Doanh nghiệp nhà nước: Có nên giữ vai trò chủ đạo?

(ĐTTCO)-Đánh giá về vai trò của kinh tế nhà nước (KTNN) và hiệu quả tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, DNNN ở quốc gia nào cũng kém hiệu quả hơn DN tư nhân (DNTN). Về kinh tế học, DNNN không phải là công cụ ổn định vĩ mô. Do vậy nếu không đổi mới tư duy, thoát khỏi tư duy KTNN là chủ đạo sẽ lại mất một nhiệm kỳ nữa loay hoay với DNNN. 
Nhà máy đạm Ninh Bình - 1 trong 12 dự án thua lỗ dưới cơ chế quản lý là DNNN.
Nhà máy đạm Ninh Bình - 1 trong 12 dự án thua lỗ dưới cơ chế quản lý là DNNN.
Quá sức với vai trò dẫn dắt?
Trong Hiến pháp, Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Chiến lược Phát triển kinh tế, xã hội 2011-2020, đều xác định KTNN giữ vai trò chủ đạo. Thế nhưng, thực tế đến nay hiệu quả của DNNN luôn kém hơn DNTN và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội của DNNN cũng giảm, trong khi đóng góp của khu vực FDI và khu vực DN ngoài nhà nước mỗi ngày một tăng. 
Tính từ năm 2011 đến nay, tỷ trọng của KTNN trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có xu hướng giảm, đạt bình quân 28-29% GDP, đóng góp vào ngân sách nhà nước cũng giảm (năm 2011 là 43% đến 2016 còn 32%), trong khi khu vực tư nhân và khu vực FDI tăng từ mức 26-28% năm 2011 lên mức 32-34% ở năm 2016. Số việc làm trong DNNN cũng giảm và luôn thấp hơn 2 khu vực DNTN và FDI. 
KTNN là lực lượng chính cung cấp sản phẩm công ích và thiết yếu cho xã hội, nhưng chất lượng rất hạn chế. So với mục tiêu, yêu cầu đã đề ra, KTNN có thể nói đã không đạt mục tiêu trong việc dẫn dắt, tạo động lực phát triển đối với nền kinh tế và là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng, điều tiết nền kinh tế. Các sản phẩm còn hạn chế, ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển kinh tế và đời sống của nhân dân.  
“Đã bao năm nay chúng ta cứ loay hoay với tư duy KTNN là chủ đạo, bắt đảm đương vai trò mà DNNN không làm được. DNNN là chủ lực của KTNN nhưng kém hiệu quả làm sao giữ vai trò chủ đạo được. Hơn nữa, ở quốc gia nào cũng thế, bản chất của DNNN là kém hiệu quả hơn DN khác. Vì thế, đừng nên mắc kẹt vào tư duy KTNN là chủ đạo, bởi thực tế nó không làm nổi” - TS. Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nhấn mạnh.
Quá nhiều áp lực
 Không nên để DNNN phát triển tràn lan trên nhiều lĩnh vực, tránh nhấn mạnh quá vấn đề chi phối, dẫn dắt. Mục tiêu giao cho KTNN, DNNN phải xem xét lại, cần tập trung, không thể tùy tiện, ôm đồm.
TS. Trần Tiến Cường
Về việc dùng DNNN làm công cụ để ổn định vĩ mô, TS. Lê Xuân Bá chia sẻ các nước là thành viên Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) không cần DNNN nhưng họ ổn định vĩ mô rất tốt. Nếu không thoát khỏi tư duy đã mắc kẹt mấy chục năm nay, sẽ rất khó thay đổi. 
Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, nói: “Nếu dùng DNNN làm công cụ để ổn định vĩ mô chỉ làm hạn chế DNNN, làm méo mó thêm thị trường. DNNN không có tội mà tội là ở tư duy dùng nó làm công cụ. Đã là DN phải kinh doanh, không thể là công cụ làm nhiệm vụ chính trị, ổn định vĩ mô…  Việc này cần phải được thay đổi ngay”. 
TS. Cấn Văn Lực, kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), băn khoăn: “Không biết Nhà nước muốn gì ở DNNN khi vẫn chưa hoàn toàn tách bạch giữa nhiệm vụ kinh doanh và nhiệm vụ chính trị, xã hội của DNNN. Nhiệm vụ của DNNN hiện nay đa mục tiêu mà lẫn lộn sẽ rất khó đánh giá hiệu quả của nó”. 
Nguyên Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển DN của CIEM, TS. Trần Tiến Cường, cũng cho rằng phải xem xét lại mục tiêu giao cho DNNN: “Chúng ta giao DNNN quá nhiều mục tiêu lại lẫn lộn, không thống nhất khiến DNNN chịu rất nhiều áp lực. Trong khi đó, quy định về trách nhiệm, chi phí và nguồn chi trả cho DNNN thực hiện nhiệm vụ là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng, điều tiết nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô, lại chưa đủ rõ”.

