HVN đối diện “bầu trời” khó khăn

(ĐTTCO) - Dù nhiều năm nắm giữ vị thế trong lĩnh vực hàng không, nhưng CTCP Hàng không Việt Nam (HVN) đang khiến nhiều cổ đông lo lắng với cả “bầu trời” khó khăn phía trước. HVN đang  phải cùng lúc đối mặt với 3 sức ép: giá nhiên liệu, tỷ giá và đặc biệt là sức ép cạnh tranh từ các đối thủ. 
Lung lay vị thế
Một trong các điểm mạnh lớn nhất của HVN là từ chính công ty con và liên kết. Theo thống kê, HVN hiện có 15 công ty con và 5 công ty liên kết. Mạng lưới công ty con và liên kết của HVN bao trùm gần như toàn bộ hoạt động trong chuỗi giá trị của ngành hàng không Việt Nam.
 Với thị phần nội địa đạt 57%, HVN sẽ dễ dàng nâng giá vé nội địa và các phí dịch vụ liên quan để chuyển một phần biến động chi phí nhiên liệu cho khách hàng. Tuy nhiên, điều này sẽ gây bất lợi khi các hãng hàng không tranh thủ không tăng giá để lấy thị phần.
Đặc biệt, HVN đang sở hữu bộ 3 hàng không gồm Vietnam Airlines, VASCO (đang làm thủ tục đổi tên thành SkyViet) và Jetstar Pacific - điểm đầu của chuỗi giá trị - có mức tăng trưởng nhanh nhất. Các công ty khác trong chuỗi sẽ đem lại cho HVN các lợi thế bền vững hơn về biên lợi nhuận, dòng tiền. Trong năm 2017, doanh thu vận tải hàng không của HVN đạt 68.929 tỷ đồng (tăng 15%), trong đó chỉ riêng Vietnam Airlines và VASCO đóng góp 63.967 tỷ đồng (tăng 12%).
Tuy nhiên, sự có mặt của hãng hàng không giá rẻ (LCC) là CTCP Hàng không Vietjet (VJC) đã khiến thị phần nội địa của HVN bị suy giảm đáng kể. Theo thống kê, thị phần nội địa của Vietnam Airlines đã giảm từ 46% trong năm 2015 xuống 42% trong 2017.
Trong khi đó Vietjet đã vươn lên vị trí đầu tiên với 43% thị phần. Nếu tính cả thị phần của hãng Jetstar Pacific (sở hữu 68,9% cổ phần), HVN vẫn duy trì vị thế dẫn đầu với tổng cộng 57% thị phần nội địa. Nhưng vị thế này sẽ không giữ được lâu với sự xuất hiện thêm nhiều hãng hàng không mới chuẩn bị gia nhập thị trường.
Đơn cử như Bamboo Airway đã được cấp phép và dự kiến hoạt động ngay trong tháng 10 tới, có kế hoạch khai thác các đường bay ngắn từ sân bay Phù Cát (Bình Định). Ngoài ra, còn một số hãng hàng không mới có thể gia nhập thị trường trong thời gian sắp tới, như liên doanh của AirAsia (đang đợi giấy phép bay) và Vietstar Airline được thành lập với 3 cổ đông chính là Công ty Sửa chữa máy bay A41 (Quân chủng Phòng không - Không quân), CTCP Hàng không Ngôi Sao Việt và CTCP Chuyển phát nhanh Tín Thành, với vốn pháp định ban đầu 400 tỷ đồng.
HVN đối diện “bầu trời” khó khăn ảnh 1
Bất lợi trong cuộc chiến thị phần 
Điều đáng nói, trong cuộc chiến giành thị phần, HVN lại gặp bất lợi khi đơn hàng bàn giao máy bay bị chậm trễ. Trong năm 2018, HVN có 7 máy bay được hoàn trả do hết hợp đồng thuê và sẽ được thay thế bởi 11 chiếc máy bay mới giao trong năm, trong đó 9/11 chiếc là dòng máy bay 1 lối đi A321neo. Giai đoạn 2019-2021, dự kiến HVN sẽ nhận 21 máy bay gồm 11 chiếc A321neo, 2 chiếc A350 và 8 chiếc B787-10.
