Doanh nghiệp Việt trong tầm ngắm M&A

(ĐTTCO)-Thay vì tự triển khai dự án, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang có xu hướng tăng mạnh đầu tư vào Việt Nam thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần hoặc thâu tóm doanh nghiệp (DN) trong nước để nhanh chóng tham gia thị trường hay chuyển nhượng cho đối tác khác để kiếm lợi nhuận. 
Công ty TNHH Keppel Land đã mua toàn bộ vốn góp của Tổng công ty Đường sông miền Nam (Sowatco) trong dự án tòa cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại cao cấp Saigon Centre
Công ty TNHH Keppel Land đã mua toàn bộ vốn góp của Tổng công ty Đường sông miền Nam (Sowatco) trong dự án tòa cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại cao cấp Saigon Centre

Tăng mua cổ phần, thâu tóm

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, nguồn vốn ngoại đổ vào Việt Nam thông qua hình thức mua bán, sáp nhập (M&A) đang có chiều hướng tăng mạnh. Đặc biệt, trong quý 1-2019, cả nước có 1.653 lượt góp vốn, mua cổ phần với tổng giá trị 5,68 tỷ USD, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 52,6% tổng vốn đăng ký.

Đây cũng là lần đầu tiên, nguồn vốn đầu tư gián tiếp của doanh nghiệp ngoại cam kết vượt vốn đầu tư trực tiếp (FDI), dù cùng thời gian này vốn FDI cam kết vào Việt Nam cũng tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm 2018.

Đáng chú ý, trong 3 tháng qua, cả nước chỉ có 785 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, chiếm chưa tới phân nửa số lượt góp vốn, mua cổ phần thành công của nhà đầu tư ngoại trong cùng thời gian.

Trong số đó, các nhà đầu tư đến từ khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc… đang rót nhiều vốn theo hình thức đầu tư này vào các lĩnh vực bất động sản, hàng tiêu dùng, phân phối, bán lẻ, sản xuất vật liệu xây dựng, hóa chất, dịch vụ tài chính, dược phẩm... 

Nổi bật trong xu hướng trên là Taisho Pharmaceutical (Taisho - Nhật Bản) gần đây đã công khai dự chi hơn 3.400 tỷ đồng để mua 28,3 triệu cổ phiếu Dược Hậu Giang (DHG), tương đương với 21,7% vốn điều lệ.

Tập đoàn dược phẩm hàng đầu Nhật Bản này đã thông báo với cổ đông Taisho giá mua tại DHG dự kiến là 120.000 đồng/cổ phiếu. Hiện Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đang là cổ đông lớn nhất tại DHG, nhưng SCIC chưa có động thái bán cổ phần nhà nước đang nắm giữ với tỷ lệ 43,31%. Việc chọn mua đúng tỷ lệ 21,7%, theo giới quan sát, cho thấy Taisho có chiến lược thu gom cổ phiếu của các cá nhân nhỏ lẻ, hay các quỹ đầu tư để nâng tỷ tệ nắm giữ tại DHG lên 74,12 triệu cổ phiếu, tương đương 56,7%.

Nếu Taisho mua thành công số lượng cổ phần nói trên sẽ biến Dược Hậu Giang thành công ty con của Taisho, kể từ khi tập đoàn này tham gia góp vốn tại DHG cách đây 3 năm. 

Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) cũng vừa thông qua kế hoạch phát hành hơn 30,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược Jardine Cycle & Carriage (Singapore), tương ứng 1,34% cổ phiếu đang lưu hành. Kế hoạch phát hành này sẽ thực hiện trong năm 2019 và khi hoàn tất, Jardine Cycle & Carriage sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại Thaco lên 26,57%.

Hay tại đại hội đồng cổ đông vừa diễn ra vào trung tuần tháng 4-2019, HĐQT Công ty CP Tập đoàn xây dựng Hòa Bình (HBC) đã xin ý kiến phát hành riêng lẻ 25 triệu cổ phiếu, tương đương 11% lượng cổ phiếu lưu hành cho nhà đầu tư chiến lược Hyundai Elevator Co., Ltd. 

Vì sao “bán mình”?

Luật Đầu tư năm 2014 ra đời đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài thực hiện giao dịch M&A từ các DN trong nước, thông qua việc việc góp vốn, mua cổ phần và mua lại phần góp vốn của DN trong nước.

Thị trường Việt Nam rất tiềm năng với gần 95 triệu dân, nền kinh tế tăng trưởng cao và ổn định trong những năm qua là nguyên nhân thu hút mạnh dòng vốn FDI và hình thức M&A được coi là con đường nhanh nhất để các DN ngoại thâm nhập thị trường Việt.

