Con đường lúa gạo miệt Ngàn

(ĐTTCO) - Gió xuân lùa trên những cánh đồng lúa vàng óng ánh miệt Ngàn. Ngọn gió ấy như sợi dây kết nối làm mát lòng ân tình của những người gắn bó với dòng Xà No như Út Ghiền, Bảy Quí, Chín  Đồng - một thế hệ nông dân và cán bộ nông nghiệp gắn bó với cây lúa, đã tạo nên thương hiệu lúa gạo miệt Ngàn gắn với dòng chảy 100 năm kênh xáng Xà No.

1. Tết Kỷ Hợi 2019, Út Ghiền bước vào tuổi “thất thập cổ lai hy”. Người dân ở xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, không xa lạ với Út Ghiền. Bởi ông là một trong những người tiên phong góp sức gây dựng cánh đồng mẫu lớn đầu tiên của tỉnh Hậu Giang.
Nông dân trong xóm ví von gọi Út Ghiền là “Chủ nhiệm Cánh đồng mẫu” (thay vì gọi chủ nhiệm HTX). Út Ghiền là thế hệ nông dân có thể nói vanh vách về miệt Ngàn. Ông nói từ đầu thế kỷ 20, sau khi đào kênh xáng Xà No, người Pháp tiếp tục xẻ khoảng 30 tuyến kênh dài 1.000-15.000m. Đây được xem là hệ thống thủy lợi đầu tiên để khai phá vùng đất màu mỡ phù sa.
Ngày nay khi tuyến đường nối Cần Thơ - Vị Thanh được đấu nối, đã tạo nên một cung đường thú vị đi qua miệt Ngàn. Theo cố nhà văn Sơn Nam, những địa danh này gắn liền với kênh xáng Xà No - con kênh quan trọng nhất vùng Hậu Giang do người Pháp đào từ đầu thế kỷ 20, nối từ Cần Thơ qua Kiên Giang, vùng trồng lúa quan trọng ven sông Hậu. Kênh Xà No vẫn được coi là “con đường lúa gạo” của miền Tây sông Hậu.
 Con đường lúa gạo miệt Ngàn ảnh 1 Đường nối Cần Thơ - Vị Thanh xuyên qua con đường lúa gạo miệt Ngàn - Hậu Giang. 
Út Ghiền là bạn tri giao với lão nông Bảy Quí (Lâm Ngọc Quang cùng sống ven kênh Xà No). Họ là những nông dân tạo nên thương hiệu nông dân miệt Ngàn gắn liền với hành trình cây lúa Hậu Giang. Năm 2009 (sau 5 năm thành lập tỉnh), Hậu Giang tạo điểm nhấn khi tổ chức Festival Lúa gạo Việt Nam đầu tiên. Tại buổi lễ này, Bảy Quí là một trong số 50 nông dân từ 34 tỉnh, thành trong cả nước được tôn vinh và nhận Bằng khen của Bộ NN-PTNT “Nông dân sáng tạo - sản xuất lúa giỏi”. 
 Con đường lúa gạo miệt Ngàn ảnh 2 Dòng Xà No gắn liền với con đường lúa gạo miệt Ngàn. 
2. Nếu như Bảy Quí được vinh danh năm 2009, thì 5 năm sau (năm 2014) Út Ghiền nằm trong nhóm 20 nông dân được vinh danh tại lễ hội “Ngày mùa trên cánh đồng mẫu”. Đó cũng là năm gắn liền với sự “nở nồi” đất trồng lúa của Út Ghiền, khi ông mua thêm 7 công đất để nâng diện tích đất trồng lúa lên 3ha.
Đó cũng là năm mà theo Út Ghiền, đất trồng lúa đạt năng suất cao nhất trong đời trồng lúa của ông: 26 tấn/3 vụ/ha/năm. Lúa chất lượng cao trong cánh đồng mẫu trúng lớn, được doanh nghiệp của tỉnh bao tiêu mua giá khá cao thời điểm ấy 4.700 đồng/kg. Út Ghiền dành tiền lời mua thêm 7 công đất. 
Út Ghiền thừa biết giờ là thời máy gặt đập liên hợp; và phải giã từ làm lúa khi “trông trời sa mưa” để thay thế bằng giống lúa cao sản, phẩm cấp cao... Út Ghiền cũng hiểu rõ quá trình chuyển mình của kỹ năng trồng lúa ở đất đồng bằng những “con trâu sắt” xuất hiện, chiếc vòng gặt “cổ điển” xếp vào “xó bếp” nhường chỗ cho máy cắt lúa xếp dãy... Ông thuộc lòng những quy trình sản xuất, những tiến bộ của kỹ năng trồng lúa và được ngành khuyến nông tỉnh hỗ trợ máy sản xuất, tách hạt lúa giống…

