Bài toán chế biến sâu rau củ quả?

(ĐTTCO) - Trước nhu cầu rau quả tươi và chế biến của thế giới đang ngày càng gia tăng, “sân chơi” đầu tư vào chế biến sâu của Việt Nam bắt đầu nhộn nhịp hơn. Thế nhưng, số DN đầu tư ngàn tỷ cho những nhà máy lớn vẫn còn khá hạn chế vì nhiều lý do. 

Thừa nguyên liệu nhỏ
Ông Nguyễn Quyết Thắng, Giám đốc kỹ thuật Công ty Tropicalfood Machinery - một DN chuyên cung cấp dây chuyền chế biến sâu rau quả nhiệt đới của Italia, cho biết công ty đã vào Việt Nam được 4 năm và nhận thấy đây là một thị trường rất tiềm năng.
 Nhà nước cần xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng nông sản phù hợp với các thị trường phát triển, từ đó kiểm soát quản lý chất lượng và thương hiệu, gia tăng giá trị cho sản phẩm nông sản Việt Nam.
Ông Nguyễn Đình Tùng, 
Tổng giám đốc Vina T&T
Tuy nhiên, hiện mỗi năm Tropicalfood chỉ có một hợp đồng lắp đặt dây chuyền cho một DN Việt, do thời gian lắp đặt và hoàn thiện một dây chuyền hoàn chỉnh khá dài, thường kéo dài 1-2 năm. Song quan trọng hơn, để dây chuyền đi vào hoạt động cần có vùng nguyên liệu đạt chuẩn, vì các nhà nhập khẩu rất quan tâm đến nguyên liệu đầu vào, nên các DN khi đầu tư phải rất cân nhắc để tránh tình trạng không chạy hết công suất. 
Hiện nay Việt Nam có khoảng 1,6 triệu ha đất trồng rau củ quả, sản lượng mỗi năm khoảng 27 triệu tấn. Trong khi đó, mới chỉ có hơn 150 nhà máy chế biến xử lý hết 1 triệu tấn/năm. Như vậy nguyên liệu còn rất nhiều. Nhưng nguyên liệu đạt chuẩn lại không dễ kiếm, dù chỉ chuẩn VietGap chứ chưa nói đến những tiêu chuẩn khó như Global Gap hay chuẩn hữu cơ.
Theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp, tại khu vực phía Nam hiện có 71 cơ sở chế biến, nhưng hầu hết trong tình trạng thiếu nguyên liệu và chỉ đạt 50% công suất thiết kế. Ngay như CTCP Lavifood, một trong những DN lớn đang tham gia cuộc chơi chế biến sâu, cũng đang triển khai các nhà máy chậm 2 năm so với kế hoạch ban đầu.
Theo kế hoạch, từ 2015-2023 Lavifood sẽ xây dựng 7 nhà máy ở các tỉnh Long An, Tây Ninh, Đồng Tháp, Bình Thuận, Đắk Lắk, Quảng Trị, Hải Phòng. Nhưng đến 2018 mới khai trương nhà máy ở Long An và đầu năm 2019 là nhà máy ở Tây Ninh. Tất nhiên có thể Lavifood vướng nhiều lý do cho sự chậm trễ này, song vùng nguyên liệu hẳn là vấn đề không nhỏ. 
Bài toán chế biến sâu rau củ quả? ảnh 1 Dây chuyền sản xuất trái cây sấy khô xuất khẩu của Vinamit. 
Thiếu nguyên liệu đạt chuẩn
Trường hợp của Công ty Vinamit rất đáng chú ý. Trong năm 2018, ngoài các sản phẩm sấy khô truyền thống, công ty đã tung ra nhiều sản phẩm với công nghệ sấy mới cho thị trường trong và ngoài nước. Sản phẩm của Vinamit được đón nhận rất tốt, thậm chí không có hàng để bán, nhưng lại chưa thể nhanh chóng tăng sản lượng do vùng nguyên liệu organic mà công ty tự chủ vẫn còn khá nhỏ.
“Con đường chinh phục thế giới và vào các siêu thị toàn cầu chính là làm sản phẩm hữu cơ, nhưng làm nông nghiệp hữu cơ thực sự không đơn giản” - ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Vinamit, chia sẻ. 
Cũng có ý kiến cho rằng các nhà máy có thể tận dụng vùng nguyên liệu cho xuất khẩu đi các thị trường khó tính. Vì thực tế hiện nay, trong nông nghiệp có khoảng 50% hàng dù sạch, đạt chuẩn, nhưng nếu “không đẹp mắt”, tức là bị trầy hoặc hư nhẹ, cũng bị loại khi xuất khẩu, nhất là sang các thị trường đòi hỏi cao về chất lượng.
Nhưng vùng trồng này cũng không quá lớn, liệu có đủ nguyên liệu cho các nhà máy có công suất hàng chục ngàn tấn thành phẩm/năm? Vì lẽ đó, việc DN bám sát vùng nguyên liệu, có cơ chế phối hợp nhịp nhàng với nông dân trong quy trình trồng và thu mua trực tiếp là hết sức quan trọng. 

Phải biết nắm cơ hội thị trường
Số liệu từ nhiều tổ chức nghiên cứu cho thấy thị trường rau, quả chế biến thế giới có giá trị khoảng 250 tỷ USD năm 2018, và dự kiến đạt khoảng 346 tỷ USD vào năm 2022, nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 7%/năm trong vòng 5 năm. Nhu cầu đối với rau, quả chế biến tiếp tục tăng do khả năng đa dạng hóa danh mục sản phẩm giúp rau, quả chế biến trở nên dễ lựa chọn hơn đối với người tiêu dùng và các nhà kinh doanh thực phẩm.
Bên cạnh đó, thị trường nước ép rau, quả toàn cầu đạt khoảng 160 tỷ USD và dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 5-6%/năm từ nay đến năm 2022. Những thay đổi trong thói quen tiêu dùng, nhất là quỹ thời gian cho ăn uống và công nghệ chế biến nước ép lạnh vượt trội là những nhân tố thúc đẩy phân khúc thị trường này. 
Tương tự, rau quả hữu cơ đang trở thành một thị trường hấp dẫn nhờ mối quan tâm ngày càng lớn của người tiêu dùng đối với sức khỏe của chính họ và bảo vệ môi trường. Phân khúc này phát triển mạnh ở các nước có mức sống cao. Ngay tại châu Á, tỷ lệ người tiêu dùng sản phẩm hữu cơ cũng đang tăng nhanh. Trước cơ hội này, Việt Nam đang đặt ra những mục tiêu giàu tham vọng trong việc xuất khẩu rau củ quả tươi và chế biến. 
Song để làm được phải tổ chức lại sản xuất ngay từ chính mỗi địa phương. Nhưng thực tế, việc địa phương có sẵn vùng trồng đạt chuẩn, mời DN đến đầu tư nhà máy chế biến vẫn còn rất hạn chế. Đa phần các DN đến đầu tư sau đó mới kết hợp cùng người dân và chính quyền để lo nguồn nguyên liệu. Đây cũng được xem là một cách thức hay khi DN nắm được nhu cầu của khách hàng.
Tuy nhiên, về lâu dài cần vai trò của Nhà nước và các địa phương trong việc xác lập tiêu chuẩn cho nông sản nói chung, rau củ quả nói riêng, chứ không thể chỉ một mình DN kiểm soát vùng trồng. Bởi mỗi DN chế biến đều phải lo thêm rất nhiều khâu như đầu tư kỹ thuật để có thể thiết kế, chế biến và đóng gói sản phẩm phù hợp. 

Các tin khác