Ngành thép 2019 chưa hết lận đận

(ĐTTCO) - Sự giảm sút kinh doanh của những ông lớn như Hoa Sen (HSG), Nam Kim (NKG), thậm chí là Hòa Phát (HPG), như điểm báo cho sự sụt giảm mạnh của ngành thép Việt Nam. Bên cạnh đó, những biến động lớn của kinh tế thế giới trong năm qua đã tác động tiêu cực lên thị trường thép, khiến bức tranh ngành thép trong năm 2019 được dự báo vẫn không mấy sáng sủa.

Các ông lớn lao đao
Nhắc tới ngành tôn thép, trước tiên phải nói đến Tập đoàn Hoa Sen (HSG). Trong quý III-2018, HSG báo lỗ 100 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2017 lãi hơn 200 tỷ đồng. Kết quả này đã kéo lợi nhuận niên độ tài chính 2017-2018 của HSG xuống còn hơn 410 tỷ đồng, chỉ bằng 30% lợi nhuận của niên độ trước đó.
Gần đây, giá cổ phiếu (CP) HSG đã lao dốc, hiện chỉ còn 6.500 đồng/CP, giảm hơn 50% sau gần 2 tháng. Như vậy, tính từ đầu năm 2018, giá CP HSG giảm 72%, tương đương mức giảm lợi nhuận của công ty. Nhiều quỹ đầu tư và nhà đầu tư cá nhân đã bán ra CP HSG, không ít nhà đầu tư khác đang tê liệt với mức lỗ lớn khi duy trì CP này trong danh mục. 
 Giá thép sau quãng thời gian tăng tốc đang cho tín hiệu hụt hơi, và có khả năng sẽ tiếp tục chịu áp lực trong năm 2019. Trong bối cảnh đó, những diễn biến kể trên đang phát ra những tín hiệu không mấy lạc quan trong năm 2019.
Ngoài HSG, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành cũng không lạc quan. CTCP Thép Nam Kim (NKG) ở mức hòa vốn với lợi nhuận vỏn vẹn 1 tỷ đồng. CTCP Đại Thiên Lộc (DTL) lãi gần 200 triệu đồng trong quý III...
Với hoạt động kinh doanh ảm đạm, không có gì ngạc nhiên khi kết quả kinh doanh quý III-2018 của các doanh nghiệp ngành tôn thép không như kỳ vọng. Đáng chú ý, diễn biến này nhiều khả năng sẽ kéo dài khi tình hình không khả quan.
Nhiều nhà đầu tư khá lo ngại về khả năng giảm tốc của nền kinh tế thế giới, qua đó làm ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu thụ các loại hàng hóa. Kết quả, các loại tài sản rủi ro đều chịu mức giảm mạnh và thép không nằm ngoài xu hướng đó.
Trong bối cảnh thị trường thế giới nhiều biến động, xuất khẩu không phải là nơi các nhà sản xuất thép trên thế giới hướng đến. Tạo ra nhu cầu trong nước mạnh mẽ và ổn định thị phần nội địa đang là xu hướng chủ đạo của các doanh nghiệp thép thế giới hiện nay. Trường hợp các doanh nghiệp thép của Mỹ và Ấn Độ đều làm tốt ở khía cạnh này, nhưng các doanh nghiệp thép Trung Quốc lại khác.
Thị trường gần 1,4 tỷ dân này đã trở nên ảm đạm do kinh tế suy yếu (tác động từ chiến tranh thương mại với Mỹ), sự sụt giảm nhu cầu trong phân khúc tiêu dùng... đã khiến giá thép dường như đang rơi tự do.
Ngành thép 2019 chưa hết lận đận ảnh 1 Nhà máy thép Hoa Sen. 
Đông Nam Á và quả đắng IF
Trên thực tế, không riêng doanh nghiệp thép Việt Nam gặp khó, các doanh nghiệp thép của khu vực Đông Nam Á phần lớn cũng đang lao đao chịu trận, nhất là từ khi bị “xâm lăng” bởi các doanh nghiệp và công nghệ thép giá rẻ của Trung Quốc.
Theo đó, khi Trung Quốc cấm sử dụng lò nung cảm ứng (IF) trong sản xuất thép vào năm 2017, công nghệ này đã được chuyển sang các nước Đông Nam Á, gây thiệt hại cho ngành thép nội địa, an ninh năng lượng cũng như vấn đề môi trường của khu vực. Philippines và Indonesia là những nhà nhập khẩu thép hàng đầu tại Đông Nam Á, và cũng là thị trường lý tưởng cho các lò IF sản xuất thép giá rẻ.
Tại Philippines, thị trường thanh cốt thép đang bị các nhà sản xuất IF tấn công, với giá sản phẩm được ra bán rẻ hơn 20% so với loại từ các lò hồ quang điện. 
Tại Indonesia, sau khi Trung Quốc cấm IF, các nhà máy đã nhập khẩu lò cảm ứng để giảm chi phí sản xuất thép, với cái giá phải trả sau đó là mất an toàn. Bởi không giống các lò hồ quang điện, IF chỉ có hạn chế hoặc không có dây chuyền để loại bỏ tạp chất trong quá trình sản xuất thép, dẫn tới sự không nhất quán về chất lượng sản phẩm.
Vì hầu hết IF tại 2 quốc gia này sản xuất thanh cốt thép, vốn được sử dụng trong xây dựng, các nhà sản xuất thép lo ngại điều này đe dọa tới sự an toàn. Gần đây, một số nhà sản xuất thép lớn tại Indonesia và Philippines khiếu nại thép sản xuất từ loại máy này không đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc gia và gây ra rủi ro lớn. Các doanh nghiệp này đang thúc giục chính phủ cấm sử dụng IF. 
Đáng chú ý, khi cấm các lò nung cảm ứng điện từ, Trung Quốc nhắm đến mục tiêu giảm ô nhiễm môi trường và giảm công suất thép dư thừa, đã khiến ngành thép nước này khó khăn trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, Trung Quốc lại không cấm bán các lò nung đã bị thải loại cho các khách hàng bên ngoài. Ước tính, có hơn 50% công ty thép tại Trung Quốc kinh doanh thua lỗ. Nhưng thay vì phá sản hay đóng cửa, những doanh nghiệp này lại xuất khẩu thép thừa của họ ra nước ngoài. 
Phần lớn tập đoàn thép lớn tại Trung Quốc là công ty quốc doanh, với sự hậu thuẫn của ngân hàng cũng như chính quyền Bắc Kinh, các công ty này quyết định chuyển khủng hoảng thừa thép trong nước ra các quốc gia khác, chủ yếu là Đông Nam Á.
Điều này làm thị trường thép tại Đông Nam Á vốn đã khủng hoảng nay càng thêm ảm đạm, khiến các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thép tại các nước khu vực này thêm lao đao.

Các tin khác