Dịch tả heo châu Phi tiếp tục lan rộng

* Đồng Nai xin cấp 40.000 lít hóa chất khử trùng

(ĐTTCO) - Ngày 17-5, UBND huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang đã công bố dịch tả heo châu Phi trên địa bàn 2 xã Đông Phú và Đông Thạnh. Trong 2 tuần qua, nhiều ổ dịch tả heo châu Phi xuất hiện trên địa bàn các huyện Vị Thủy, Châu Thành và Châu Thành A.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết hiện tỉnh đang quyết liệt triển khai các biện pháp như lập các chốt, trạm kiểm soát đầu ra và đầu vào việc vận chuyển heo.
Đặc biệt là tuyên truyền, vận động người dân thực hiện 5 không: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, heo chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.
Chiều cùng ngày, UBND thị xã Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên- Huế) cho biết, 3 ổ dịch tả heo châu Phi vừa mới xuất hiện trên địa bàn. Ổ dịch tại hộ ông Lê Quang Chiến (tổ dân phố 6, phường Hương Chữ) khiến 6/10 con heo bị chết. 

Hai ổ dịch khác xuất hiện tại 2 hộ thuộc phường Hương Văn và xã Hương Phong cũng khiến heo bị chết. Thú y thị xã Hương Trà đã đến tiêu hủy số heo chết, phun thuốc tiêu độc khử trùng và lấy mẫu gửi đi xét nghiệm. Kết quả cho thấy số heo chết đều dương tính với dịch tả heo châu Phi. 
Dịch tả heo châu Phi tiếp tục lan rộng ảnh 1 Lực lượng chức năng ở Hà Tĩnh tiêu hủy heo bệnh
Ảnh: DƯƠNG QUANG 
 Tối 17-5, ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Tĩnh, xác nhận đàn heo của một hộ dân ở thị trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên dương tính với dịch tả heo châu Phi. Đây là ổ dịch tả heo châu Phi đầu tiên ở tỉnh Hà Tĩnh.Trước đó, đàn heo 55 con của hộ ông Đặng Văn Đoàn (trú tại tổ dân phố 6, thị trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên) có triệu chứng sốt, không ăn, lười vận động, một số vùng da trắng chuyển sang màu đỏ... nên gia đình đã trình báo với cơ quan chức năng.
Ngay sau đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Tĩnh đã lấy mẫu gửi cơ quan chức năng để kiểm tra, xét nghiệm, và kết quả cho thấy heo dương tính với dịch tả heo châu Phi. Các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh đã nhanh chóng tiêu hủy số heo bệnh, tiêu độc khử trùng chuồng trại và triển khai các biện pháp phòng chống, ngăn chặn dịch lây lan. 
Cùng ngày, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện nhu cầu sử dụng vôi và thuốc sát trùng để phòng chống dịch tả heo châu Phi tại địa phương đang rất cao nên tỉnh vừa kiến nghị Bộ NN-PTNT cấp 40.000 lít hóa chất, gồm: Biodine và Bankocid.
Đến nay, tỉnh Đồng Nai đã sử dụng khoảng 25.000 lít hóa chất phục vụ công tác tiêu độc, khử trùng do dịch tả heo châu Phi. Ngoài ra, các địa phương cũng đã mua khoảng 650.000kg vôi để dự trữ chống dịch và cấp cho chủ trang trại nuôi heo rải xung quanh chuồng trại. Tỉnh cũng đã cấp hơn 23.000kg vôi bột và 700 lít hóa chất cho các hộ chăn nuôi tại các xã có dịch để tiêu độc, khử trùng, phòng chống dịch bệnh.
Theo Ban chỉ đạo Phòng chống khẩn cấp bệnh dịch tả heo châu Phi tỉnh Đồng Nai, từ cuối tháng 2 đến nay, các chốt kiểm dịch trên địa bàn tỉnh đã thực hiện kiểm tra hơn 2.700 xe chở heo với trên 470.000 con heo. Trong đó có trên 400 xe chở hơn 85.000 con heo từ các tỉnh, thành đến tiêu thụ tại Đồng Nai.
Qua quá trình kiểm tra, Đồng Nai đã phát hiện và tổ chức tiêu hủy 120kg thịt heo không qua kiểm dịch, tiến hành xét nghiệm cho kết quả dương tính với dịch tả heo châu Phi đối với một mẫu bệnh heo trên địa bàn huyện Nhơn Trạch.
Để ngăn ngừa dịch tả heo châu Phi lây lan, Đồng Nai tiếp tục tăng cường giám sát đàn heo ra - vào tỉnh tại các chốt; đồng thời sẽ tạm ngưng hoạt động giết mổ tại các xã có dịch. 

Các tin khác