F&B gặp khó vì nhu cầu giảm

(ĐTTCO) - Trái ngược với dự báo trước đó của các chuyên gia kinh tế, doanh số ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) 6 tháng đầu năm chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ. 
F&B gặp khó vì nhu cầu giảm
Đây chính là nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh (KQKD) của các doanh nghiệp niêm yết trong lĩnh vực thực phẩm và dịch vụ ăn uống (F&B) không như mong muốn.
Theo báo cáo tài chính (BCTC) bán niên 2018, trong khi doanh thu thuần tăng nhẹ 2%, lợi nhuận sau thuế của VNM lại giảm mạnh 8% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu do biên lợi nhuận gộp thu hẹp ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu.
Sự thu hẹp thị trường xuất khẩu chính của VNM gặp khó khăn do những bất ổn kinh tế - chính trị ở Iraq (chiếm 80% tỷ trọng doanh thu xuất khẩu). Theo VNM, rất nhiều đại lý bán lẻ ở Iraq đã phá sản, hoặc quỵt nợ, trở thành nợ xấu của các nhà phân phối thực phẩm ở Trung Đông. Do đó, nhà phân phối của VNM ở Qatar hạn chế dần việc nhập khẩu sữa bột từ VNM, đồng thời yêu cầu chiết khấu cao hơn. Điều này làm cả doanh số lẫn lợi nhuận gộp của VNM sụt giảm nghiêm trọng (giảm lần lượt 7% và 12% so với cùng kỳ năm 2017).
Tình trạng kém khả quan cũng xảy ra tại 2 doanh nghiệp đầu ngành giải khát là Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SAB) và Tổng CTCP Rượu - Bia - Nước giải khát Hà Nội (BHN). ĐTTC số báo ngày 23-8 có bài viết “SAB - Bình mới bao giờ rượu mới?” phản ánh thực trạng khó khăn của SAB. Cả 2 doanh nghiệp này đang cùng lúc đối mặt vấn đề chính là doanh thu tăng nhưng lợi nhuận không tăng.
Cụ thể, theo BCTC bán niên 2018, doanh thu 6 tháng đầu năm của BHN và SAB tăng lần lượt 2,6% và 8,6%, nhưng lợi nhuận ròng của BHN chỉ đi ngang, còn SAB giảm đến 5% so với cùng kỳ 2017. Trên thực tế, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực F&B đang niêm yết trên TTCK còn có CTCP Tập đoàn Masan (MSN) và CTCP Tập đoàn Kido (KDC). Tuy nhiên, do mô hình của 2 doanh nghiệp này là hoạt động kinh doanh đa ngành, có tỷ trọng lợi nhuận tài chính lớn nên không được xếp vào lĩnh vực F&B. 
Dù hành vi người tiêu dùng đang dần thay đổi ở các đô thị lớn và ngành thực phẩm đồ uống đang gặp khó khăn về biên lợi nhuận trong ngắn hạn, nhưng với chiến lược cao cấp hóa các mặt hàng nhằm chiếm lĩnh thị phần từ đối thủ nhỏ hơn, doanh thu và lợi nhuận các công ty F&B sẽ sớm hồi phục mức tăng trưởng bền vững 5-8%/năm.

Các tin khác