Smartphone Việt chinh phục người tiêu dùng

(ĐTTCO) - Trong tháng 8, cùng lúc 2 thương hiệu của Việt Nam ra mắt sản phẩm điện thoại thông minh mới. Đó là Bphone của Bkav, và bộ đôi Z5-S5 của Asanzo.
 Trong “biển” các dòng sản phẩm smartphone ở mọi phân khúc cao cấp, trung cấp đến bình dân đang cạnh tranh khốc liệt, những nhà sản xuất, kinh doanh điện thoại thương hiệu Việt phải có chiến lược, hướng đi nào để chiếm trái tim người tiêu dùng.
Sôi động smartphone Việt

Sau 2 năm thất bại khi đưa ra thị trường chiếc Bphone đầu tiên, vừa qua Bkav đã ra mắt chiếc Bphone 2. Đây là mẫu smartphone ở phân khúc cận cao cấp, với giá bán 9,789 triệu đồng. Điểm khác biệt của Bphone, theo bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc truyền thông Bkav, 100% thiết kế kiểu dáng, thiết kế mạch điện tử, thiết kế cơ khí và sản xuất đều do Bkav thực hiện ở Việt Nam.
Một trong những đối tác in mạch cho mẫu Bphone là Meiko Electronics Việt Nam, chuyên sản xuất bảng mạch PCB cung cấp cho các hãng điện tử lớn như Samsung, Apple. Meiko Electronics Việt Nam có trụ sở tại Khu công nghiệp Thạch Thất (Hà Nội) và có 4 nhà máy tại Nhật Bản, 2 nhà máy tại Trung Quốc. Ngay sau đó, Asanzo đã trình làng bộ đôi smartphone Z5-S5 cho người yêu công nghệ. Asanzo Z5 được bán với giá 4,99 triệu đồng, trong khi Asanzo S5 có giá 2,99 triệu đồng. Ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch Asanzo, cho biết: “Asanzo bắt đầu sản xuất tivi từ cuối năm 2013. Đến năm 2016, hãng bán được 500.000 chiếc, đạt doanh thu 2.500 tỷ đồng. Đây là doanh số nhiều DN Việt Nam không dám nghĩ tới. Asanzo đặt mục tiêu doanh thu 4.000 tỷ đồng trong năm tài chính 2017. Và một trong những chiến lược để hoàn thành mục tiêu trên kỳ vọng vào thị trường smartphone. Sự ra đời của smartphone Asanzo là sự “cộng hưởng tự nhiên” theo nhịp độ của thị trường". Trước đó, tháng 7-2017, VNPT Technology đã ra mắt chiếc smartphone Vivas Lotus S3 LTE. Đây là sản phẩm thứ 5 thuộc dòng điện thoại smartphone Vivas Lotus, với cấu hình cao và lợi thế hỗ trợ mạng 4G LTE. Sản phẩm được nghiên cứu và phát triển từ các kỹ sư VNPT Technology - công ty chủ lực của Tập đoàn VNPT trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển và sản xuất các sản phẩm công nghệ, công nghiệp điện tử viễn thông. Vivas Lotus S3 LTE được sản xuất tại nhà máy ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội). Tập đoàn Viettel cũng đang sản xuất mẫu smartphone cao cấp có thể chống nghe lén đầu tiên mang tên Viettel Luxury Phone. Smartphone này có chip do Viettel nghiên cứu và sản xuất được giới thiệu có nhiều tính năng bảo mật.
Smartphone Việt chinh phục người tiêu dùng ảnh 1 Tập đoàn Asanzo ra mắt smartphone với người tiêu dùng TPHCM. 
Chiến lược ngách
Thực tế ở Việt Nam, trước khi Bkav và Asanzo tung hàng loạt mẫu smartphone ra thị trường, không ít DN công bố tham vọng khi gia nhập thị trường điện thoại di động, trong đó có những tên tuổi lâu đời như FPT, ABTel, Hanel, HiPT, CMC, Thuận Phát. Nhưng rồi tham vọng đó nhanh chóng thoái trào bởi không cạnh tranh được với các thương hiệu danh tiếng toàn cầu, vốn dày dạn kinh nghiệm thị trường và mạnh về tài chính. Bên cạnh đó, tâm lý người tiêu dùng vẫn chuộng hàng ngoại và chưa tin tưởng sản phẩm nội địa cũng là rào cản của DN Việt trên đường xác lập vị thế thị trường.
Trong hàng chục nhà cung cấp điện thoại thương hiệu Việt ngày ấy, hiện giờ còn Mobiistar, F-Mobile và Masstel bám trụ, trong đó Mobiistar được đánh giá tương đối vững, với gần 4% thị phần smartphone trong quý II-2017. Cuộc cạnh tranh thị phần smartphone trên thế giới cũng khiến bao thương hiệu nổi tiếng toàn cầu “bán mình”, và thương hiệu Việt cũng không nằm ngoài cuộc chơi.
Theo ông Ngô Nguyên Kha, người sáng lập và sở hữu Mobiistar, để có được vị trí như hiện nay Mobiistar phải kiên trì với định hướng sản phẩm nâng cao trải nghiệm cho người dùng. Nhưng cũng rất khó khăn để duy trì vị trí top 4. Điều đó cho thấy thị trường smartphone ở Việt Nam rất hấp dẫn, nhưng cũng đầy sự khắc nghiệt.

