TTCK: Rủi ro đan xen cơ hội

(ĐTTCO) - Sự trồi sụt thất thường của VN Index trong những phiên giao dịch gần đây, đã phần nào phản ánh đúng thực trạng của TTCK với một bên là nỗ lực hỗ trợ từ Chính phủ, và phía ngược lại là những rủi ro từ bên ngoài.
Các giải pháp hỗ trợ thị trường
Những động thái từ phía Chính phủ trong thời gian tới sẽ có những ảnh hưởng tích cực đến thị trường. Thứ nhất, hoàn thiện dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi và công bố rộng rãi, sẽ giúp cho NĐT tự đánh giá được khả năng Việt Nam, cũng như làm căn cứ để được MSCI và FTSE xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi trong thời gian sắp tới. Khả năng cao là Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ giải quyết được các vấn đề còn tồn đọng được đưa ra trong bản báo cáo định kỳ hàng năm của FTSE và MSCI.
Điển hình là việc đổi tên Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, thành Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam, hoạt động theo mô hình công ty TNHH hoặc CTCP. Ngoài ra, quy định về giới hạn 49% tỷ lệ sở hữu NĐTNN, đối với các công ty hoạt động trong các nhóm ngành nghề không nằm trong quy định bởi pháp luật chuyên ngành hay bởi các quy ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, cũng đã được loại bỏ trong dự thảo Luật Chứng khoán lần này.
 So với các nước nằm trong nhóm thị trường mới nổi, hiện các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang khá tốt. Kể từ đầu năm 2018 đến nay, do ảnh hưởng của việc FED tăng lãi suất, VNĐ chỉ mất giá khoảng 2,7% so với USD trong khi đồng tiền của các nước mới nổi khác như Lira (Thổ Nhĩ Kỳ) giảm 36,45%, Peso (Argentina) giảm 52,97% so với đầu năm 2018.
Thứ hai, Quốc hội có khả năng sẽ thông qua Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong kỳ họp tháng 10 này. Theo điều khoản được quy định của CPTPP, cần có ít nhất 6 thành viên tham gia thông qua hiệp định này để nó có hiệu lực. Tính đến hiện tại, đã có 3 nước là Mexico, Nhật Bản và Singapore thông qua hiệp định này. Nếu Việt Nam thông qua CPTPP sẽ có tổng cộng 4/6 nước cần thiết để thông qua CPTPP.
Hiện có thêm 2 quốc gia cũng đang xem xét thông qua là Peru và Canada. Nếu CPTPP được đủ 6 quốc gia thì đây cũng sẽ là thông tin tốt tác động tích cực đến tâm lý thị trường, do những kỳ vọng ảnh hưởng tích cực của hiệp định này lên nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là ngành dệt may và thủy sản.
Thứ ba, Chính phủ đang có những bước đi mạnh mẽ nhằm thúc đẩy việc thông qua Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA). Việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có những cuộc tiếp xúc với hàng loạt nước châu Âu nhằm có được sự ủng hộ thông qua EVFTA, từ đó giúp hàng hóa của Việt Nam có được thêm ưu đãi khi vào thị trường châu Âu, phần nào giảm thiểu tác động không mong muốn từ cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc nhờ vào việc đa dạng hóa thị trường.
TTCK: Rủi ro đan xen cơ hội ảnh 1 Ảnh minh họa. 
Và những rủi ro 
Chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc đã leo thang khá rõ rệt so với thời điểm cách đây khoảng 4-5 tháng. Tuy đã có khá nhiều cuộc hội đàm lãnh đạo cấp cao giữa 2 nước, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đánh giá về tác động của chiến tranh thương mại lên TTCK Việt Nam, các chuyên gia phân tích của CTCK Bảo Việt (BVSC), cho rằng NĐT đã dần làm quen với diễn biến này, nên mức độ ảnh hưởng lên tâm lý thị trường đã giảm đi so với những tháng trước.
Tác động của các sự kiện chiến tranh thương mại từ tháng 8 trở lại đây, lên chỉ số VN Index và các chỉ số chứng khoán của Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hồng Công đã không còn quá rõ rệt. Tuy nhiên, cuộc chiến tranh thương mại có thể tác động cả tích cực lẫn tiêu cực lên TTCK Việt Nam thông qua các yếu tố cơ bản thiên về kinh tế và sản xuất.
