FDI cần “chất” hơn “lượng”

(ĐTTCO) - Sau 30 năm mở cửa thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dù đã đạt được những thành tựu quan trọng, nhưng khu vực này còn một số tồn tại, hạn chế cần phải được khắc phục.
FDI cần “chất” hơn “lượng”
 Cụ thể là mức độ kết nối, lan tỏa của khu vực đầu tư nước ngoài đến khu vực đầu tư trong nước còn thấp, thu hút và chuyển giao công nghệ chưa đạt được như kỳ vọng. Hiện tượng một số doanh nghiệp chuyển giá, trốn thuế hoặc chưa nghiêm túc thực hiện quy định về bảo vệ môi trường; hiệu quả sử dụng đất của nhiều dự án đầu tư nước ngoài chưa cao...
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận xét, hiện nay chính sách thu hút FDI của Việt Nam khá thuận lợi, trong khi nhiều quốc gia trên thế giới có chính sách đầu tư không nhất quán, liên tục thay đổi thì Việt Nam luôn duy trì chính sách “cởi mở” để thu hút đầu tư. Đây là một trong những nhân tố quan trọng giúp Việt Nam nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trên thế giới.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng, đã đến lúc chúng ta cần hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh để lựa chọn, thu hút các dự án FDI chất lượng cao, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như những biến đổi của khoa học công nghệ trong cuộc “Cách mạng 4.0” và xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư quốc tế.
"Đã đến lúc Việt Nam cần có sự chọn lọc, không nên ồ ạt như trước đây. Cụ thể, thời gian tới Bộ sẽ ưu tiên thu hút nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sản xuất thiết bị y tế, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Cần phải đảm bảo tiêu chí hài hòa giữa tăng trưởng xuất khẩu với đầu tư phát triển sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng và sử dụng nguồn nguyên liệu nội địa, phát triển công nghiệp hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực trong nước” - ông Hoàng nói.
Cũng theo ông Đỗ Nhất Hoàng, vấn đề đặt ra cho Việt Nam lúc này cần phải hoàn thiện cơ chế chính sách để tạo động lực mới cho thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao.
Về thị trường, đa dạng hóa thu hút đầu tư nước ngoài từ các thị trường và đối tác tiềm năng. Bên cạnh đó, cần chú trọng các tập đoàn xuyên quốc gia nắm giữ công nghệ tiên tiến và trình độ quản trị hiện đại.

Các tin khác