Theo phân tích của một số chuyên gia, đối thủ của DN smartphone Việt Nam trong thời điểm hiện nay là những người khổng lồ như Apple, Samsung… đủ sức để những thương hiệu nhỏ hụt hơi và “tự chết”. Tuy nhiên, không có nghĩa các thương hiệu mới không có cơ hội vì thị trường smartphone thay đổi liên tục, có thương hiệu chỉ cần một sản phẩm ăn khách đã thắng lớn. Các thương hiệu mới có thể có nhiều dữ liệu thị trường hơn và có chiến lược tiếp cận mới lạ, sáng tạo hơn để tạo thành công. 

Trở lại với 2 “tay chơi” nội địa MobiiStar và Asanzo, điểm tương đồng là đều bỏ ra một khoản tiền lớn để tài trợ trên các chương trình gameshow, ca nhạc, các sản phẩm không chỉ hiện diện trên tivi, mà còn hàng loạt trang mạng xã hội Facebook, YouTube... Sẽ còn nhiều sự thay đổi từ sản phẩm đến kênh bán hàng, cũng như mạnh dạn hơn trong tiếp thị, truyền thông của MobiiStar, Bkav và Asanzo.
Thị trường sẽ cần thời gian để chứng minh liệu Asanzo có tiêu thụ được 20.000 sản phẩm trong năm 2017 như lời Chủ tịch Asanzo Phạm Văn Tam tuyên bố. Thay vì đánh ồ ạt về thị trường tỉnh lẻ, Asanzo đang thăm dò khách hàng bằng việc bán hàng ở TPHCM trước, sau đó mới tính chuyện đi xa. Trong khi đó, Bphone chỉ bán tại Thế Giới Di Động. Dù đã tính tới việc mở thêm các kênh bán lẻ nhưng do Bkav vướng ràng buộc cam kết với Thế Giới Di Động. Khi đã thuyết phục khách hàng, Bkav sẽ mở rộng nhiều phân khúc sản phẩm với nhiều mức giá khác nhau. Ông Nguyễn Tử Quảng, người đứng đầu Bkav vẫn duy trì niềm tin vào Bphone 2017 để đầu năm sau tung ra dãy sản phẩm tầm trung. 

Lúc này, phân khúc smartphone giá rẻ và trung cấp mới là thị trường chính để điện thoại thương hiệu Việt giành được thị phần, thay vì tập trung vào các dòng cao cấp, nơi có sự hiện diện các “ông lớn” có tên tuổi từ lâu. Với niềm tin chưa được xây dựng, nếu làm điện thoại cao cấp sẽ rất khó. Trước tiên cần chiếm lĩnh được niềm tin của khách hàng qua chính sách bảo hành, phần mềm, từ đó người tiêu dùng mới ủng hộ các sản phẩm smartphone tiếp theo.

Các tin khác