Thận trọng nhưng không bi quan

(ĐTTCO) - 2019 là năm không dễ dàng cho TTCK Việt Nam khi độ bất ổn trong các vấn đề toàn cầu đang ở mức cao. Dù vậy với lợi thế về một nền kinh tế đang vận hành tốt và ổn định, mức định giá đã hợp lý hơn đáng kể, và câu chuyện về nâng hạng thị trường vẫn có không ít lý do để đặt kỳ vọng vào thị trường trong năm nay.

Thận trọng nhưng không bi quan
Theo dự báo của CTCK Maybank Kim Eng (MBKE), tăng trưởng của các ngành trong 2019 có thể chậm hơn 2018 nhưng vẫn duy trì ở mức tốt. Triển vọng cho năm 2019 có thể kể đến đầu tiên là nhóm ngành ngân hàng. Nền tảng hạ tầng tiếp tục được cải thiện, tín dụng tiêu dùng kỳ vọng bùng nổ; mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2019 được duy trì như 2018 ở mức 14-15%; chất lượng tài sản toàn ngành tăng và nợ xấu kiểm soát dưới 2%.
 Thận trọng chắc chắn là điều không thừa cho một năm được dự đoán còn rất nhiều bất ổn. Nhưng bi quan thái quá trong hoàn cảnh hiện tại là điều NĐT nên hết sức tránh.
Với những yếu tố này, dự báo lợi nhuận sau thuế bình quân của các ngân hàng niêm yết sẽ tăng trưởng ở mức 20-22%, ROE toàn ngành vào khoảng 13-14%. Nhóm ngành tiêu dùng cũng được kỳ vọng trong năm nay nhờ cơ cấu dân số thuận lợi, thu nhập tiêu dùng gia tăng. Trong đó, ngành sữa có triển vọng dài hạn khi tiêu thụ bình quân đầu người còn thấp, quy mô thị trường nhỏ và kỳ vọng cơ hội xuất khẩu sang Trung Quốc.
Nhóm ngành được dự báo khả quan khác là dệt may. Nhóm ngành này được cho hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Hiện tại, 2 nước thống nhất gia hạn thêm 90 ngày. Theo đó, kể từ đầu tháng 12-2018 chính sách áp thuế nhập khẩu bổ sung (từ 10% lên 25%) của Mỹ lên 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Nếu chính thức áp dụng thuế bổ sung, có thể kỳ vọng vào sự dịch chuyển thương mại từ Trung Quốc sang Việt Nam. Với việc Mỹ chiếm gần 50% thị phần xuất khẩu, có thể kỳ vọng ngành dệt may sẽ hưởng lợi từ sự dịch chuyển thương mại này. Theo khảo sát của MBKE, tính đến thời điểm hiện tại, đa số doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến hết quý II-2019.
Nhóm ngành cảng biển dự báo tăng trưởng sản lượng hàng hóa đạt 10-12% trong 2-3 năm tới, nhờ triển vọng tích cực đến từ hoạt động xuất nhập khẩu, dẫn dắt bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Bên cạnh đó, dù căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã có dấu hiệu giảm bớt, nhưng xu hướng dịch chuyển thương mại toàn cầu vẫn đang diễn ra. Việt Nam nhiều khả năng sẽ được hưởng lợi, trở thành nơi thị trường xuất, nhập khẩu thay thế nhờ chi phí thấp hơn. Xu hướng này giúp tăng nhu cầu vận chuyển trong và ngoài nước nói chung, sản lượng hàng hóa container nói riêng.
Ngược lại, nhóm ngành bất động sản được dự báo khó khăn hơn trong năm 2019. Theo dự báo của CTCK BIDV (BSC), nguồn vốn tín dụng dành cho thị trường này năm 2019 sẽ bị hạn chế do Thông tư 16/2018/TT-NHNN. Theo đó, từ năm 2019, ngân hàng thương mại chỉ được sử dụng 40% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn, thay vì mức 45% năm 2018. Điều này sẽ gây khó khăn hơn đối với các chủ đầu tư trong việc huy động vốn cho các dự án do vẫn phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn vay tín dụng và vốn huy động từ khách hàng.
Cũng theo BSC, tốc độ tăng trưởng kinh doanh của ngành bất động sản sẽ chậm lại so với năm 2018, ngoài yếu tố vốn còn đến từ 2 yếu tố: thiếu dự án chuẩn bị bàn giao trong năm 2019-2020; tăng trưởng lợi nhuận phụ thuộc nhiều vào lợi nhuận bất thường, chủ yếu đến từ việc chuyển nhượng dự án.
Ở mức trung lập hơn, theo MBKE, ngành dầu khí có thể lạc quan theo sự phục hồi của giá dầu. Tuy nhiên, NĐT cần tỉnh táo để lựa chọn được CP tốt trong ngành. Do đặc thù kinh doanh của mỗi doanh nghiệp khác nhau, nên sức ảnh hưởng của giá dầu đến doanh nghiệp cũng khác nhau.
Ngoài ra, cũng cần kể đến cơ hội đầu tư ở một số doanh nghiệp thuộc ngành cao su. Dù triển vọng ngành không sáng sủa, nhưng nhóm doanh nghiệp này được kỳ vọng có đột biến trong lợi nhuận nhờ thoái vốn khỏi các khoản đầu tư hoặc chuyển nhượng dự án. Cũng nên xem xét cơ hội đầu tư ở các công ty được hưởng lợi từ nguồn vốn FDI tăng mạnh, đồng thời cũng không nên bỏ qua các mã CP chiếm tỷ trọng cao trong Index, có định giá rẻ, tầm nhìn rõ ràng và quản trị minh bạch.

Các tin khác