Gập ghềnh tiến trình cổ phần hóa

(ĐTTCO) - Hơn 20 năm qua, tiến trình cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn chưa hết gập ghềnh. Nói như một chuyên gia trong Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ, trong hơn 20 năm qua các nước khác đã làm được bao nhiêu việc và tiến xa rất nhiều, trong khi Việt Nam vẫn loay hoay với bài toán CPH DNNN...
Khó đạt chỉ tiêu
Tình trạng chậm trễ trong triển khai CPH DNNN không có gì mới. Điều này thể hiện rõ trong năm 2017 khi còn tới 21 DN không hoàn thành kế hoạch, dẫn đến tăng sức ép cho năm 2018. Theo đó, trong 9 tháng năm 2018, có 11 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH, trong đó có 10 DNNN và 1 đơn vị sự nghiệp.
Trong khi theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 10-7-2017, năm 2018 phải hoàn thành CPH ít nhất 85 DN, bao gồm 21 DN thuộc danh mục năm 2017 và 64 DN thuộc danh mục năm 2018. Tuy nhiên, đến hết tháng 9 mới CPH được 11 DN, lũy kế đến nay mới CPH được 26/127 DN theo kế hoạch.
 Chúng ta đặt mục tiêu kinh tế tư nhân phải đóng góp 40-60% GDP trong tổng thu nhập quốc dân. Muốn làm được điều đó chúng ta phải đẩy nhanh quá trình CPH DNNN, không thể chậm trễ. Nhưng tư duy làm kinh tế của DNNN vẫn mang nặng như thời bao cấp, không chịu thay đổi, trong khi DN tư nhân trong nước chưa được hỗ trợ để đủ mạnh để đáp ứng được kỳ vọng trên.
GS. Trần Văn Thọ
Về tình hình thoái vốn trong 9 tháng 2018, các DN đã thoái được 5.067 tỷ đồng, thu về 10.499 tỷ đồng. Riêng việc thoái vốn nhà nước tại 18 đơn vị thuộc Quyết định 1232/QĐ-TTg ngày 17-8-2017 của Thủ tướng Chính phủ với giá trị 1.308 tỷ đồng, thu về 2.511 tỷ đồng,  trong đó chỉ có 2 đơn vị thuộc kế hoạch thoái vốn năm 2018, còn lại 16 đơn vị thuộc kế hoạch thoái vốn năm 2017. Lũy kế đến nay mới có 31 đơn vị thực hiện thoái vốn (năm 2017 có 13 đơn vị).
Trong khi đó, theo Quyết định 1232/QĐ-TTg năm 2017 có 135 DN, năm 2018 có 181 DN phải thực hiện thoái vốn. Như vậy, cả chỉ tiêu DNNN CPH và thoái vốn nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đặt ra đều khó đạt được.
Đánh giá về thực trạng trên, ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, cho rằng tiến độ CPH DNNN còn rất chậm so với yêu cầu của Chính phủ đề ra. Nhiều DNNN thực hiện chưa thực chất, chưa nâng cao được hiệu quả hoạt động. Số DN sở hữu 100% vốn nhà nước giảm nhưng tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước trong số DN CPH còn cao. Việc chậm trễ còn do đang trong quá trình hoàn thiệm thêm về hành lang pháp lý, do đó tiêu chí an toàn và hiệu quả trong và sau CPH cần được cân nhắc. 
“Để thực hiện CPH cần lưu ý đến những việc phải làm, đặc biệt là vấn đề định giá, đánh giá tài sản của các DNNN. Nếu chúng ta không có những căn cứ vững chắc, pháp lý rõ ràng để đánh giá, định giá sẽ gây ra việc đánh giá thấp giá trị DN CPH. Điều này sẽ gây thiệt hại, thất thoát tài sản nhà nước” - Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương nhấn mạnh.
Gập ghềnh tiến trình cổ phần hóa ảnh 1
Lực cản lợi ích nhóm
Thực tế, nguyên nhân cơ bản khiến tiến độ CPH DNNN chậm đã được “điểm mặt chỉ tên”, là tâm lý sợ mất vị trí, vai trò sau CPH, tư tưởng yên vị đã và đang kìm hãm tiến độ đổi mới. Cụ thể, CPH DNNN dẫn đến “bình mới, rượu mới”, từ đó nảy sinh tâm lý sợ mất vị trí và vai trò sau CPH, đã khiến nhiều lãnh đạo DNNN không mấy mặn mà. Bên cạnh đó, tư duy né tránh trách nhiệm, sợ va chạm, e ngại công khai minh bạch… nhiều DNNN đã thiếu quyết liệt trong triển khai CPH.
Nói về lý do chính khiến tiến trình CPH DNNN không đạt được chỉ tiêu Chính phủ đề ra, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội, cho rằng việc chậm trễ này còn có nguyên nhân là sự cản trở của “lợi ích nhóm”, nhiều nơi vẫn muốn “cài cắm” người của mình trong DN.
Ông Nhưỡng dẫn chứng, một số dự án của Bộ Công Thương đã được chỉ rõ thua lỗ, phải CPH nhưng đến nay vẫn giẫm chân tại chỗ. “Với số dự án thua lỗ lớn như vậy, không thực hiện được CPH nên cho phá sản. Còn dự án nào bán được, cho thuê được đẩy nhanh tốc độ xử lý, tránh thất thoát vốn nhà nước” - ông Nhưỡng kiến nghị. 
Theo ông Nhưỡng, vấn đề đặt ra hiện nay là phải hoàn thiện ngay thể chế, chính sách để “bịt lỗ hổng” trong CPH DNNN. Song song với đó là tăng cường kiểm toán, thanh tra, điều tra những DNNN chậm thực hiện hoặc có dấu hiệu cố tình gây chậm trễ. Cụ thể, thời gian tới cần tiến tới nghiên cứu để sửa Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN, hoặc sửa đổi chương về DNNN trong Luật DN theo hướng bổ sung quy định về CPH DNNN.

