Khả quan trái phiếu chính phủ

(ĐTTCO) - Trao đổi với ĐTTC, bà PHAN THỊ THU HIỀN (ảnh), Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng và Tổ chức tài chính (Bộ Tài chính), cho biết đối tượng mua trái phiếu chính phủ (TPCP) đang có sự dịch chuyển, từ các ngân hàng thương mại (NHTM) sang các công ty bảo hiểm và quỹ đầu tư.

Khả quan trái phiếu chính phủ ảnh 1 Bà Phan Thị Thu Hiền.
PHÓNG VIÊN: - Các nhà đầu tư mua TPCP hiện nay gồm những đối tượng nào, thưa bà?
Bà PHAN THỊ THU HIỀN: - Nhà đầu tư mua TPCP chủ yếu gồm 4 nhóm đối tượng: các quỹ đầu tư, doanh nghiệp chứng khoán; doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ (gần như bắt buộc phải mua nhằm đảm bảo an toàn vốn cũng như đáp ứng nghĩa vụ trả nợ trong tương lai); Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; các NHTM. Trong đó, nhóm NH là đối tượng chính mua TPCP, còn đối tượng là các quỹ đầu tư vẫn còn nhiều hạn chế.
Sở dĩ nhóm NH là đối tượng chính mua TPCP vì đạt được mục đích quản lý dòng tiền tốt hơn. Thông thường, khi dòng tiền của các NH chưa đưa được vào kênh tín dụng sẽ mua TPCP, mua với mục đích kinh doanh, để tối đa hóa dòng tiền. Ngoài ra, các NHTM và các tổ chức tín dụng mua TPCP còn nhằm đạt được chỉ tiêu an toàn về vốn.
Bởi các NHTM khi huy động vốn không được phép cho vay lại tất cả vốn đã huy động, vì đây là điều hết sức nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chính vì thế NH phải giữ lại một phần nguồn vốn đã huy động được ở hình thức bằng tiền hoặc tài sản tương đương với tiền. Ở góc độ này, TPCP đáp ứng được nhu cầu giữ được các tiêu chí an toàn của các NHTM.
Hiện nay, các nước trong khu vực có tỷ lệ NHTM nắm giữ, đầu tư vào TPCP ở mức khá cao, như Trung Quốc có tỷ lệ 60%. Còn Việt Nam hiện dao động 47-48%, tương đương với tỷ lệ của Malaysia. Điều này sẽ tạo ra những hiệu ứng tốt, tránh trường hợp dư luận cho rằng các NHTM lâu nay chỉ cho vay tín dụng chứ không đầu tư. Ngược lại Bộ Tài chính cũng đạt được mục tiêu cân đối thị trường với sự tham gia đa dạng của các nhà đầu tư, cơ cấu lại được vấn đề nợ của các doanh nghiệp. 
- Nhưng khi NH tập trung mua TPCP sẽ làm giảm phần cho vay đối với nền kinh tế, doanh nghiệp, đặc biệt là kinh tế tư nhân, vốn dĩ đã gặp khó khăn trong huy động vốn đầu tư trung và dài hạn, thưa bà?
- Việc mua TPCP không ảnh hưởng đến hoạt động cho vay của các NH và thị trường TPCP không còn lệ thuộc vào hệ thống NH, bởi các đối tượng mua đang có sự dịch chuyển. Hiện nay, nhìn vào bảng tổng kết tài sản của hệ thống NH thời điểm cuối năm 2017, tỷ lệ đầu tư TPCP khá nhỏ, chỉ vào khoảng 7,28% trong tổng tài sản của hệ thống NH.
Trong khi đó, dư nợ tín dụng cho vay nền kinh tế chiếm 65% tổng tài sản, tương đương 130% GDP (năm 2014 tỷ lệ cho vay nền kinh tế khoảng 60% tổng tài sản). Như vậy, tỷ lệ cho vay nền kinh tế và tham gia thị trường TPCP có sự cân đối và hài hòa, không phải lo ngại việc NH đầu tư trái phiếu nên không muốn cho doanh nghiệp vay như ý kiến đã nêu.
- Bà cho rằng tỷ lệ nắm giữ của các NHTM trên thị trường trái phiếu đã giảm mạnh, vậy cơ cấu nhà đầu tư TPCP hiện nay như thế nào?
- Năm 2014, các NHTM nắm giữ tới 79,7% tổng dư nợ thị trường trái phiếu. Danh mục còn lại do các nhà đầu tư là Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, các công ty bảo hiểm (trong đó chủ yếu là bảo hiểm nhân thọ), Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài và các nhà đầu tư khác nắm giữ. Thời gian gần đây đã có một số nhà đầu tư offshore bắt đầu quan tâm đến thị trường TPCP của Việt Nam.
Cụ thể trong năm 2017, Bộ Tài chính đã phát hành khoảng 11.000 tỷ đồng TPCP kỳ hạn 20, 30 năm cho nhà đầu tư offshore. Còn tính chung trong 2 năm 2017-2018, Bộ Tài chính phát hành TPCP ra nước ngoài cũng như thị trường trong nước với thời hạn kéo dài 20-30 năm và đã thu được khoảng hơn 80 triệu USD, đây là con số rất ấn tượng.
Điều này cho thấy đã có sự dịch chuyển sang các công ty, các quỹ đầu tư khác. Bộ Tài chính rất quan tâm đến nhóm mua là những nhà đầu tư có nguồn vốn dài hạn để giúp đa dạng hơn về các nhà đầu tư mua TPCP và phù hợp với thông lệ quốc tế. 
- Xin cảm ơn bà. 

Các tin khác