Lệch pha BCTC trước và sau kiểm toán: Thiếu chế tài, NĐT lãnh đủ

(ĐTTCO) - Chệnh lệch số liệu trên BCTC của doanh nghiệp niêm yết trước vào sau kiểm toán dù là lý do khách quan hay chủ quan, đều là những điểm trừ trong việc thu hút dòng vốn vào TTCK. 
Thế nhưng, lệch pha BCTC trước và sau kiểm toán đang dần trở thành hiện tượng bình thường, do cơ quan quản lý không có nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng này. 
Vô tư vi phạm
 Để tự bảo vệ mình, NĐT cần thiết phải tự nâng cao kiến thức để đánh giá chất lượng tài chính của doanh nghiệp, đồng thời nên tìm hiểu toàn diện về thương hiệu, uy tín, định hướng của ban lãnh đạo, hoạt động kinh doanh thực tế của công ty trước khi ra quyết định đầu tư.
Ngày 18-9, HOSE có công văn khuyến cáo NĐT về khả năng hủy niêm yết bắt buộc đối với CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF). Nguyên nhân do trước đó, HOSE nhận được BCTC soát xét bán niên 2017 (công ty mẹ hợp nhất) của TTF với lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm trên BCTC hợp nhất 891,2 triệu đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 1,3 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến ngày 30-6-2017 âm 1.416,2 tỷ đồng (tương đương 98% vốn điều lệ).
Tuy nhiên, trong BCTC soát xét này, kiểm toán viên đã đưa ra ý kiến ngoại trừ về số lãi vay được miễn giảm (84,6 tỷ đồng) được ghi nhận vào tài khoản thu nhập khác là chưa phù hợp với quy định hiện hành dựa trên các thông tin hiện có. Như vậy, nếu TTF ghi nhận số tiền 84,6 tỷ đồng lãi vay miễn giảm này, khoản mục chi phí phải trả và lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ tăng và giảm số tiền tương ứng. Theo đó, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của TTF sẽ là số âm vượt vốn điều lệ. 
Với kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục, hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp trong BCTC kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét, TTF nhiều khả năng sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc. Điều đáng nói đây chưa phải lần đầu TTF có sự lệch pha BCTC trước và sau kiểm toán. Trước đó, BCTC năm 2016 sau kiểm toán của TTF cũng vênh nhau hơn 350 tỷ đồng. Nguyên nhân chính dẫn đến kết quả này là do chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 87% (tương đương 353 tỷ đồng) so với trước kiểm toán và chỉ còn 53 tỷ đồng. 
Không chỉ có TTF, số lượng doanh nghiệp niêm yết có sự chênh lệch về số liệu trước và sau kiểm toán trong mùa BCTC bán niên 2017 lên đến hàng chục doanh nghiệp. Nếu như trước đây chỉ có những doanh nghiệp nhỏ, chưa có nhiều kinh nghiệm lập BCTC mới có sự chênh lệch, thì nay còn có những doanh nghiệp niêm yết khá lâu trên TTCK, thậm chí có cả tập đoàn lớn.
Đơn cử như CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) giảm 118 tỷ đồng lợi nhuận, CTCP Tập đoàn Đại Dương (OGC) tăng 4,9 tỷ đồng  lợi nhuận, CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) giảm 15,5 tỷ đồng, CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG) tăng 14 tỷ đồng lợi nhuận, CTCP Cảng rau quả (VGP) giảm 8,3 tỷ đồng lợi nhuận, CTCP Công nghệ viễn thông Sài Gòn (SGT) giảm 17,2 tỷ đồng lợi nhuận.

