Cuộc chiến Mỹ-Trung leo thang: Lập bản đồ hàng hóa xuất nhập khẩu

(ĐTTCO) - Ngày 23-8 vừa qua, Trung Quốc đã áp thuế quan bổ sung 25% lên 16 tỷ USD hàng hóa Hoa Kỳ, ngay sau khi Hoa Kỳ áp thuế 25% lên 16 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Trao đổi với ĐTTC về sự kiện này, TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận xét: 

Cuộc chiến thương mại mà Hoa Kỳ phát động nhắm vào Trung Quốc, với bản chất nhằm vào 2 mục đích. Thứ nhất, đây có thể xem là nỗ lực của Tổng thống Donald Trump thực hiện lời hứa "đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại".
Thứ hai, đối với Trung Quốc cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ phát động vừa mang ý nghĩa chính trị vừa mang ý nghĩa kinh tế. Về phương diện kinh tế như Tổng thống Donald Trump đã nói, đó là sự trỗi dậy của Trung Quốc đã chèn lấn sang Hoa Kỳ, làm gần 5 triệu người Hoa Kỳ thất nghiệp và gần 10.000 doanh nghiệp phá sản. Do đó, Hoa Kỳ buộc phải phát động cuộc chiến tranh thương mại.
Về phương diện chính trị, những năm gần đây, Trung Quốc vươn lên mạnh mẽ và cạnh tranh trực diện với Hoa Kỳ trong nhiều lĩnh vực, nhất là công nghệ cao. Từ năm 2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra đường hướng chiến lược đến năm 2025 Trung Quốc sẽ hoàn thành chiến lược “made in China” và đến năm 2030 sẽ chuyển từ sản xuất sang công nghệ sáng tạo với nền tảng ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Cuộc chiến Mỹ-Trung leo thang: Lập bản đồ hàng hóa xuất nhập khẩu ảnh 1
Để hiện thực hóa chiến lược này, Trung Quốc đã hỗ trợ mạnh mẽ các doanh nghiệp, tập đoàn về công nghệ. Đến nay, có thể nói trong nhiều lĩnh vực Trung Quốc đã phát triển như vũ bão, đặc biệt trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, hàng điện tử... Việc Hoa Kỳ hạn chế một số công ty hàng đầu về lĩnh vực này của Trung Quốc như là Huawei là một phần trong các nỗ lực kiềm chế một cường quốc cạnh tranh trực diện và có những bước tiến vượt bậc, thậm chí có lĩnh vực vượt cả Nhật Bản.
PHÓNG VIÊN: - Với những động thái leo thang trong cuộc chiến thương mại giữa 2 nước, khả năng “đình chiến” hoặc “thỏa hiệp” giữa 2 nền kinh tế có vẻ càng trở nên xa vời, thưa ông?
TS. LÊ XUÂN SANG: - Vấn đề thỏa hiệp hay không phụ thuộc nhiều vào việc hành xử của phía Trung Quốc, sự phản đối của các doanh nghiệp trong nước của Hoa Kỳ đạt đến tầm mức nào, cũng như những hậu quả về kinh tế do chính sách áp thuế suất cao của cuộc chiến thương mại gây ra.
Nói chung không thể lường trước được, nhất là với quy mô thương mại tác động đến hàng trăm tỷ USD, sự bất ổn và niềm tin vào ổn định của thương mại rất khó. Những rủi ro có thể dẫn đến khủng hoảng tài chính khu vực, thậm chí ở quy mô toàn cầu.
- Có ý kiến cho rằng trong cuộc chiến thương mại này, Hoa Kỳ nắm trong tay “vũ khí kinh tế” lợi hại hơn Trung Quốc, song Trung Quốc cũng đã chuẩn bị những chính sách “trả đũa”, thưa ông?
- Chỉ tính riêng cuối năm 2013, Trung Quốc thâm hụt thương mại trên toàn thế giới khoảng 12 tỷ USD, nhưng ngược lại thặng dư với Hoa Kỳ lên đến 295 tỷ USD. Do vậy Trung Quốc xem thương mại với Hoa Kỳ là vấn đề nhạy cảm, như là “cứu tinh” cho mình. Đây chính là vũ khí Hoa Kỳ đang nắm trong tay, có thể nói ở thế “thượng phong” so với Trung Quốc.
Chỉ tính riêng việc Hoa Kỳ tiếp tục áp thuế lên 200 tỷ USD đối với hàng hóa Trung Quốc đã đủ lớn, chưa nói đến các biện pháp tiếp theo.
