Những tiết lộ lần đầu tại “thượng tầng” Vinaconex

(ĐTTCO) - Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) tổ chức ngày 28-6 vừa qua đã thành công khi tất cả các nội dung của chương trình đều được thông qua với tỷ lệ thấp nhất hơn 67%. Đây là đại hội được các cổ đông, nhà đầu tư quan tâm, theo dõi vì trước đó, nhiều tin đồn đoán về sự thất bại của đại hội. 
Ông Đào Ngọc Thanh (giữa) - Chủ tịch HĐQT Vinaconex.
Ông Đào Ngọc Thanh (giữa) - Chủ tịch HĐQT Vinaconex.
Điều đáng chú ý, trong phần thảo luận tại ĐHCĐ, ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Vinaconex đã “xả” tất cả những “ấm ức” về thông tin mang tính đặt điều, suy diễn “đánh” vào ông, ban điều hành suốt 5-6 tháng qua. Phần thảo luận cũng hé mở nhiều vấn đề mang tính hậu trường ở “thượng tầng” Vinaconex.
Không có chuyện tẩu tán tài sản
Câu chuyện được coi là bất ổn của Vinaconex bắt nguồn từ khi các cổ đông nhà nước rút vốn. Sau thoái vốn, cơ cấu cổ đông lớn có sự thay đổi: Công ty An Quý Hưng nắm 57,71%; Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ 21,28%; Công ty TNHH Đầu tư Star Invest nắm 7,57%.
Tại đại hội, nhóm vấn đề được đặt ra đầu tiên với lãnh đạo Vinaconex là HĐQT có cần cải tổ bầu lại không (trong đó có việc phân chia lại 1 trong 3 vị trí HĐQT, tổng giám đốc, kế toán trưởng)? Lãnh đạo Vinaconex có chiếm đoạt, tẩu tán tài sản?... Theo ông Đào Ngọc Thanh, bất kỳ doanh nghiệp nào muốn phát triển thì nội bộ phải đoàn kết. Song điều quan trọng đoàn kết phải trên cơ sở thượng tôn pháp luật. 
“Vì nghề nghiệp, trách nhiệm với cổ đông, với 6/7 thành viên HĐQT bầu tôi làm Chủ tịch HĐQT Vinaconex. Chính vì thế, không có chuyện cùng “chén chú, chén anh” để đoàn kết. Tôi còn làm Chủ tịch HĐQT thì không có chuyện phân chia quyền lực, kiểu như bố làm chủ tịch, vợ làm thủ quỹ, con làm trưởng ban… Ai có năng lực thì làm” - ông Thanh nói.
Cho biết số tiền gần 7.400 tỷ đồng mua cổ phần Vinaconex không phải đằng sau ngân hàng hậu thuẫn, mà từ các cổ đông khác góp, trong đó mình và ông Nguyễn Xuân Đông (Tổng giám đốc Vinaconex) làm đại diện, ông Thanh khẳng định, không có chuyện thất thoát tài sản tại Vinaconex hay tài sản của Vinaconex chạy sang An Quý Hưng, và trên thực tế chuyện của An Quý Hưng và Vinaconex là khác nhau. 
Về tin đồn lấy tiền Vinaconex mua ô tô Maybach, ông Thanh nói: “Tôi bỏ ra ra mấy ngàn tỷ đồng để đầu tư liệu Maybach có là cái gì. Ông nào chỉ ra thất thoát, tẩu tán tài sản ở đâu, sai ở đâu tôi đền luôn 1 chiếc Maybach. Với tư cách Chủ tịch HĐQT, tôi chịu trách nhiệm tuyệt đối”. Ông Thanh nhấn mạnh, công ty kiểm toán cho Vinaconex là Deloitte nên cho dù không tin ông cũng phải tin Deloitte. Khi Vinaconex là doanh nghiệp nhà nước, giá cổ phiếu chỉ 17.000 – 18.000 đồng nay giá có lúc ở mức 27.000 – 28.000 đồng. Tài sản của Vinaconex đang tăng chứ đâu có thất thoát. 
Công ty Cường Vũ mua đấu giá có 21.300 đồng/cổ phiếu nay họ lãi rất nhiều, còn An Quý Hưng mua đến 28.900 đồng/cổ phiếu, vậy họ lãi được bao nhiêu? Theo ông Thanh, tại thời điểm 1-1-2019, số dư tiền mặt của Vinaconex hơn 1.840 tỷ đồng. Sau khi tạm ứng cổ tức hơn 400 tỷ đồng, mua trái phiếu, đến nay, tổng công ty vẫn còn hơn 1.800 tỷ đồng. 
Thế kẹt Splendora An Khánh
Một câu hỏi khác được đề cập đến là dự án Splendora An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) – nơi từng được ví sẽ sánh ngang với Phú Mỹ Hưng (TPHCM) – nhưng đến nay chậm hơn 10 năm. Theo ông Thanh, dự án ban đầu của Vinaconex và Công ty Xây dựng Posco E&C (Hàn Quốc) với mỗi bên nắm 50%, mỗi bên 2 người trong HĐQT, chủ tịch HĐQT là đại diện Vinaconex, tổng giám đốc của Posco. Sau này Posco bán cho Công ty Địa ốc Phú Long - một thành viên thuộc Sovico Holdings. 
