Khi quy mô vốn đều lệ lệch pha thị phần

(ĐTTCO) - Trong nửa thập niên qua đã có mối quan hệ khá chặt chẽ giữa quy mô vốn điều lệ (VĐL) và thị phần của CTCK. Nhưng sự tương quan đang tạm thời bị phá vỡ khi có sự xuất hiện của một loạt tên tuổi mới. 

Những cánh chim lạ
Nếu hỏi CTCK nào có VĐL lớn nhất, nhiều NĐT có thể nói ngay đến SSI với 5.000 tỷ đồng VĐL cùng ưu thế tuyệt đối về thị phần. Tuy nhiên việc xếp loại “CTCK thứ hai” hiện nay xem chừng không đơn giản. Bởi lẽ nếu nói về thị phần môi giới chứng khoán cơ sở, HSC nằm ở vị trí thứ 2 nhưng lại dẫn đầu trong mảng phái sinh. Trong khi đó, VN Direct không nằm trong top 2 thị phần cơ sở, nhưng lại xếp thứ 2 ở thị phần phái sinh.
Tuy vậy, cả HSC và VN Direct đều không phải là CTCK có VĐL lớn thứ hai thị trường, mà lại là Mirae Asset (MASC). Giữa năm 2017, MASC bắt đầu quá trình tăng vốn thần tốc của mình, từ 700 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng, xếp thứ 3 về VĐL toàn thị trường (sau SSI và Agriseco). Đầu quý IV năm nay, MASC trở thành á quân về VĐL khi có một đợt tăng VĐL lên 4.300 tỷ đồng chỉ còn thua SSI 700 tỷ đồng. 
 Với các CTCK vốn lớn, sức ép về tăng trưởng, doanh thu, thị phần rất lớn. Trong khi với những CTCK kỳ cựu, tên tuổi nhưng VĐL còn thấp, chắc chắn sức ép về mặt VĐL cũng không hề nhỏ.
Nói MASC là cái tên lạ, vì CTCK này dù thành lập vào năm 2008 bởi định chế tài chính Mirae Asset của Hàn Quốc, tức đã có 10 năm hiện diện trên TTCK Việt Nam nhưng dấu ấn để lại chưa nhiều. Thực ra tỷ lệ tăng vốn của MASC chưa phải nhanh và lớn nhất. Và dù đứng số 2 về VĐL, nhưng nhìn vào bảng xếp hạng thị phần quý gần nhất vẫn chưa thấy tên MASC.
Có thể nói, trường hợp của MASC là minh chứng rõ nhất cho sự lệch pha giữa VĐL và thị phần. Sự chênh lệch về VĐL giữa các CTCK nếu xét trong ngắn hạn rất bình thường, bởi không thể CTCK này tăng vốn CTCK khác cũng phải thực hiện. Chưa kể vốn dù quan trọng nhưng không phải là tiêu chí duy nhất để tạo lợi thế cạnh tranh. Bởi lẽ, ngoài vốn CTCK còn phải có con người, quy trình, nghiệp vụ, đặc biệt là công nghệ để phát triển sản phẩm mới. 
Khi quy mô vốn đều lệ lệch pha thị phần ảnh 1  
Sức ép cựu binh
Tuy nhiên, các CTCK trong thời gian dài không tiến hành tăng vốn, hoặc có lộ trình không thực hiện, nên việc phải chịu sức ép trước các tân binh là điều không thể tránh khỏi. Thí dụ, CTCK Bảo Việt (BVSC) là một trong những CTCK đầu tiên của thị trường cùng với SSI. Song VĐL chỉ 722 tỷ đồng của BVSC tất nhiên không thể so với những người cùng thời như SSI, BSC (VĐL 1.110 tỷ đồng), còn kém cả những đàn em như KIS (1.112 tỷ đồng) hay Yuanta (1.000 tỷ đồng). Thời gian dài không tăng vốn đã tạo ra những khoảng cách khá lớn về VĐL của BVSC và một số CTCK kỳ cựu khác so với nhiều CTCK mới trên thị trường. 
5 năm trước, VĐL 1.000 tỷ đồng được xem là cao so với mặt bằng của các CTCK, nhưng nay là mức sàn của các CTCK. HSC với VĐL chỉ xấp xỉ 1.300 tỷ đồng, dù có thể lớn gần gấp đôi BVSC, nhưng con số này có vẻ không tương xứng với vị thế của CTCK có thị phần số 2 thị trường, thậm chí là số 1 trong một số mảng như phái sinh, hay nghiên cứu phân tích. Hoặc việc HSC trải qua thời gian dài không tăng vốn đã tạo ra một khoảng cách với các CTCK khác. VĐL của HSC thậm chí thua nhiều CTCK chưa lọt vào top 10.  
Đi sâu vào phân tích việc một số CTCK kỳ cựu tăng vốn chậm chạp, ngoài nguyên nhân chủ quan liên quan đến quyết định, chiến lược, sẽ thấy một số nguyên nhân khách quan khác. Điều đầu tiên là việc nhiều CTCK trong tốp đầu đều là những công ty niêm yết, cơ cấu cổ đông trải rộng, như vậy sức ép từ phía cổ đông không hề nhỏ. Một kế hoạch tăng vốn sẽ phải thuyết phục NĐT, cổ đông đảm bảo gia tăng nguồn lực nhưng cũng không làm ảnh hưởng pha loãng CP, hay khiến đà tăng trưởng CP bị chững lại.
Ngược lại, một số CTCK tân binh có sự tiếp sức từ chủ sở hữu, từ tập đoàn, công ty mẹ, hoặc bắt tay với đối tác chiến lược, việc tăng vốn sẽ đơn giản hơn nhiều. Chỉ một nhóm hoặc vài cổ đông ra quyết định, VĐL dù có tăng nhiều lần cũng không mất quá nhiều thời gian. Nhưng với CTCK đã niêm yết, dù VĐL còn thấp, việc đệ trình kế hoạch tăng vốn gấp đôi, gấp ba sẽ nhận được rất nhiều chất vấn liệu lợi nhuận, doanh thu hay thị phần có thể tăng được như vậy hay không. 
Dù vậy, các CTCK kỳ cựu với mức vốn quanh mốc 1.000 tỷ đồng, hoặc dưới mốc này cũng không thể đứng ngoài làn sóng tăng vốn trong thời gian sắp tới. Bởi trước đây nếu nói tới CTCK ngoại chỉ có Maybank KimEng, sau đó là KIS gây ấn tượng, nhưng thời gian gần đây xuất hiện Yuanta với VĐL đã tăng lên và vượt mốc 1.000 tỷ đồng. Hoặc như trước đây các CTCK đến từ Hàn Quốc chỉ có KIS nổi trội, nay xuất hiện thêm những cái tên như MAS, KB…
Hiện nói đến VĐL lớn sẽ thấy một thống kê đáng chú ý là trong top 10 CTCK có VĐL lớn nhất hiện nay, chỉ phân nửa là những tên tuổi thường xuyên hiện diện trong top 10 thị phần. Như đã thấy về cuộc cạnh tranh phái sinh, khi phí liên tục giảm từ gần 20.000 đồng cho hợp đồng tương lai xuống chỉ còn vài ngàn đồng, thậm chí miễn phí, cuộc cạnh tranh trên thị trường cũng chỉ mới bắt đầu. 

Các tin khác