Ngành dầu khí giảm kỳ vọng

(ĐTTCO) - Việc giá dầu thế giới bất ngờ giảm sâu, xuống dưới mốc 60USD/thùng, đã khiến các DN dầu khí đang niêm yết bị ảnh hưởng nặng, kéo theo kỳ vọng vào kết quả kinh doanh của các DN dầu khí cũng giảm mạnh.
Ngành dầu khí giảm kỳ vọng
Từ mức đỉnh vào đầu tháng 1-2018, giá dầu thô Brent đã giảm gần 35% xuống dưới 60USD/thùng vào thời điểm hiện tại. Theo giới phân tích, việc giá dầu giảm mạnh có thể do sản lượng xuất khẩu của Iran không giảm đáng kể do lệnh cấm vận của Mỹ vẫn cho phép một số nước đồng minh tiếp tục nhập khẩu dầu thô từ Iran.
Bên cạnh đó, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đều giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu sử dụng dầu thô trong 2018-2019, do dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại và lo ngại về chiến tranh thương mại. Nguyên nhân nữa là thị trường đã trở nên hoài nghi hơn về hiệu quả của thỏa thuận cắt giảm sản lượng 2019 của OPEC và các đồng minh, trong khi nguồn cung dầu đá phiến vẫn tiếp tục gia tăng.
Chịu tác động mạnh nhất từ giá dầu là DN đầu ngành TCTCP Khí Việt Nam (GAS). Theo nhận định của CTCK Sài Gòn (SSI),  lợi nhuận của GAS trực tiếp chịu ảnh hưởng bởi giá dầu giảm. Cụ thể, với cứ mỗi 10USD/thùng giá dầu Brent giảm, lợi nhuận ròng của GAS sẽ giảm 1.500-1.700 tỷ đồng.
Tương tự, nếu giá dầu giảm còn 55USD/thùng, lợi nhuận GAS giảm 16,8%, nếu đạt 65USD/thùng mức giảm lợi nhuận 3,5%. Do đó, SSI đã điều chỉnh giảm giá mục tiêu 1 năm cho GAS từ 120.000 đồng/CP xuống còn 95.500 đồng/CP, tương đương P/E năm 2019 còn 17x. 
Khác với GAS, dù giá dầu giảm nhưng tăng trưởng lợi nhuận của Tổng CTCP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PVS) trong năm 2019 sẽ đến từ các hợp đồng cơ khí dầu khí (M&C). Các hoạt động này ít bị ảnh hưởng bởi giá dầu giảm, vì PVS đã ký và cố định giá trị hợp đồng của các dự án như dự án Sao Vàng Đại Nguyệt và Al Shaheen Qatar. Đối với các hoạt động kinh doanh khác, giá dầu giảm có thể làm giảm giá dịch vụ. Nhưng do giá dịch vụ đã giảm đáng kể trong năm 2018 nên tác động sẽ không quá lớn.
Trong dài hạn, nếu tình trạng giá dầu thấp kéo dài, sẽ có rủi ro chậm giải ngân các khoản đầu tư của Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN) và các khách hàng khác của PVS, sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của PVS. Đáng chú ý, việc công ty con của PVS là PTSC-CGGV đang phát sinh lỗ, nên SSI cũng điều chỉnh giảm giá mục tiêu 1 năm cho PVS từ 22.500 đồng/CP xuống còn 20.100 đồng/CP. 
Giá trị hàng tồn kho của các DN phân phối xăng dầu giảm cũng bị ảnh hưởng trong bối cảnh giá dầu thô giảm mạnh. Mặc dù khó xác định mức độ giảm do mỗi DN có các điều khoản hợp đồng nhập hàng khác nhau, nhưng lợi nhuận có thể sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực ngay từ quý IV-2018. Bên cạnh đó, việc Chính phủ quyết định áp thuế môi trường 4.000 đồng/lít bắt đầu từ ngày 1-1-2019, có thể làm giảm nhẹ nhu cầu đối với các sản phẩm xăng dầu.
Do vậy, tăng trưởng sản lượng của các DN phân phối như CTCP Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX) hay CTCP Dầu Việt Nam (OIL) có thể chậm lại trong năm 2019 (tăng trưởng sản lượng toàn ngành năm 2019 có thể ở mức khoảng 3-4%).
Những DN phân phối lớn PLX hay OIL có khả năng giảm bán cho các đại lý để đảm bảo tỷ suất lợi nhuận. SSI cũng điều chỉnh giảm giá mục tiêu 1 năm xuống còn 68.400 đồng/CP đối với PLX, tương đương với P/E 2019 là 18x. Trong khi giá mục tiêu 1 năm của OIL giảm còn 15.500 đồng/CP, tương ứng mức P/E 2019 là 31x.

Các tin khác