Động lực tăng trưởng từ tư nhân

(ĐTTCO)-Động lực tăng trưởng của Việt Nam chủ yếu dựa vào tăng trưởng vốn và lực lượng lao động, cả ở khu vực trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chưa dựa nhiều vào tăng trưởng năng suất. Vấn đề đặt ra, để thúc đẩy tăng trưởng và giảm nghèo, đâu là những lĩnh vực cần cải cách để tận dụng cơ hội, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu trầm lắng và căng thẳng thương mại quốc tế tiếp tục diễn ra.
Hiện đại hóa thủ tục hải quan sẽ là một trong những mấu chốt tạo thêm động lực cho DNTN. Ảnh: VIẾT CHUNG
Hiện đại hóa thủ tục hải quan sẽ là một trong những mấu chốt tạo thêm động lực cho DNTN. Ảnh: VIẾT CHUNG
Chính phủ Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ về đổi mới kinh tế và hình thành nhà nước kiến tạo cho môi trường hoạt động của khu vực tư nhân. Ưu tiên đã được đặt đúng chỗ: khu vực tư nhân - cả trong nước và nước ngoài - đã trở thành động lực chính của nền kinh tế khi đóng góp trên 70% GDP và 85% việc làm. 
Năm 2016, có trên 500.000 doanh nghiệp (DN), trong đó gần 97% là DNTN trong nước. Tuy nhiên, nhiều DN hiện nay chưa có đủ quy mô, thiếu tiếp cận công nghệ và vốn để trở thành động lực nâng cao năng suất và tăng trưởng. Điều này sẽ khó phát huy tốt tiềm năng, để góp phần đảm bảo tăng trưởng bền vững trong năm 2019 và cả trong trung hạn.
Cải thiện môi trường, đẩy mạnh liên kết
Cải thiện môi trường hoạt động cho DN là cải cách những quy định liên quan đến chi phí kinh doanh. Theo đó, tiếp tục cắt giảm quan liêu, đem lại quy định có chất lượng tốt và đảm bảo thực thi hiệu lực hiệu quả hơn.
Mặc dù đã có những tiến triển rõ rệt, nhưng Việt Nam còn nhiều điều phải cải thiện về môi trường pháp quy trong những lĩnh vực, như xử lý phá sản, bảo vệ nhà đầu tư, nộp thuế, thương mại quốc tế và thành lập DN. Trong lĩnh vực tạo thuận lợi thương mại, việc nhanh chóng triển khai cơ chế một cửa ASEAN, tiếp tục hiện đại hóa hải quan, đặc biệt là cơ chế kiểm hàng sẽ tạo ra cơ hội để giảm chi phí thương mại. 
Ngoài ra, cải thiện cơ chế cạnh tranh vẫn là nghị trình quan trọng. Luật Cạnh tranh mới ban hành (Luật số 23/2018/QH14) và sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam, nhằm tăng cường cơ chế xử lý các hành vi tham nhũng, là bước đi quan trọng để đẩy mạnh cạnh tranh. Nhưng việc này thành công đến đâu còn phụ thuộc vào mức độ triển khai hiệu quả. Trong một số nội dung, Luật 23/2018 vẫn cần tiếp tục theo kịp thông lệ quốc tế. 
Về đẩy mạnh liên kết, cần thúc đẩy kết nối chặt chẽ hơn, chuyển giao công nghệ và lan tỏa kiến thức giữa DN FDI và DNNVV trong nước trong các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC). Dù Việt Nam được hưởng lợi nhiều khi tham gia các chuỗi GVC, nhưng mô hình hiện nay vẫn do DN FDI dẫn dắt. 
Hiện nay DN Việt Nam chú trọng đầu vào nhập khẩu, dựa vào gia công lắp ráp ở công đoạn cuối cùng, chưa kết nối được nhiều với nền kinh tế trong nước. Bên cạnh đó, thiếu lao động có kỹ năng sẵn sàng làm việc, thiếu thông tin về các tiêu chuẩn và chiến lược của khu vực FDI, đang là những hạn chế mang tính ràng buộc đối với các nhà cung cấp trong nước. Nhìn vào toàn bộ lĩnh vực chế tạo, chế biến, các DN Việt Nam còn thiếu cả kỹ năng quản trị. 
Củng cố nền tảng kinh tế đổi mới sáng tạo
 Cải thiện khả năng kết nối giữa DNNVV với DN FDI là chìa khóa để duy trì và nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng, góp phần hiệu quả tăng năng lực cạnh tranh quốc tế của Việt Nam.
Tăng cường các yếu tố thuận lợi, các ngành dịch vụ quan trọng để hỗ trợ tăng trưởng ở khu vực tư nhân, như hạ tầng công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT), tài chính, kỹ năng, logistics...
Tài chính là yếu tố tạo thuận lợi quan trọng để khu vực tư nhân đầu tư vốn, nên ưu tiên đặt ra là cải thiện hiệu quả trung gian tài chính. Hạ tầng CNTT-TT có vai trò trung tâm để hiện thực hóa cách mạng công nghiệp 4.0, do vậy tăng cường hạ tầng băng thông rộng sẽ tạo điều kiện để sử dụng công nghệ mới, nhằm thích ứng với những mô hình kinh doanh mới.
Về kỹ năng, theo Báo cáo về việc làm tương lai gần đây của Ngân hàng Thế giới, giới trẻ Việt Nam có nền tảng kỹ năng tốt, nhưng lực lượng lao động nói chung có trình độ còn thấp và thiếu hụt kỹ năng nghiêm trọng. Để xử lý các vấn đề này, cần xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực tổng thể và dài hạn, tập trung nhiều hơn vào nhu cầu thị trường, sự tham gia của DN nhà nước.
Mở rộng chương trình đào tạo các kiến thức về công nghệ số, kỹ năng nhận thức bậc cao và kỹ năng hành vi xã hội. Phát triển các phương thức học tập để đào tạo dạy nghề ngắn hạn và học hỏi qua công việc. 
Tóm lại, củng cố nền tảng cho một nền kinh tế định hướng đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay. Để duy trì quỹ đạo tăng trưởng cao, nhằm trở thành quốc gia thu nhập trung bình ở ngưỡng cao, báo cáo Việt Nam 2035 đã chỉ ra nhu cầu phải hỗ trợ khu vực tư nhân trong nước, để có năng lực cạnh tranh và theo định hướng đổi mới sáng tạo.
Nỗ lực chuyển hướng nhằm chú trọng lan tỏa, áp dụng và ứng dụng kiến thức, trong đó đặt DN là trung tâm, là điều kiện thiết yếu để Việt Nam tiếp tục phát huy năng lực cạnh tranh.

Các tin khác