HSG và NKG lao dốc nhưng vẫn dò đáy

(ĐTTCO)-Kết quả kinh doanh (KQKD) quý III của các doanh nghiệp thép như CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) và CTCP Thép Nam Kim (NKG), đang cho thấy sự sụt giảm thê thảm cả biên lợi nhuận gộp và biên lợi nhuận ròng. Đây là nguyên nhân khiến cho 2 mã CP thép này bị bán tháo và vẫn trong giai đoạn dò đáy.

Khó khăn kép
Từ tháng 9-2017, giá thép nguyên liệu cán nóng (HRC) bắt đầu đà tăng mạnh trong khi giá quặng gần như đi ngang. Hiện tượng trên bắt nguồn từ chính sách của chính phủ Trung Quốc, bắt đầu áp dụng chính sách thuế mới nhằm bảo vệ môi trường và đánh vào các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp.
Theo đó, các doanh nghiệp sẽ chịu các mức thuế cho việc gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, hoạt động khai thác, chế biến quặng và đặc biệt là sản xuất thép. Chính sách này khiến cho chi phí sản xuất thép thành phẩm tăng, nguồn cung các thành phẩm như HRC bị cắt giảm và đẩy giá tăng mạnh. 
Không chỉ đối mặt với giá nguyên liệu đầu vào, doanh nghiệp thép còn chịu tác động tiêu cực ở đầu ra. Nguyên nhân do thị trường xây dựng chững lại trong năm 2018, do nguồn cung bất động sản phần lớn đến từ những dự án sẵn có, trong khi các dự án mới gặp nhiều khó khăn về mặt pháp lý. Điều này thể hiện rõ qua KQKD quý III và việc ký kết các hợp đồng mới của các doanh nghiệp xây dựng.
 Thuế chống bán giá của Canada sẽ không có ảnh hưởng nhiều lên hoạt động của các doanh nghiệp thép niêm yết. Các doanh nghiệp như HSG và NKG đều không dừng chuỗi giá trị ở bước thép cán nguội mà chủ yếu là tôn mạ lạnh và tôn mạ kẽm.
Theo đó, dù KQKD quý III của các doanh nghiệp bất động sản khả quan, nhưng chủ yếu doanh thu đến từ các dự án trước đó trong khi các dự án mới đều đang chậm tiến độ. Điều này làm giảm nhu cầu cho mảng vật liệu xây dựng nói chung và ngành thép nói riêng. 
Tương tự, thị trường tôn đang rơi vào tình trạng quá cung, do quy mô thị trường ước tính trong năm 2018 là 3,9 triệu tấn, trong khi công suất hiện tại của 2 ông lớn trong ngành đều vượt quá khả năng hấp thụ của thị trường như: HSG đạt 2,3 triệu tấn, NKG đạt 1,1 triệu tấn.
Đáng chú ý là một tỷ trọng lớn sản phẩm sẽ được xuất khẩu như HSG (50% sản phẩm tôn mạ), NKG (44% sản phẩm tôn mạ), thế nhưng, thị trường xuất khẩu cũng đang gặp nhiều trở ngại với các vấn đề về thuế tự vệ, chống bán phá giá. Tình trạng quá cung trong khi cầu không đủ khiến cho mức độ cạnh tranh trong ngành cao hơn, dẫn đến việc cạnh tranh về giá cả giữa các doanh nghiệp.
Chính sách trữ tồn kho (3-4 tháng) không giúp doanh nghiệp trụ vững được lâu, và nặng nề nhất là vào quý III khi nguyên vật liệu đầu vào đạt đỉnh vào quý II và giảm nhẹ trong quý III. Hậu quả là KQKD quý III của các doanh nghiệp thép đều gây thất vọng cho cổ đông và NĐT.
Tương lai bất định
Ngoại trừ CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG), KQKD quý III của các doanh nghiệp thép là những con số đáng thất vọng. Đơn cử, NKG với lợi nhuận sau thuế trong kỳ chỉ đạt chưa đầy 1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái con số này là 249 tỷ đồng. Kết quả đáng thất vọng này bắt nguồn từ việc doanh thu giảm trong khi chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng khiến cho biên lợi nhuận gộp quý III giảm xuống chỉ còn 4,8%.
Doanh thu giảm do áp lực cạnh tranh ở thị trường nội địa quá lớn. Điều này thể hiện rõ qua việc lần đầu tiên từ năm 2013, NKG mất đi vị trí thứ 2 về thị phần ở mảng tôn mạ vào tay CTCP Tôn Đông Á. Dự kiến trong quý IV, đi cùng xu hướng chung của doanh nghiệp tôn mạ, NKG sẽ tiếp tục có KQKD không như mong đợi. 
HSG và NKG lao dốc nhưng vẫn dò đáy ảnh 1 NKG đã làm NĐT và cổ đông thất vọng khi lợi nhuận sau thuế quý III chưa đến 1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ là 249 tỷ đồng.
 Tương tự, KQKD quý IV năm tài chính 2017-2018 (từ 1-10-2017 đến 30-9-2018) của HSG tiếp tục gây bất ngờ. Nếu tính từ năm 2011 đến nay thì đây là quý đầu tiên HSG nếm mùi thua lỗ. Biên lợi nhuận gộp trong quý đạt 8,4%, giảm mạnh 8,4% so với cùng kỳ và 5,3% so với quý III.
Thêm vào đó, áp lực lãi vay tăng mạnh góp phần khiến HSG lỗ 100 tỷ đồng trong quý cuối cùng của niên độ tài chính. Điểm sáng của HSG là nhờ chính sách cạnh tranh về giá tương đối có hiệu quả, giúp doanh thu duy trì được mức tăng trưởng 23,5% so với cùng kỳ và thị phần được giữ vững ở mức 34%.
Thế nhưng, HSG và cả NKG sẽ không thể đẩy mạnh hơn khả năng cạnh tranh về giá, do đây đã là mức chịu đứng tối đa của doanh nghiệp. Không chỉ cạnh tranh gay gắt trong ngành mà bản thân HSG cũng đang chịu sức ép lãi vay lớn từ các dự án sắp đi vào hoạt động, trong khi thị trường đang thừa cung và hiệu quả công suất các nhà máy hiện tại của HSG không cao. 
Theo dự báo của CTCK KIS Việt Nam (KIS), với tình hình cạnh tranh gay gắt như hiện nay, KQKD quý IV của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục không có sự cải thiện và phụ thuộc vào biến động giá nguyên liệu đầu vào. Trong quý IV, với việc bắt đầu mùa đông ở Trung Quốc, công suất các nhà máy thép của quốc gia này tiếp tục giảm, khiến cho giá HRC khó giảm, trong khi giá thành phẩm tôn và ống thép ở Việt Nam sẽ khó tăng.
Bước sang năm 2019, với việc Formosa hoạt động ổn định, rủi ro phụ thuộc vào giá cả HRC Trung Quốc sẽ giảm bớt. Nhờ vậy, KQKD của doanh nghiệp thép sẽ ổn định hơn, nhưng triển vọng ngành thép tiếp tục tùy thuộc vào diễn biến chung của ngành xây dựng và bất động sản.

