HPX- Nguy cơ “dội chợ” ngày chào sàn

(ĐTTCO) - Theo kế hoạch, 150 triệu CP HPX của CTCP Đầu tư Hải Phát sẽ chính thức chào sàn HOSE trong phiên giao dịch ngày 24-7, với giá tham chiếu 26.800 đồng/CP. 
Trong bối cảnh TTCK đang trong giai đoạn điều chỉnh mạnh như hiện nay, mức giá của HPX chắc chắn sẽ là trở ngại trong việc tiếp cận NĐT.
Tăng vốn chóng mặt
HPX được thành lập năm 2003, với tên gọi CTCP Xây dựng - Du lịch Hải Phát, vốn điều lệ ban đầu 8 tỷ đồng. Năm 2007, HPX tăng vốn điều lệ lên 15 tỷ đồng trên cơ sở vốn góp của các cổ đông hiện hữu và các cổ đông khác.
Năm 2008, đánh dấu bước ngoặt quan trọng của HPX khi tăng vốn điều lệ từ 15 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng, thông qua việc phát hành cho các cổ đông, đồng thời triển khai đầu tư xây dựng dự án Khu đô thị mới Văn Phú và Tổ hợp thương mại và căn hộ The Pride thuộc Khu đô thị An Hưng.
Hoạt động kinh doanh tạo ra doanh thu và lợi nhuận cho HPX gồm: kinh doanh bất động sản, quản lý khai thác bất động sản sau đầu tư. Trong đó, hoạt động chính là kinh doanh bất động sản với trên 90% tổng doanh thu.
Năm 2011, HPX tiếp tục tăng vốn điều lệ từ 300 tỷ đồng lên 750 tỷ đồng, trên cơ sở phát hành cho cổ đông hiện hữu để nâng cao tiềm lực tài chính, thực hiện các dự án có quy mô lớn trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác trên cả nước. 
Năm 2017, HPX mở rộng thị trường trải dài các dự án từ Bắc đến Nam ở các tỉnh thành, và tập trung vào các khu vực kinh tế trọng điểm như: Bắc Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Nha Trang. Cũng trong năm 2017, HPX đã tăng vốn thành công 2 đợt: từ 750 tỷ đồng lên 1.200 tỷ đồng thông qua chia cổ tức bằng CP cho cổ đông hiện hữu, sau đó tăng lên 1.500 tỷ đồng thông qua việc chào bán cổ phần riêng lẻ cho NĐT chiến lược. 
Chưa dừng lại ở đây, trong năm 2018, HPX có kế hoạch huy động 3.000 tỷ đồng để đầu tư cho các dự án mới, trong đó có 2.000 tỷ đồng là vốn chủ sở hữu (thông qua phát hành CP và chào bán riêng lẻ) và 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm với lãi suất 11% cho năm đầu tiên.
Như vậy, vốn điều lệ của HPX sẽ lên đến 2.500 tỷ đồng ngay trong năm nay. Nhờ liên tục được bổ sung nguồn vốn chủ sở hữu, nên HPX không ngừng mở rộng hoạt động sản xuất và đầu tư vốn vào các công ty con, công ty liên doanh, liên kết. 
Đến thời điểm hiện tại, HPX có 3 công ty con, 3 công ty liên kết và 3 công ty góp vốn. Các doanh nghiệp này chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và phát triển bất động sản. Theo kế hoạch, HPX sẽ tăng tỷ lệ sở hữu tại Công ty TNHH HP Hospitality Nha Trang từ 75% lên 100%, CTCP Hải Phát Thủ Đô từ 60% lên 100%, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) từ 60% lên 100%. 
HPX- Nguy cơ “dội chợ” ngày chào sàn ảnh 1 Nhiều cổ đông lo ngại rủi ro tài chính khi HPX liên tục triển khai nhiều dự án BĐS. 
Tham vọng đi kèm rủi ro 
Việc HPX liên tục tăng vốn khủng, với mục tiêu lọt vào Top 5 doanh nghiệp phát triển bất động sản nhà ở với mức tăng trưởng bình quân là 30%/năm, vốn hóa thị trường từ 25.000 tỷ đồng lên 30.000 tỷ đồng và cổ tức từ 15-20%.
Riêng trong năm 2018, HPX đặt kế hoạch bàn giao 4 dự án (The Vista, Khu đô thị mới Phú Lương, Roman Plaza và Trâu Quỳ); ghi nhận 3.200 tỷ đồng doanh thu và 450 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018 mới chỉ ghi nhận 180 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (tương đương 40% kế hoạch cả năm).
Kết quả không như kỳ vọng này, khiến cổ đông thêm quan ngại về rủi ro kinh doanh của doanh nghiệp khi triển khai hàng loạt dự án cùng một lúc. Trong khi đó, thị trường bất động sản trong những năm tới có thể không tăng trưởng mạnh như 2 năm vừa qua, do lạm phát và lãi suất đang có dấu hiệu gia tăng trở lại.
Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất trong việc thu hút sự chú ý của NĐT lại đến từ mức giá chào sàn 26.800 đồng/CP. Mức giá này không thật sự hấp dẫn nếu so với các doanh nghiệp phát triển bất động sản tầm trung đang niêm yết. Cụ thể, HPX chỉ có tổng tài sản ở mức trung bình, vốn chủ sở hữu thấp, tỷ suất lợi nhuận trung bình, đặc biệt là tỷ lệ nợ phải trả/tổng tài sản là khá cao. 
Tại thời điểm giữa tháng 6, giá CP HPX trên OTC là 27.500 đồng/CP, tương đương vốn hóa 4.125 tỷ đồng. Với vốn hóa này, HPX chỉ nhỉnh hơn so với SCR (CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín) là 3.218 tỷ đồng, nhưng thấp hơn nhiều so với NLG (CTCP Đầu tư Nam Long) 6.423 tỷ đồng, VPI (CTCP Đầu tư Văn Phú) 7.184 tỷ đồng, PDR (CTCP Phát triển bất động sản Phát Đạt) 8.471 tỷ đồng, DXG (CTCP Dịch vụ và Xây dựng địa ốc Đất Xanh) 11.125 tỷ đồng, KDH (CTCP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền) 13.035 tỷ đồng. 
Lợi nhuận sau thuế năm 2017 của HPX chỉ đạt 320 tỷ đồng, chỉ nhỉnh hơn hơn so với SCR là 219 tỷ đồng và thấp hơn nhiều so với DXG là 1.085 tỷ đồng, NLG 756 tỷ đồng, KDH 559 tỷ đồng, PDR 440 tỷ đồng, VPI 419 tỷ đồng. Đáng ngại nhất là nợ phải trả/tổng tài sản của HPX hiện ở mức 69%. Tỷ lệ này chỉ thấp hơn PDR là 72%, nhưng lại cao hơn rất nhiều so với KDH 36%, VPI 46%, NLG 53%, DXG 55%, SCR 64%.

Các tin khác