3. Sẽ không trọn vẹn khi nói về hàng trình cây lúa miệt Ngàn không nhắc đến ông Nguyễn Văn Đồng (Chín Đồng), nguyên Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, được ví như “nhạc trưởng ngành nông nghiệp” cả đời gắn bó với nông nghiệp và gắn liền với những vui buồn của cây lúa Hậu Giang trong 15 năm qua.
Nếu như Út Ghiền, Bảy Quí là những nông dân rành mạch về chuyện khai thác đất sản xuất của tiểu vùng Tây sông Hậu ngày nay, kỹ sư Chín Đồng mới là người nắm rõ hệ thống các cống hở lưỡi gà dọc theo miệt Ngàn. Theo đó, mùa mưa lũ, các cống hở sẽ dẫn nước ngọt chảy ra biển Tây; đến mùa khô, các cống hở này sẽ tự đóng lưỡi gà để ngăn mặn.
Cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, kỹ sư Chín Đồng là một trong những kỹ sư nông nghiệp đầu tiên lặn lội tìm hiểu hệ thống cống lưỡi gà ở miệt Ngàn. Sau đó, vận dụng xây dựng các cống hở ngăn mặn ở các vùng giáp mặn ở Long Mỹ, Vị Thanh.
Nhìn lại khi mới thành lập tỉnh, đời sống nông dân còn nhiều khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa nên tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật vẫn còn hạn chế. Giá thành sản xuất nông sản của nông dân Hậu Giang còn rất cao, lên đến 4.000 đồng/kg. Nhiều người nói giá thành sản xuất lúa của nông dân Hậu Giang cao đứng đầu bảng ĐBSCL ở thời điểm đó không sai. Ngành nông nghiệp nghe cũng đau, bởi một phần sĩ diện, phần lợi nhuận của nông dân sẽ thấp.
Sau khi tìm giải pháp tăng cường đẩy mạnh chuyển giao các biện pháp canh tác tiên tiến như “3 giảm, 3 tăng”, phủ 3 kỹ sư (khuyến nông, trồng trọt, thú y) về tận xã, đã dần kéo giá thành sản xuất lúa của nông dân Hậu Giang dưới 3.000 đồng/kg, thấp nhất khu vực ĐBSCL. Giá thành sản xuất thấp, cùng với trúng mùa, trúng giá đậm trong năm 2018, niềm vui của ngành nông nghiệp cùng hòa trong niềm vui của nông dân Hậu Giang.
Những ngày cuối năm 2018, Hậu Giang đã tổ chức Diễn đàn Kinh tế Xanh 2018 - Hậu Giang xây dựng chuỗi giá trị nông sản trên nền tảng logistics.
Nói như ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang: “Diễn đàn kinh tế Xanh 2018 được xem như Hội nghị Diên Hồng về phát triển nông nghiệp của tỉnh Hậu Giang”. Một chi tiết khá thú vị, khi trong bài phát biểu của mình tại Diễn đàn, ông Lê Tiến Châu, đã đề cập đến dòng Xà No: “Từ năm 1901, tiềm năng về phát triển nông nghiệp của tỉnh Hậu Giang đã được người Pháp phát hiện và đánh thức bằng việc cho xây dựng nên hệ thống kênh Xáng Xà No - công trình thủy nông lớn nhất Nam kỳ thời đó, đã thực sự trở thành con đường nông sản sôi động nhất của khu vực ĐBSCL”.

Các tin khác