Đưa thủy sản vào Trung Quốc chính ngạch

(ĐTTCO) - Trong khoảng 10 năm trở lại đây, từ một nước chuyên xuất khẩu thủy sản Trung Quốc đã chuyển sang nhập khẩu nhiều mặt hàng này. Sản phẩm tôm và cá tra của Việt Nam cũng được Trung Quốc rất ưa chuộng. Và để giảm rủi ro nhiều DN đang hướng đến xuất khẩu chính ngạch. Xung quanh vấn đề này, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông Trương Đình Hòe (ảnh), Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP). 
PHÓNG VIÊN: - Tôm và cá tra những năm qua có mức tăng trưởng xuất khẩu qua Trung Quốc rất tốt, đặc biệt thị trường này rất thích tôm sú Việt Nam. Nhưng lý do nào khiến xuất khẩu tôm giảm mạnh trong năm 2018 và kỳ vọng năm nay ra sao, thưa ông? 
Ông TRƯƠNG ĐÌNH HÒE: - Nhìn vào bức tranh nhập khẩu thủy sản chung của thị trường Trung Quốc sẽ thấy thị trường này lớn như thế nào. Trong vòng 5 năm qua, giá trị nhập khẩu của thị trường này tăng trưởng 14%/năm, khối lượng tăng 6%/năm. Hiện Trung Quốc nhập khẩu 3 triệu tấn thủy sản mỗi năm.
Ngoài ra họ còn có nguồn cung từ sản phẩm thủy sản nuôi trồng và khai thác trong nước. Nhưng mức tăng trưởng vẫn chưa dừng ở đó, do tầng lớp trung lưu của nước này đang ngày một tăng nhanh, họ ưa chuộng những sản phẩm nhập khẩu, nhất là những sản phẩm đã được thị trường Mỹ và châu Âu công nhận
. Đó chính là lý do tôm sú và cá tra của Việt Nam đang rất được lòng người tiêu dùng nơi đây. Và cũng trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào Trung Quốc rất mạnh, có năm tăng đến 50%. 
Đưa thủy sản vào Trung Quốc chính ngạch ảnh 1
Song năm 2018 lại có sự sụt giảm rõ nét là do Bắc Kinh đang ngày càng siết chặt hơn hoạt động nhập khẩu qua đường tiểu ngạch, siết chặt hơn vấn đề an toàn thực phẩm. Ngoài ra, tôm Việt Nam cũng phải cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm tôm từ Ấn Độ hay Ecuador.
Tuy nhiên, trong năm nay chúng tôi kỳ vọng tôm sang thị trường này sẽ tăng trưởng trở lại ở mức cao với kim ngạch khoảng 700 triệu USD và tăng trưởng 42% so với năm 2018, một phần do Trung Quốc đang giảm sản lượng nuôi trồng. Nhưng để làm được DN cần nâng cao chất lượng và đặc biệt chú ý đến các yêu cầu về bao bì sản phẩm. 
- Trung Quốc hiện là nhà nhập khẩu thủy sản lớn thứ 4 của Việt Nam, song chủ yếu chúng ta vẫn xuất khẩu tiểu ngạch. Việc xuất khẩu chính ngạch sẽ được định hướng như thế nào? 
- Trong thời gian từ năm 2013-2017, Việt Nam vẫn xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc là chính. Một thí dụ cho thấy rõ nhất điều này đó chính là trong bảng thống kê của Trung tâm Thương mại quốc tế ITC, trong năm 2017 Việt Nam nằm trong top 10 nước xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc nhưng chỉ chiếm thị phần rất nhỏ, khoảng 3% với 230 triệu USD kim ngạch.
Nhưng theo Hải quan Việt Nam, nước ta đã xuất được 1,2-1,3 tỷ USD và là nguồn cung lớn thứ 3 tại thị trường này. Có sự chênh lệch này do việc xuất khẩu qua đường biên mậu chưa đưa vào thống kê chung của Hải quan Trung Quốc. 