Giải trình qua loa
Giải thích về nguyên nhân có sự chênh lệch lớn giữa BCTC trước và sau kiểm toán bởi Công ty TNHH Ernest & Young Việt Nam, ông Võ Trường Sơn, Tổng giám đốc HAG, cho biết doanh nghiệp “quên” tính thuế thu nhập hiện hành tại CTCP Hoàng Anh Gia Lai Đăk Lăk hơn 19,3 tỷ đồng.
Trong khi đó, khoản chênh lệch còn lại (hơn 107 tỷ đồng) ông Sơn lại giải trình rất mơ hồ: “Giảm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại do kiểm toán điều chỉnh trình bày nghiệp vụ thanh lý nhóm công ty mía đường vào lợi nhuận chưa phân phối 107,1 tỷ đồng, khi không còn hợp nhất nhóm công ty mía đường”.
Trong khi đó, ông Đoàn Tường Triệu, Giám đốc điều hành NBB, “đổ thừa” về độ vênh  trên BCTC do yếu tố khách quan. Cụ thể, trong kỳ NBB thực hiện thoái vốn ngoài ngành, theo Thông tư 202/2-14/TT-BTC của Bộ Tài chính về hướng dẫn lập và trình bày BCTC hợp nhất, thì quan điểm của công ty kiểm toán yêu cầu khoản lợi nhuận sau thuế sau khi thoái vốn của cổ đông không nắm quyền kiểm soát không được đưa vào kết quả kinh doanh trong kỳ. 
Dù chênh lệch trước và sau kiểm toán lên đến 17,2%, nhưng SGT lại đưa ra những lý do theo kiểu “NĐT muốn hiểu sao thì hiểu” như: “Tăng chi phí bán hàng do phân loại lại chi phí cho đúng bản chất nghiệp vụ, giảm chi phí quản lý doanh nghiệp do phân loại chi phí cho đúng bản chất nghiệp vụ và trích lập dự phòng khoản phải thu theo đúng quy định, giảm lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh do ảnh hưởng các nguyên nhân trên, giảm chi phí khác do phân loại lại chi phí cho đúng bản chất nghiệp vụ, giảm lợi nhuận kế toán trước và sau thuế thu nhập doanh nghiệp do ảnh hưởng của các nguyên nhân nêu trên”.
Tương tự, giải trình về biến động lợi nhuận của mình, OGC liệt kê hàng loạt lý do trên 6 trang giấy A4 mà ngay cả những NĐT có kinh nghiệm cũng lắc đầu không hiểu doanh nghiệp này nói gì.  
Lệch pha BCTC trước và sau kiểm toán: Thiếu chế tài, NĐT lãnh đủ ảnh 1
NĐT mất niềm tin
Chia sẻ về tình trạng sai lệch BCTC trước và sau kiểm toán, lãnh đạo một công ty kiểm toán cho rằng chênh lệch có thể do sai sót, nhầm lẫn trong việc ghi chép và trình bày các khoản mục trên BCTC. Chênh lệch cũng có thể xuất phát từ quan điểm khác nhau giữa doanh nghiệp với các kiểm toán viên, đặc biệt là liên quan đến các ước tính kế toán như các khoản dự phòng, khấu hao, phân bổ, hàng tồn kho hay ghi nhận doanh thu chi phí không đúng niên độ.
Một nguyên nhân nữa do sai sót, nhầm lẫn từ phía các công ty con, công ty liên doanh liên kết của doanh nghiệp làm cho BCTC của công ty mẹ cũng bị sai theo, khi thực hiện kiểm toán các công ty con, công ty liên doanh liên kết mới phát hiện ra sai sót. 
Tuy nhiên, sai lệch cũng có thể bắt nguồn từ chủ ý của lãnh đạo doanh nghiệp với ý đồ làm giá CP trong ngắn hạn. Thực tế cho thấy, các sai lệch về số liệu trước và sau kiểm toán rõ ràng có ảnh hưởng đến thị trường và đến quyết định của NĐT, đặc biệt là các sai lệch làm thay đổi hoàn toàn kết quả kinh doanh của doanh nghiệp từ lãi thành lỗ hoặc ngược lại (từ lỗ thành lãi). Nếu tần suất xảy ra các sai lệch nhiều sẽ ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của NĐT về số liệu BCTC của doanh nghiệp, và đến cả thị trường khi giá CP thay đổi do ảnh hưởng của các sai lệch này. 
Thế nhưng, đến nay, gần như chưa có quy định cụ thể nào để xử phạt các doanh nghiệp liên tục có sự sai lệch về con số trong BCTC trước và sau kiểm toán. Nếu có cũng chỉ là các hình thức xử phạt đối với các công ty chậm công bố BCTC.
Theo quy định hiện nay, doanh nghiệp niêm yết sẽ phải công bố BCTC được kiểm toán trong vòng không quá 90 ngày từ ngày kết thúc năm tài chính, và ý kiến kiểm toán là một trong những căn cứ để các sở giao dịch CK xem xét CP đó có được đưa vào danh mục được phép ký quỹ, có bị đưa vào diện cảnh báo, kiểm soát, kiểm soát đặc biệt, hay thậm chí sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc nếu kiểm toán từ chối đưa ý kiến hay không.

Các tin khác