Rủi ro bắt đáy
KQKD không như kỳ vọng đã khiến cho 2 mã CP lao dốc mạnh trong những phiên giao dịch gần đây. Đơn cử là HSG giảm về chạm mức 8.000 đồng/CP trong phiên giao dịch ngày 2-11. Cũng trong phiên giao dịch này, NKG cũng giảm về mức lịch sử 8.630 đồng/CP. Sau khi chạm đáy, HSG và NKG được NĐT mua vào với 2 phiên tăng giá lên lần lượt 8.720 đồng/CP và 9.280 đồng/CP.
Thế nhưng, sau 2 phiên tăng ngắn ngủi, cả 2 mã CP này lại bị bán tháo và hiện lùi dần về mức đáy thiết lập trong phiên giao dịch ngày 2-11. Như vậy, tính từ đầu năm 2018 đến nay, HSG và NKG ghi nhận mức giảm lần lượt 70% và 78%.
Dù ghi nhận mức giảm khủng khiếp trên, nhưng theo đánh giá của giới phân tích, với dự báo được cho là kém khả quan trong những tháng cuối năm, khả năng HSG và NKG sẽ tiếp tục hành trình dò đáy sau khi 2 doanh nghiệp này công bố KQKD quý kế tiếp. Do vậy, việc bắt đáy HSG và NKG trong giai đoạn này được cho là có quá nhiều rủi ro cho NĐT.

Các tin khác