Tuy nhiên từ năm 2018, việc Trung Quốc siết chặt hơn vấn đề an toàn thực phẩm cũng như hoạt động nhập khẩu biên mậu, cũng chính là cơ hội để DN Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu qua thị trường này bằng con đường chính ngạch qua tàu biển. Nếu như trước đây nhiều người vẫn có quan niệm thị trường Trung Quốc dễ tính thì nay cần phải thay đổi.
Trung Quốc đang có những tiêu chuẩn ngày càng khắt khe hơn với sản phẩm nhập khẩu, thậm chí có những yêu cầu còn cao hơn nhiều quốc gia phát triển khác. Bên cạnh đó, thuế nhập khẩu của Trung Quốc đang điều chỉnh theo hướng tích cực cho nhập khẩu chính ngạch. Cụ thể từ ngày 1-7-2018, Trung Quốc giảm thuế nhập khẩu thủy sản cho Việt Nam. 
Đặc biệt, việc xuất khẩu bằng đường biển, nhất là ở khu vực phía Nam, chi phí đang rẻ hơn nhiều so với trước đây. Hầu hết các DN đã chuyển từ hình thức vận chuyển bằng đường bộ (từ các tỉnh phía Nam ra biên giới phía Bắc và từ đó nhập vào Trung Quốc) qua đường biển. Hiện nay, chuyển hàng trực tiếp làm thủ tục hải quan tại kho của nhà máy, sau đó chuyển container ra Cát Lái, từ Cát Lái sẽ có tàu chở đi Hải Phòng hoặc Quảng Ninh. Từ đó bắt đầu chuyển tiếp bằng đường biển qua các tỉnh nội địa của Trung Quốc để tiêu thụ hàng.
Việc xuất khẩu bằng đường biển là hình thức xuất khẩu chính ngạch 100%, giúp DN tránh rủi ro về thanh toán với các nhà nhập khẩu, từng bước làm theo thông lệ quốc tế, chi phí rẻ hơn. Quan trọng hơn, đi đường biển sẽ giảm rủi ro liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo chất lượng hàng hóa nhất là các sản phẩm đông lạnh. 
- Để tăng trưởng xuất khẩu tốt hơn nữa vào thị trường Trung Quốc, có cần thêm sự trợ lực nào của các cơ quan chức năng hay không? 
- Sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, của Nhà nước là vấn đề không thể không nhắc tới. Trước hết là việc cơ quan chức năng Việt Nam cần đàm phán với phía Trung Quốc trong việc mở rộng danh mục sản phẩm xuất khẩu cho thủy sản.
Hiện nay, có những mặt hàng thủy sản phía Trung Quốc có nhu cầu, Việt Nam hoàn toàn cung ứng được, nhưng hai bên không thể xuất nhập do mặt hàng đó không nằm trong danh mục được phép nhập khẩu của Trung Quốc.
Hiện phía các DN cũng như VASEP đang tiếp tục có thêm nhiều kiến nghị với cơ quan chức năng xung quanh vấn đề này. Ngoài ra, các DN rất mong cơ quan chức năng có những cơ chế phối hợp các bên để thông tin kịp thời hơn cho DN nhằm tránh trường hợp ra tới cửa khẩu mới biết quy định mới do thiếu thông tin.
Đơn cử quy định về ghi nhãn bao bì mới đây, nhiều DN không hề nắm được thông tin nên khi ra tới cửa khẩu trở tay không kịp, bị thiệt hại. 
- Xin cảm ơn ông.
 Song hành với việc Trung Quốc siết nhập khẩu biên mậu, Việt Nam cũng cần quản lý việc cấp và kiểm tra chứng thư chất lượng trước khi cho xuất khẩu. Nếu không siết chặt sẽ ảnh hưởng đến cạnh tranh. Hiện một số thương lái thu mua nguyên liệu sau đó đem gia công, chất lượng không đảm bảo khi xuất qua Trung Quốc theo đường biên mậu, sẽ ảnh hưởng chung đến uy tín của toàn ngành thủy sản Việt Nam. 

Các tin khác