“Khi chúng tôi tiếp quản, tôi mời họp mấy lần nhưng ông Trung (ông Nguyễn Quang Trung, thành viên HĐQT Vinaconex và Tổng giám đốc của Splendora An Khánh - PV) đều báo bận, không họp” - ông Thanh cho biết và nhìn sang ông Trung ngồi kế bên trên bàn chủ tọa, nói thêm: “Nếu cứ để như vậy thiệt hại sẽ lớn vì đó là tài sản của chúng ta”.
Đề cập thêm về dự án khủng này, ông Thanh tiết lộ, trong hợp đồng với Posco và sau này Sovico, những đơn vị hợp tác với Vinaconex phải đưa vốn vào. Hiện nay, dự án đã vay gần 4.000 tỷ đồng. Sở dĩ Vinaconex không hạch toán khoản này vì sau liên doanh, tỷ lệ chia 50/50. Báo cáo tài chính dự án lỗ mấy ngàn tỷ đồng, nhưng Vinaconex “không có hạch toán, lỗ nữa cũng vậy”. Dự án có diện tích hơn 200ha, trong đó khoảng 70ha đất thương mại và đó là mảnh đất “ngon nhất Việt Nam”. Nếu so với đất bán 100 triệu đồng/m2 của dự án Vincom bên cạnh, dự án này có thể thu lợi 40.000 – 50.000 tỷ đồng, tương đương 2 tỷ USD. Song đó là dự án kiểu “mỡ treo, mèo nhịn đói”. 
“Tôi nói rõ như vậy để cổ đông đỡ nghi ngờ Vinaconex không làm. Còn nếu Sovico muốn mua lại, chúng tôi sẽ xin ý kiến cổ đông bán cho họ, lấy tiền làm việc khác. Vấn đề là bán bao nhiêu thôi” - ông Thanh nói.
Theo ông Nguyễn Quang Trung, hiện dự án Splendora lỗ lũy kế 1.700 tỷ đồng, sau khi trừ 600 tỷ đồng vốn góp còn lỗ 1.100 tỷ đồng. Tổng nợ của dự án lên đến gần 8.000 tỷ đồng. Dự án đang gặp khó khăn vì muốn làm được phải tăng vốn mỗi bên 1.500-2.000 tỷ đồng. Do vậy, các cổ đông cần phải ngồi lại với nhau để bàn bạc.
Về “dự án vàng” Cái Giá – Cát Bà (Hải Phòng), theo ông Thanh, đây là một trong những dự án đặc biệt quan trọng vì Vinaconex xin được hàng trăm ha ngoài đảo. “Cái hay” là đất trên đó được cấp sổ đỏ vĩnh viễn và thuộc dự án “hiếm có khó tìm”. Thế nhưng, không hiểu tại sao ban lãnh đạo trước của Vinaconex bỏ dự án cả chục năm không làm. Vinaconex đang có 300 tỷ đồng đầu tư vào công ty con đang triển khai dự án này và giá cổ phiếu đang gấp 3 lần, như vậy Vinaconex đã có 900 tỷ đồng mà không phải làm gì. Hiện UBND TP Hải Phòng đã giao đất cho Vinaconex và tổng công ty đã trả tiền đất, đồng thời chuẩn bị đầu tư, thi công. 
Nhân sự không hợp, nghỉ việc là bình thường
Khi được mời phát biểu, 1 cổ đông đại diện của Công ty Cường Vũ bày tỏ băn khoăn về việc 24 lãnh đạo chủ chốt của tổng công ty, công ty thành viên nghỉ việc mà Công ty Cường Vũ không biết. Đồng thời, ông này cũng cho rằng, quy chế tài chính của Vinaconex cho phép chủ tịch HĐQT được quyết định đầu tư 10% tổng tài sản tương đương khoảng 950 tỷ đồng; tổng giám đốc được quyết 5% tổng tài sản, tương đương 475 tỷ đồng sẽ mang lại nhiều rủi ro. 
Phản hồi lại, ông Thanh cho rằng, mọi vấn đề đều được đưa ra bàn trong HĐQT, phát phiếu cho các thành viên ký, trong đó có 2 đại diện của Công ty Cường Vũ và Công ty Star Invest.
Còn về quy chế tài chính, ông Thanh nhấn mạnh, đây cũng là quyết định có sự thống nhất của đa số thành viên HĐQT. Kể từ khi quyết định này được thông qua, 5-6 tháng nay, “chủ tịch HĐQT chưa chi xu nào chứ chưa nói nghìn tỷ đồng”. 
“Có dự án rất tốt ở Bình Định, ông Nguyễn Xuân Đông nói rằng nếu đặt cọc 1.000 tỷ đồng sẽ có dự án và chắc chắn mang lại lợi nhuận vài trăm tỷ đồng, nhưng tôi không ký. Điều quan trọng của quy chế là ai ký và ký thế nào. Dự án có lợi mới ký. Nếu anh không biết gì chi 10 tỷ đồng cũng không được ký. Tôi và ông Đông đại diện cho cổ đông bỏ ra đến 7.400 tỷ đồng đầu tư vào Vinaconex. Nếu ký sai 1.000 tỷ đồng cứ trừ vào vốn góp đó…” - ông Thanh nêu ví dụ.
Về vấn đề nhân sự bị thay thế, ông Thanh cho biết, có 2 lý do. Thứ nhất, do chuyển từ doanh nghiệp nhà nước sang doanh nghiệp cổ phần, nghĩa là yêu cầu phải làm được việc nên một số người thấy “khó xơi” kiểu sân sau, phong bì… nên nghỉ. Trường hợp thứ hai, thấy nội bộ công ty kiện cáo nhau nên họ tìm công việc nơi khác.

Các tin khác