Vậy tại sao DN trong nước “bán mình”? Có nhiều nguyên nhân, nhưng tựu trung có 2 nguyên nhân chính. Đó là rút khỏi thị trường vì lo không cạnh tranh nổi hoặc nhận thấy thị trường đã bão hòa không còn tiềm năng phát triển nữa; hoặc hợp tác để phát triển trong bối cảnh DN trong nước còn nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay.

Ở vế thứ 1, người sáng lập Công ty CP Thương mại sản xuất dịch vụ Ngữ Á Châu (NAC), chủ sở hữu thương hiệu Kanac salon tóc Việt Nam, trước khi bán 97% cổ phần cho Tập đoàn Takara Belmont (Nhật Bản) vào năm ngoái, cho biết cũng rất đắn đo vì NAC được gầy dựng và nuôi dưỡng hơn 10 năm qua.

Tuy nhiên, khi nhìn vào thực tế hội nhập sâu rộng hiện nay, ông chủ sở hữu Nguyễn Văn Ngữ hiểu đây là cuộc chơi khốc liệt và NAC khó có thể trụ vững khi các đối thủ ngoại mạnh cả về thương hiệu, công nghệ và tiềm lực tài chính đang xâm nhập sâu vào thị trường trong nước.

Mặt khác, sau M&A, Takara Belmont vẫn giữ nguyên thương hiệu cũng như cam kết đưa Kanac thành thương hiệu hóa chất ngành tóc phổ biến không chỉ tại Việt Nam mà còn ở Đông Nam Á. Điều này theo ông Nguyễn Văn Ngữ, trong 10 năm qua NAC chưa thực hiện được.

Trong cuộc chiến đấu không cân sức, “bán” đứa con của mình cho người khác có lẽ vẫn là cách để những người sáng lập còn cơ hội nhìn thấy đứa con trưởng thành và phát triển hơn nữa. Một số DN “bán mình” khác lý giải rằng, thị trường ngành mình đang hoạt động đã trong giai đoạn bảo hòa, không còn nhiều tiềm năng phát triển.

Đơn cử như trường hợp của Kinh Đô, dù thương hiệu này đang dẫn đầu ngành bánh kẹo trong nước, nhưng vẫn quyết định “bán mình” cho đối tác ngoại vào năm 2014, vì nhận thấy ngành hàng này không còn nhiều cơ hội phát triển như những năm đầu thành lập, để chuyển sang chiến lược đầu tư ngành “thực phẩm và các sản phẩm thiết yếu”.

Ở nguyên nhân thứ 2, một số DN cho hay sự tham gia góp vốn của đối tác ngoại giúp DN phát triển mạnh hơn; đồng thời việc “đứng trên vai” người khổng lồ giúp gia tăng vị thế của DN.

Cụ thể, Dược Hậu Giang đánh giá sau gần 3 năm hợp tác với tập đoàn dược phẩm hơn 100 năm Taisho, DHG ghi nhận nhiều thành tựu như nhà máy DHG không ngừng được nâng cấp. Cuối năm 2018, nhà máy DHG đạt tiêu chuẩn PIC/s-GMP và GMP châu Âu (EU-GMP).

Đến tháng 2-2019, dây chuyền sản xuất viên nén Non-Betalactam được cấp giấy chứng nhận GMP Nhật Bản (PMDA)… Chứng nhận này như tấm vé thông hành để sản phẩm DHG có thể xuất khẩu sang Nhật Bản và các nước phát triển.

Ở góc độ nhà tư vấn các thương vụ, ông Jeffrey Pirie, Phó Tổng giám đốc Deloitte Đông Nam Á, cho rằng càng có nhiều thương vụ M&A thì càng có nhiều thành công và tốt cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại một thực tế, trong các thương vụ M&A, DN tư nhân Việt không có nhiều lợi thế và phần lớn ở “chiếu dưới” trong các đàm phán. Không ít trường hợp bán với giá rẻ, còn bị ép về quản trị, điều hành, dẫn đến DN trong nước phải rút lui hoàn toàn.

Đó là chưa kể sự thiếu am hiểu về pháp lý, thiếu chuyên nghiệp khi làm việc. Do đó, các chuyên gia khuyên rằng, trước khi tính đến M&A, DN trong nước cần nâng cao năng lực quản trị, phát triển thương hiệu... để được định giá DN ở mức có lợi nhất, không nên bán bằng mọi giá để có tài chính mở rộng khi năng lực “lõi” chưa tương xứng.

Sự việc bà chủ trứng gà Ba Huân “kêu cứu” vì lo VinaCapital chiếm quyền điều hành sau khi Quỹ Vietnam Opportunity Fund (VOF) do VinaCapital quản lý đầu tư 32,5 triệu USD mua lại số lượng cổ phần đáng kể của DN này trong thời gian qua là bài học đắt giá cho các DN trong nước khác.

Các tin khác