Khối ngoại kìm hãm giải chấp khi thị trường giảm

(ĐTTCO) - BCTC quý III đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc định hình KQKD cả năm của doanh nghiệp (DN) trên TTCK, đồng thời cũng ảnh hưởng đến biến động giá CP.  

Mỗi đợt điều chỉnh mạnh của VN Index thường dẫn đến hoạt động giải chấp trên diện rộng trước khi hồi phục. Khi VN Index giảm mạnh 48 điểm, tương đương 4,84% trong phiên 11-10, các dự báo đều cho rằng thị trường có khả năng xảy ra giải chấp trong phiên kế tiếp. Thế nhưng, VN Index chỉ giảm vào đầu phiên 12-10 trước khi hồi phục ngoạn mục, đóng cửa tăng hơn 24 điểm, xấp xỉ 2,5% để quay lại mốc 970 điểm. 
 Trong ngắn hạn, đích đến gần nhất của chỉ số này là 1.000 điểm. Song thị trường sẽ khó có những phiên tăng liên tục mà phải đan xen, bởi những đợt điều chỉnh có thể rất mạnh, bất ngờ nếu xét trên từng phiên. Và cho dù xu hướng vẫn tích cực, nhưng nếu thiếu thận trọng, NĐT hoàn toàn có thể bị thua lỗ. 
Trong phiên 11-10, CP nào có giảm sàn 7% (sàn HOSE) hay 10% (sàn HNX) cũng là bình thường. Trong trường hợp sử dụng margin tỷ lệ 50%, CP giảm sàn đi kèm với mức lỗ 15-20% của danh mục. Thông thường khi danh mục giảm khoảng 30%, tức khoảng 2 phiên sàn liên tiếp sẽ được đặt trong trạng thái có khả năng giải chấp chủ động (từ NĐT) hoặc bị động (từ hệ thống của CTCK theo những quy định).
Đôi khi chưa cần CTCK hay hệ thống “robot giải chấp” ra tay, chỉ cần NĐT tiến hành bán ra để giảm margin hàng loạt cũng có thể tạo ra tình trạng giải chấp. 
Diễn biến phiên 11-10 cho thấy, TTCK Việt Nam có sự liên quan với các TTCK quốc tế, trong khi phiên 12-10 lại khẳng định mỗi thị trường cũng có câu chuyện của riêng mình. Điều bất ngờ ở đây là thị trường ngày 12-10 có rất nhiều cơ hội để “giảm thêm”, nhất là khi thông tin chứng khoán Hoa Kỳ tiếp tục “đỏ rực” đêm hôm trước, nhưng rồi thị trường đã hồi phục một cách thần tốc. Một phiên giảm mạnh 48 điểm của VN Index, và một phiên hồi phục đáng kể, dù chỉ lấy lại phân nửa (24 điểm) so với sự sụt giảm, đã ngăn được cuộc giải chấp trên diện rộng. Vậy nguyên nhân nằm ở đâu?
Thứ nhất, hành động của khối ngoại trong phiên 11-10 không có gì bất thường, dù khối này bán ròng gần 268 tỷ đồng tại HOSE. Nói như vậy bởi vì giá trị bán ròng so với GTGD toàn thị trường (HOSE đạt giá trị khớp lệnh 7.364 tỷ đồng) khá nhỏ. Thậm chí, giá trị bán ròng của khối ngoại trong phiên 11-10 còn ít hơn cả phiên 10-10 đạt gần 340 tỷ đồng. 
Ảnh hưởng từ TTCK thế giới đến động thái của NĐTNN trong phiên 11-10 là điều không thể bàn cãi. Nhưng những số liệu trên lại cho thấy khối này rất cân nhắc trong hành động của mình. Thậm chí có người nói vui rằng những lúc một số sếp quỹ ngoại lên tiếng, mức độ bán ròng còn nhiều. Lần này ít thấy ai phát biểu, giá trị bán ra thấp, thậm chí đến phiên 12-10 mua ròng trở lại rất mạnh với giá trị hơn 274 tỷ đồng.
Việc khối ngoại giao dịch khá cân bằng như vậy đã hạn chế nguồn cung khối lượng lớn ra thị trường, khiến NĐT tự tin hơn. Và khi NĐTNN đã quyết tâm bán, lượng hàng hóa sẽ được đưa ra rất quyết liệt và dứt khoát nhằm đủ chỉ tiêu, có thể góp phần tạo nên những phiên bán tháo, kéo theo giải chấp trên diện rộng.
Khối ngoại kìm hãm giải chấp khi thị trường giảm ảnh 1 Ảnh minh họa. 
Thứ hai, sức cầu của thị trường đã trỗi dậy mạnh mẽ và đúng lúc, đủ để khiến bên bán phải chùn tay. Có thể những phiên như 12-10 là cơ hội để “đạp” giá CP xuống rất sâu trong phiên, nhưng cuối cùng động thái này cũng không có cơ hội trở thành hiện thực.
Tại thời điểm đầu phiên 12-10, VN Index đã lập đáy ngắn hạn khoảng 933 điểm, so với đỉnh được lập cách đó ít ngày là 1.024 điểm (ngày 4-10), chỉ số này đã mất khoảng 90 điểm, tương ứng 8,8%. Còn xét riêng từng CP tỷ lệ giảm trong khoảng 10-15%. 
Trong điều kiện bình thường của thị trường, tức xu hướng tích luỹ và tích cực dài hạn được giữ nguyên, việc mất giá trong thời gian ngắn như vậy tạo nên sức hấp dẫn cho hàng hóa trên sàn. Hiện thị trường đang ở trong giai đoạn quan trọng với nhiều kỳ vọng trong mùa BCTC quý III-2018, đặc biệt là triển vọng nâng hạng rất khả quan.
Theo đó, những lo ngại về sự điều chỉnh mạnh như trong quý II đã không còn. GTGD khớp lệnh sàn HOSE trong phiên 12-10 chỉ đạt hơn 4.500 tỷ đồng, cho thấy bên bán cũng không quyết tâm ra hàng khi thấy sức cầu tăng trên diện rộng. 
Tóm lại, diễn biến bất ngờ trong phiên 12-10 có thể là chỉ báo quan trọng của TTCK Việt Nam trong thời gian tới, dù những rủi ro từ thị trường quốc tế không thể xem thường. NĐT sẽ có nhiều cơ sở và tự tin hơn khi mua. Những CP có giá tốt sẽ được đánh giá cao về triển vọng trong thời hạn dài hơi. Tuy nhiên, trong ngắn hạn vẫn phải thận trọng. Diễn biến trong thời gian qua cho thấy phải tốn rất nhiều thời gian để chinh phục, rồi vượt 1.000 điểm, nhưng VN Index rất dễ rơi khỏi ngưỡng này. 

Các tin khác