây chính là đòn bẩy giúp sản phẩm đồ gỗ Việt Nam trở thành ngành xuất khẩu mũi nhọn, giúp gia tăng cả về giá trị lẫn chất lượng cho gỗ Việt Nam trên thị trường thế giới. Đây sẽ là kim chỉ nam định hướng hình thành một nền công nghiệp có chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, từ khâu nhập nguyên liệu đến khâu hoàn thiện sản phẩm. 
 Đồ gỗ nội thất là sản phẩm chủ lực với giá trị xuất khẩu đạt 5,37 tỷ USD (chiếm tỷ trọng 60%). Kế đến là mặt hàng dăm gỗ với 1,34 tỷ USD (15%), các loại ván (9%), gỗ tròn và gỗ xẻ (1%), các sản phẩm khác (15%).

Các tin khác