Nhà thuốc tây trong cuộc chiến thâu tóm

(ĐTTCO) - Thời gian gần đây, đã xuất hiện thông tin về việc các tên tuổi trong lĩnh vực bán lẻ như Thế giới di động (MWG), FPT Retail hay Digiworld (DGW) dự tính tham gia thị trường bán lẻ dược phẩm thông qua hoạt động M&A. Vậy các nhà thuốc có điểm gì để tạo ra sự hấp dẫn cho các ông lớn này?
 
Hồi đầu năm 2016, thông tin về việc Saigon Asset Management (SAM) mua 15% cổ phần của hệ thống nhà thuốc Mỹ Châu có thể xem là chỉ báo cho hoạt động đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ dược phẩm. Hiện nay, trên con đường đường Nguyễn Văn Đậu nằm ở địa bàn 2 quận Phú Nhuận và Bình Thạnh có đến 2 nhà thuốc của Pharmacity, khoảng cách giữa 2 địa điểm cũng chỉ khoảng 300m. Xen kẽ với 2 nhà thuốc hoạt động theo chuỗi này còn là một số nhà thuốc truyền thống khác.
Hình ảnh này là một minh chứng cho sức hấp dẫn của ngành bán lẻ dược phẩm, vì đơn giản dù nhà thuốc truyền thống đã sẵn có từ lâu, nay lại có nhà thuốc theo chuỗi xuất hiện, cả hai bên vẫn chung sống với nhau được. 2 nhà thuốc của một thương hiệu vẫn mạnh dạn đặt gần nhau cho thấy sức mua (cầu) và khả năng tiêu thụ (cung) rất lớn.
MWG, DGW hay FPT Retail đều có xuất phát điểm là những nhà bán lẻ hàng điện tử, khi thị trường này đang dần tiến đến điểm bão hòa nên để duy trì tốc độ tăng trưởng, mở rộng thị phần, tìm một mặt hàng khác để bán đương nhiên giải pháp cần phải được tính đến. Tuy nhiên, nhìn rộng hơn nữa thì câu chuyện không chỉ nằm ở sản phẩm hay tăng trưởng, việc M&A trong lĩnh vực bán lẻ dược phẩm có thể đem lại nhiều hơn những lợi ích cho các bên.  Bước vào một cửa hàng của Pharmacity, ngoài dược phẩm, người mua còn thấy có cả nước giải khát, bánh kẹo, giống như một mô hình 2 trong 1 kết hợp giữa nhà thuốc và cửa hàng tiện lợi. Thực tế tại nhiều nhà thuốc, việc bán thêm một số sản phẩm “phụ trợ” như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng cũng đã phổ biến trong nhiều năm qua. Điều này cho thấy sở hữu hệ thống các nhà thuốc đồng nghĩa với việc các tập đoàn bán lẻ có nhiều kênh phân phối hơn và có thể đa dạng hóa chuỗi sản phẩm của mình thay vì chỉ đơn thuần tập trung vào dược phẩm. 
Nhà thuốc tây trong cuộc chiến thâu tóm ảnh 1 Nhân viên tư vấn cho khách hàng mua thuốc tây. 
Anh Trần Việt Anh, người sáng lập và điều hành chuỗi cửa hàng phụ kiện, thời trang ATooBee và BomB Shop, phân tích: Trong xu thế bán lẻ hiện nay, việc đa dạng hóa chuỗi sản phẩm tiêu thụ tại một cửa hàng là tất yếu, một mặt để tiết kiệm các loại chi phí, đa dạng hóa mặt hàng, giúp cho doanh số có khả năng tăng mạnh. Nhưng mặt khác, động thái này cũng nhằm mục đích tạo ra nhiều sự lựa chọn thuận lợi cho khách hàng. Đơn cử, khách hàng đi mua sản phẩm thời trang làm đẹp thì cũng có thể quan tâm đến thực phẩm chức năng, mỹ phẩm chăm sóc da…
Như vậy, nếu như một đơn vị bán lẻ điện tử, viễn thông sở hữu một hệ thống bán lẻ dược phẩm thì cũng có khả năng nhà thuốc bán cả thẻ cào điện thoại và tất nhiên là doanh số từ mảng này cũng đóng góp đáng kể cho doanh số toàn hệ thống. Điều này là rất bình thường, vì nhu cầu với thẻ cào, sim số luôn rất lớn và ổn định, một người tiêu dùng bình thường khi đi mua thuốc, cũng có thể tiện tay mua luôn thẻ cào điện thoại, thậm chí nếu thấy bánh kẹo bắt mắt cũng có thể chi thêm tiền để mua.

Lợi ích tiếp theo nằm ở vấn đề mặt bằng. Hiện nay các hệ thống bán lẻ dược phẩm, mỹ phẩm lớn thường cũng có mặt bằng khá đắc địa, trong khi đó mặt bằng đôi khi cũng là một thách thức dành cho các hệ thống bán lẻ. Thông thường, những shop mở mới sau này của MWG, FPT nếu không hoành tráng hơn, to hơn, đẹp hơn nữa cũng phải theo một mô thức (concept) nhất định và điều này không phải dễ mà có, chẳng hạn mặt bằng ở đường lớn.
Vậy nên, các chuỗi bán lẻ dược phẩm cũng sẽ cung cấp cho các nhà bán lẻ viễn thông có thêm sự lựa chọn về mặt bằng để trở thành nơi tiêu thụ sản phẩm cho mình. Tất nhiên, sở hữu thêm một hệ thống nhà thuốc cũng sẽ giúp các nhà bán lẻ gia tăng độ phủ sóng của mình. Với cách thức này, tất nhiên các nhà bán lẻ cũng tiết kiệm được rất nhiều chi phí để tìm kiếm mặt bằng, mở mới hay xây dựng, thiết lập…

Như vậy không quá khó để dự báo rằng, trong thời gian tới đây các hệ thống nhà thuốc sẽ phát triển cả về quy mô lẫn chất lượng theo mô hình chuỗi. Ngoài nhu cầu từ bên mua, hiện nay số lượng các chuỗi nhà thuốc vẫn còn chưa nhiều và khả năng phát triển. Các nhà thuốc ngoài việc mở rộng chuỗi để đảm bảo năng lực cạnh tranh cho mình cũng sẽ còn một mục tiêu khác đó là mở rộng để có thể bán với giá tốt nhất, điều này có thể tạo ra một cuộc đua thú vị, không chỉ về mặt số lượng mà còn cả chất lượng.
Và tất nhiên cuộc đua còn nằm ở cả bên mua, vì bán lẻ dược phẩm là một ngành đặc thù, không dễ để gia nhập nên chắc chắn những đơn vị quản lý tốt nhất, hiệu quả nhất và uy tín nhất sẽ được lựa chọn và hoạt động M&A sôi động cũng sẽ tạo ra những khoản thu nhập đáng kể cho nhiều bên. 

Các tin khác