Đội bay sẽ được mở rộng quy mô lên 109-112 chiếc trong 2020 và 132-135 chiếc trong 2025. Thế nhưng, kế hoạch bàn giao máy bay A321neo đầu tiên (dự kiến tháng 12-2018) có thể dời đến đầu năm 2019. Việc chậm trễ này đến từ việc giao chậm động cơ Pratt & Whitney PW1100G (động cơ được sử dụng cho các máy bay A321neo). 
Để bù đắp cho thiếu hụt tạm thời về công suất, HVN đang tìm kiếm các công ty cho thuê máy bay trong khu vực để sắp xếp thuê ướt ít nhất 2 chiếc máy bay để thay thế cho 2 chiếc ATR, 3-5 máy bay khác để thay cho những chiếc A321neo giao chậm.
Tuy nhiên, theo Trung tâm Hàng không châu Á - Thái Bình Dương (CAPA), hiện khó có thể tìm được máy bay và bên cho thuê ướt, đặc biệt trong thời gian ngắn, vì hiện số lượng máy bay cho thuê ướt trong khu vực ở dòng A321neo khá khan hiếm. Trong khi đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Vietjet vẫn tiếp tục gia tăng mạnh công suất với 17 máy bay được giao trong 2018 (15 chiếc trong số đó là A321neo). Theo giới chuyên môn, việc chậm bàn giao này sẽ khiến HVN bị tụt lại trong cuộc đua dành thị phần, đặc biệt là cuộc đua đến các thị trường Bắc Á. 
Nguy cơ lỗ nặng tỷ giá
Mặc dù ngành hàng không vẫn có điều kiện thuận lợi về nhu cầu vận tải trong năm 2018, song kết quả kinh doanh của các hãng sẽ có sự khác biệt đáng kể. Một trong những yếu tố có tác động mạnh đối với kết quả kinh doanh 2018 của HVN là từ giá nhiên liệu (chi phí nhiên liệu hiện chiếm đến 36% chi phí hoạt động).
Tính đến ngày 4-7, giá dầu Brent và giá nhiên liệu bay Jet A1 lần lượt đạt mức 77,7USD và 85USD/thùng, tăng lần lượt 30% và 26% so với mức trung bình 2017. Theo giới phân tích, với tình hình hiện tại, giá dầu Brent trung bình trong 2018 sẽ đạt mức 75USD/thùng (tăng 35%). Tại ĐHCĐ thường niên 2018, HVN đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế ở mức 1.917 tỷ đồng (giảm 28%) dựa trên mức giá dầu Brent kỳ vọng cho 2018 ở mức 72USD/thùng. Với diễn biến giá dầu bất lợi như hiện nay, kết quả kinh doanh năm 2018 của HVN sẽ còn sụt giảm mạnh hơn con số kế hoạch 28%.
Bên cạnh giá nhiên liệu, HVN còn đối mặt với tình trạng biến động tỷ giá do phần lớn nợ vay và thuê tài chính được tính bằng USD. Nửa đầu 2018 đã chứng kiến mức tăng đáng kể của tỷ giá USD/VNĐ, từ 22.698 đồng vào cuối 2017 lên mức 23.045 đồng vào ngày 16-7, tương đương mức tăng 1,5%.
Trong khi đó, lịch trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) và chiến tranh thương mại Hoa Kỳ -Trung Quốc đang gia tăng bất ổn lên tỷ giá, mặc dù Chính phủ đang có các động thái kiềm chế tỷ giá.
Theo tính toán của CTCK KIS Việt Nam (KIS), tỷ giá USD/VNĐ có thể tăng 1,5-2% trong 2018, đồng nghĩa HVN có thể chịu khoản lỗ tỷ giá lên đến 800 tỷ đồng. Cần nhắc lại trong năm 2015, HVN từng lỗ tỷ giá 1.919 tỷ đồng khi USD tăng 5% so với VNĐ.

Các tin khác