Việc áp thuế nói trên sẽ khiến lạm phát tăng cao, đồng thời cũng khiến Hoa Kỳ phải tăng lãi suất. Và khi đó sẽ kéo các luồng vốn đầu tư trên thế giới vào Hoa Kỳ, làm xáo trộn các luồng thương mại trên thế giới, dẫn đến khó đoán định.
Tuy nhiên, trong các cuộc chiến thương mại, Trung Quốc thường có những chính sách “trả đũa” dường như có hiệu quả cao hơn các đối thủ. Thí dụ, việc Trung Quốc áp thuế cao đối với các hàng hóa nông sản của Hoa Kỳ vừa qua đã tỏ ra rất hiệu quả.
Còn về khả năng Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ để đối phó với chiến tranh thương mại rất khó xảy ra, vì từ năm 2015 đến nay Trung Quốc đã thực thi chính sách hạ tỷ giá, nên giờ chỉ có thể đối phó bằng biện pháp phi thuế quan. Quan sát kỹ có thể thấy từ trước đến nay, Trung Quốc thường có rất nhiều cách trả đũa kinh tế bằng những hình thức phi thuế quan.
Gần đây nhất là việc Trung Quốc thực hiện chiến dịch trừng phạt các tập đoàn Hàn Quốc, khi tháng 7-2016 nước này đồng ý để Hoa Kỳ đưa hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) vào nước mình. Chỉ trong vòng 1 tháng, Trung Quốc vận dụng rất nhiều chính sách khác nhau, kể cả vận dụng các yếu tố kích động tinh thần dân tộc để tẩy chay hàng hóa, đã khiến nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc điêu đứng. Theo đó, doanh số bán ô tô giảm hơn một nửa, hàng chục siêu thị phải đóng cửa và lượng khách du lịch giảm gần 70%.
Nếu Trung Quốc áp dụng biện pháp trả đũa phi thuế quan đối với hàng hóa Hoa Kỳ như cách đã làm đối với Hàn Quốc, sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với biện pháp áp thuế quan Hoa Kỳ đang làm. Ngoài ra, Trung Quốc có thế mạnh là sự đồng lòng, không có chuyện các công ty trong nước phản đối giống như công ty Hoa Kỳ phản đối chính sách của ông Trump. 
- Trước những diễn biến của cuộc chiến thương mại này, Việt Nam cần  lưu ý gì trong hoạch định chính sách kinh tế, thưa ông?
- Theo tôi, các bộ, ngành liên quan phải theo dõi sát sao và cập nhật những diễn biến mới nhất từ cuộc chiến thương mại. Trước mắt, cần tạo lập được bản đồ hàng hóa xuất nhập khẩu, mức thuế xuất nhập khẩu... để từ đó làm cơ sở đánh giá được tác động về mặt thương mại, đầu tư, tài chính bị ảnh hưởng từ cuộc chiến này.
Chúng ta phải đánh giá kỹ lưỡng những tác động từ cuộc chiến thương mại này đối với kinh tế Việt Nam, cả về mặt tiêu cực lẫn thời cơ ta có thể tận dụng. Thí dụ, thời cơ ở đây là Việt Nam có thể thu hút được nguồn vốn đầu tư (FDI) từ các doanh nghiệp Hoa Kỳ chẳng hạn. Khi họ không đầu tư vào Trung Quốc sẽ đầu tư sang các nước khác, trong đó có Việt Nam.
Trước tác động của cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc, thị trường đầu tư và thương mại quốc tế tiềm ẩn những rủi ro bất ngờ. Đây là điều Chính phủ cần phải có sự chuẩn bị, tính toán kỹ càng hơn đến những phương án dự phòng.
- Xin cảm ơn ông.
 Việt Nam phải kiểm soát được những hàng hóa ngoại nhập, đặc biệt là hàng hóa từ Trung Quốc. Phải nhận diện và xây dựng được hệ thống kiểm soát chặt chẽ những hàng hóa nào của Trung Quốc hay hàng hóa Trung Quốc sắp sửa “đội mũ” để lách vào Việt Nam, rồi xuất khẩu sang nước khác để tránh sự trừng phạt thương mại. Bởi nếu xảy ra việc này Hoa Kỳ có thể xếp hàng hóa Việt Nam vào nhóm bị trừng phạt.

Các tin khác