Cần thay đổi tư duy
 DNNN ở nhiều nước chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong GDP nên không tác động nhiều tới nền kinh tế. Còn tại Việt Nam, quy mô, tài sản, nguồn lực của DNNN quá lớn, khi nhiều DN "ốm yếu, hắt hơi sổ mũi" sẽ khiến nền kinh tế chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.
TS. Lê Xuân Bá
Theo nhiều chuyên gia, trong khi được giao nhiều mục tiêu và đang trong quá trính tái cơ cấu hướng đến hoạt động hiệu quả theo thị trường, nhưng DNNN chưa thực sự có đầy đủ quyền tự chủ để hoạt động theo cơ chế thị trường. Quyền tự chủ trên thực tế của DNNN bị hạn chế so với DNTN. Nguyên nhân do thể chế và quy định hiện hành không rõ ràng, không thực tế lại có nhiều trói buộc.
So với DNTN, DNNN phải tuân thủ một hệ thống quy định chặt chẽ về cơ chế hoạt động tài chính, giám sát, quản lý cán bộ, lao động và tiền lương... DNNN không được tự chủ tìm quản lý giỏi, trả mức lương thực sự theo hiệu quả công việc mà bị khống chế trần... Các quyết định đầu tư phải qua nhiều trình tự, thủ tục phức tạp, qua nhiều cấp quản lý hành chính.
Bên cạnh đó, DNNN phải tuân thủ các quy định đặc thù về quyền tài sản, như không được đầu tư ngoài ngành, bị hạn chế phạm vi đầu tư vốn thành lập hoặc tham gia góp vốn thành lập DN, đầu tư bổ sung vốn, đầu tư mua lại DN khác; thiếu vốn đi vay nhưng phải bảo đảm hệ số nợ phải trả không quá 3 lần vốn chủ sở hữu. DNNN không được tự chủ quyết định việc chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài, kể cả các khoản đầu tư giá trị thấp. Khi thoái vốn, chuyển nhượng cổ phần phải theo nguyên tắc bảo toàn vốn... 
Do không được tự chủ, quyền hạn bị hạn chế, muốn đầu tư, tăng vốn hay giảm vốn đều phải phải xin ý kiến nhiều tầng nấc, thực hiện nhiều thủ tục theo quy trình, nên nhiều việc không triển khai được hoặc triển khai chậm, kéo dài, không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn kinh doanh của DNNN.
“Thể chế này đang kìm hãm DNTN nhưng cũng làm DNNN không phát triển. Hiện nay, DNTN thường nói không được đối xử bình đẳng, còn DNNN cho rằng các chính sách chưa thực sự thúc đẩy họ phát triển. Ai cũng mong được như khối bên kia, nghĩa là cả 2 cùng không phát triển được như mong muốn” - TS. Nguyễn Đình Cung nhận xét. 
Để DNNN thực sự vận hành theo cơ chế thị trường cần tiếp tục nghiên cứu, đổi mới thể chế, pháp luật theo hướng gia tăng quyền hạn gắn với trách nhiệm cao của bộ máy quản lý, điều hành DNNN. Và trên hết phải thay đổi tư duy về DNNN và KTNN. 

Các tin khác