Sau kỳ họp diễn ra trong 2 ngày 25 và 26-9, Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) đã quyết định tăng lãi suất từ 2% lên 2,25%. Đây là động thái đã được dự đoán từ trước, do nền kinh tế đang chuẩn bị giai đoạn hậu tăng trưởng khi chỉ số thất nghiệp đã giảm xuống mức thấp kỷ lục (3,9%) và lạm phát cũng đã tăng lên mức 2,7%. Do đó, với mục đích kiềm chế lạm phát và chuẩn bị cho nền kinh tế quốc gia hạ cánh an toàn, việc FED tăng lãi suất là hoàn toàn hợp lý.
Theo như công bố của FED, họ sẽ tăng lãi suất tổng cộng 4 lần trong năm 2018. Như vậy sau 3 đợt tăng vào tháng 1, tháng 6 và tháng 9, FED có thể sẽ còn một lần tăng lãi suất vào kỳ họp tháng 11 hoặc tháng 12 sắp tới. Năm 2019, FED có thể tăng tiếp 3 lần và 1 lần vào năm 2020 với mức lãi suất mục tiêu là 3,25%. 
Nếu FED thực hiện đúng lộ trình, điều này đã và sẽ tiếp tục khiến dòng tiền đầu tư phân bổ lại cơ cấu tài sản, phân bổ lại giữa các thị trường và không tránh khỏi việc rút vốn ra khỏi các thị trường có tỷ lệ nợ vay cao. Diễn biến này sẽ mang đến cả tác động tích cực lẫn tiêu cực cho Việt Nam. Về mặt tích cực, việc dòng tiền đầu tư và đầu cơ đổ về Hoa Kỳ sẽ làm tăng giá trị của USD so với các đồng ngoại tệ khác.
Nói cách khác, giá trị của VNĐ có thể sẽ tiếp tục yếu đi so với USD. Và trong kịch bản này, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ sẽ được hưởng lợi. Về mặt tiêu cực, việc vốn rút về các thị trường mới nổi cũng đã tạo ra hiện tượng khối ngoại bán ròng, gây ảnh hưởng không tích cực lên TTCK trong những tháng vừa qua. Tại TTCK Việt Nam, NĐTNN đã rút tổng cộng 178,3 triệu USD trong quý III vừa qua.
Thông tin Tổng thống Donald Trump tiếp tục áp lệnh trừng phạt lên Iran, đã làm cho giá dầu phái sinh tăng mạnh và được nhiều chuyên gia dự đoán có thể duy trì xu hướng tăng đến cuối năm 2018. Đây là mức cao nhất kể từ khi giá dầu mất giá liên tục từ năm 2014, dưới ảnh hưởng của căng thẳng chính trị Nga - NATO.
Đánh giá về tác động của việc giá dầu tăng đối với Việt Nam, BVSC nhận định nếu điều này xảy ra sẽ tác động theo chiều hướng tiêu cực tới chỉ số CPI. Cụ thể, đối với nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (chiếm tỷ trọng gần 40% trong rổ CPI), diễn biến sẽ rất khó lường, đặc biệt trong quý cuối năm do ảnh hưởng của yếu tố mùa vụ, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ lớn.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lạm phát chung quý III tăng 0,72% so với với quý trước và 4,14% so với cùng kỳ năm 2017. Chỉ số CPI bình quân 9 tháng đã đạt mức 3,57% so với bình quân cùng kỳ 2017. Do đó, chính sách tiền tệ của NHNN sẽ mang tính chất thắt chặt nhằm kiềm chế lạm phát, đặc biệt là nếu có nhiều yếu tố rủi ro cùng xuất hiện gây áp lực lên chỉ số CPI. Việc nguồn tiền bị thắt chặt do chính sách sách tiền tệ chống lạm phát, sẽ làm giảm nguồn tiền và tác động tiêu cực lên TTCK.
VN Index trong  quý IV được dự báo sẽ diễn biến không được tích cực như quý III. Chỉ số này có thể chốt năm 2018 ở mức điểm thấp hơn mức điểm cuối quý II.

Các tin khác