Quỹ mở trái phiếu: Chậm mà chắc

(ĐTTCO) - Chưa bao giờ nổi bật trong hoạt động, nhưng vị thế của quỹ mở trái phiếu (QMTP) dần được củng cố theo thời gian. Ngoài việc sinh lãi, QMTP còn có chức năng phòng thủ, giúp NĐT có thể tránh bão trong giai đoạn thị trường khó khăn.
Quỹ mở trái phiếu: Chậm mà chắc
Nền tảng ổn định
Mới đây, khi Baoviet Fund công bố giá trị tài sản ròng (NAV) trên mỗi chứng chỉ quỹ (CCQ) của Quỹ đầu tư trái phiếu Bảo Việt (BVBF) tăng đến 10,44% trong quý I, đứng đầu mức tăng trưởng trong các QMTP tại Việt Nam. QMTP có suất sinh lời thường được kỳ vọng cao hơn lãi tiền gửi, bên cạnh là sự an toàn vì phần lớn danh mục của QMTP đều giải ngân vào TP chính phủ (TPCP).
Vì vậy, chỉ cần lấy suất sinh lời của các quỹ đứng sau BVBF, đạt trên dưới 5% tính theo quý, so với lãi suất gửi ngân hàng 6-7%/năm sẽ thấy sự ấn tượng các QMTP tạo ra. 5 năm trước 2 quỹ mở đầu tiên là VFF và MBBF xuất hiện theo mô hình QMTP với quy mô vốn tối thiểu 50 tỷ đồng. Và dù đến nay các công ty quản lý quỹ (CTQLQ) đều đã thành lập cả quỹ mở CP (QMCP), và có suất sinh lời cực kỳ ấn tượng, nhất là năm 2017, song QMTP vẫn được xem như nền tảng ban đầu và cần được duy trì lâu dài. 
QMTP với xu hướng ổn định, đang giúp hệ sinh thái sản phẩm của CTQLQ thêm đa dạng. Hiện có khoảng 7 QMTP trong nước đang hoạt động, kèm theo đó còn có một số quỹ cân bằng kết hợp đầu tư cả CP lẫn TP. Trước đây, với số vốn 50 tỷ đồng, các QMTP rất khó giao dịch vì quy mô cho 1 lô TPCP cũng đã ở mức tương đương, chưa kể cũng chỉ có vài ba quỹ.
Theo thời gian, vốn góp vào QMTP tăng, số lượng QMTP cũng tăng giúp các giao dịch thuận lợi hơn, từ đó tạo ra nhiều cơ hội hơn. Một thống kê khác cũng chỉ ra rằng, nền tảng của CTQLQ đóng vai trò rất quan trọng để đảm bảo hiệu quả hoạt động. 
BVBF không phải là QMTP đầu tiên, nhưng lại được quản lý bởi Baoviet Fund, giữ vai trò trụ cột trong quản lý hoạt động đầu tư của Tập đoàn Bảo Việt, hiện là 1 trong 2 CTQLQ có tài sản lớn nhất thị trường. Hoặc như các quỹ do VFM, một trong số ít CTQLQ nội địa quen mặt với công chúng, cũng có hiệu quả hoạt động khả quan trong thời gian qua. 

“Tránh bão” thị trường
Việc TTCK tăng nhanh, nhưng giảm cũng mạnh trong thời gian qua, trong khi các QMTP cho thấy những nét tích cực trong hoạt động, có thể gợi mở cho NĐT vài giải pháp trong thời gian tới. Đó là việc đa số CTQLQ lớn đều đã có QMTP lẫn QMCP, sẽ cho phép NĐT dịch chuyển dòng vốn giữa 2 loại hình một cách linh hoạt hơn để tránh bão hoặc đón sóng của thị trường.
Đơn cử, khi TTCK không thuận lợi, việc lựa chọn QMTP giống như hình thức tránh bão để bảo toàn vốn. Đến khi có tín hiệu hồi phục lại, lựa chọn QMCP để tìm kiếm cơ hội sinh lời tiếp theo. Nhưng để có thể phổ biến được điều này cần khoảng thời gian rất dài, khi nhóm khách hàng của các CTQLQ hiện nay vẫn có nhiều NĐT chỉ mua CCQ với mục đích tìm hiểu ban đầu, chưa phải NĐT chuyên nghiệp để ra những quyết định táo bạo.
Ở đây vai trò tư vấn, chia sẻ kiến thức và khả năng đảm bảo hiệu quả hoạt động của CTQLQ sẽ rất quan trọng, trong việc hình thành các thói quen tích cực cho khách hàng. 
Tuy nhiên, nếu chỉ trông chờ vào nhóm khách hàng hiện tại, hoặc những khách hàng công chúng, việc gia tăng tài sản quản lý của các QMTP sẽ rất chậm chạp. Muốn có thêm khách hàng lớn, các QMTP có thể phải hướng đến NĐT cá nhân chuyên nghiệp, những người có vốn lớn. Bởi QMTP nói riêng và quỹ mở nói chung ra đời nhằm tránh những rủi ro, đồng thời hỗ trợ NĐT trong việc thanh khoản, tức có thể bán ra CCQ và thu tiền về bất cứ lúc nào.
Tuy vậy, nhiều năm qua NĐT cá nhân cũng không còn hào hứng với việc bỏ tiền vào quỹ, phần vì QMTP có suất sinh lãi không hấp dẫn so với việc tự mình đầu tư CP, phần vì niềm tin với các quỹ nội địa chưa được vãn hồi. Vì thế, vào thời điểm này dù TTCK hấp dẫn vẫn có những biến động khó lường trong ngắn hạn. Tức điều này sẽ buộc NĐT cá nhân phải xem xét việc bỏ tiền vào các QMTP để bảo toàn vốn, hoặc ít nhất trong một giai đoạn không dễ kiếm lãi nhiều có lãi ít cũng tốt. 
Thực ra, nếu chỉ có hoạt động của các CTQLQ, việc tiếp cận với NĐT cá nhân sẽ mất nhiều thời gian, dù hiệu quả hoạt động đã cải thiện trong khoảng 2 năm gần đây. Thời gian vừa qua, đã có nhiều kênh đầu tư vào TP xuất hiện, không chỉ có QMTP, một số doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty trong lĩnh vực tài chính, đã tạo ra các sản phẩm với lãi suất cố định đủ hấp dẫn.
Thí dụ, một CTQLQ đã từng mua vào chứng chỉ tiền gửi của công ty tài chính với lãi suất hấp dẫn, hay như việc một số CTCK tiến hành huy động vốn để cho vay margin, tất nhiên lãi cho vay margin cao, lãi suất huy động của CTCK cũng đủ thu hút NĐT. Một số sản phẩm đầu tư hỗn hợp cũng được các đơn vị quản lý tài sản cho người có thu nhập cao đưa ra cho thị trường, trong đó có việc đầu tư vào TP. Tất cả các yếu tố này giúp dòng tiền giao dịch tại kênh TP tăng cao, có thể làm thay đổi suy nghĩ của NĐT với kênh này. 

Các tin khác