Phải thay đổi tư duy
Trao đổi với ĐTTC nhân dịp chuyến công tác về Việt Nam mới đây, GS. Trần Văn Thọ, giảng viên kinh tế Trường Đại học Waseda (Tokyo, Nhật Bản), thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng, đã thẳng thắn chia sẻ cá nhân ông cảm thấy sốt ruột vì sự phát triển chậm chạp của Việt Nam bởi các rào cản từ thể chế, chính sách chưa hoặc ít được thay đổi cho phù hợp.
“Ngay từ những năm đầu thập niên 1990, khi tư vấn cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc ấy, tôi mong rằng quá trình CPH DNNN sẽ thành công chỉ trong vài năm. Nhưng đến nay, sau 25 năm chúng ta vẫn còn bàn về vấn đề này. Tôi nhận thấy chúng ta đang bị mất quá nhiều thời gian cho vấn đề này. Điều đó nói lên rằng chúng ta đã đi quá chậm, rất chậm. Chậm so với ngày trước, chậm so với những đòi hỏi của thế giới bây giờ” - GS. Trần Văn Thọ nhìn nhận.
GS. Trần Văn Thọ chia sẻ ông cảm thấy lo lắng khi quá trình CPH DNNN với nâng cao năng lực DN thuộc thành phần kinh tế tư nhân vẫn chưa có sự tương xứng. Điều này dẫn đến việc CPH DNNN có thể khiến kinh tế Việt Nam vẫn lệ thuộc bên ngoài, vì đối tượng mua cổ phần DNNN bán ra chủ yếu là các tập đoàn, DN nước ngoài.
“Điều tôi đặc biệt quan tâm lúc này là ai sẽ mua cổ phần khi DNNN CPH. DN nước ngoài vào Việt Nam mua cổ phần DNNN, Chính phủ có cách nào để nâng cao năng lực cho DN tư nhân trong nước đứng ra mua CPH hay không? DN nước ngoài họ ào vào, chúng ta sẽ làm gì, kinh tế chúng ta sẽ phản ứng thế nào?” - GS. Trần Văn Thọ bày tỏ lo ngại.

Các tin khác