Giấc mơ mạng xã hội Việt Nam

(ĐTTCO) - VCNET, Hahalolo là 2 mạng xã hội vừa được công bố ra mắt với mục tiêu rõ ràng, đảm nhận vai trò phục vụ chiến lược phát triển của từng đơn vị, doanh nghiệp. Đây cũng là lúc nhìn lại “phong trào” mạng xã hội Việt Nam trong những năm qua để thấy xây dựng mạng xã hội không phải là chuyện dễ dàng.
Những nỗ lực mới
Mạng xã hội VCNET được Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp cùng Viettel vừa công bố ra mắt đã gây chú ý cộng đồng mạng. VCNET là hệ thống Thông tin điện tử Tuyên giáo, giúp quản lý điều hành tác nghiệp toàn bộ công tác của ngành tuyên giáo toàn quốc, chuyển từ giấy sang điện tử, tin học hóa hầu hết công việc hàng ngày, ứng dụng chữ ký số, chatbot thông minh.
Ước tính, hệ thống sẽ giúp tiết kiệm ít nhất 50% thời gian giải quyết công việc, giảm khoảng 90% thời gian luân chuyển văn bản và chi phí xử lý, lưu trữ văn bản. Quan trọng nữa, VCNET tạo không gian tương tác, giao tiếp với cộng đồng, có đầy đủ các tính năng như viết bài, bình luận, chia sẻ bài viết hoặc có thể đăng ảnh trong đó…  
Tương tự, mới đây tại TPHCM, Công ty cổ phần Mạng xã hội du lịch Hahalolo ra mắt mạng xã hội du lịch Hahalolo có các chức năng cơ bản cho phép người dùng kết bạn, giao lưu và trò chuyện trực tuyến. Người dùng Hahalolo có thể tương tác với nhau thông qua những tính năng đăng bài, bình luận, chia sẻ, bộc lộ cảm xúc. Ông Nguyễn Văn Hạ, Tổng giám đốc Hahalolo, đặt mục tiêu đạt 2 tỷ người dùng cả tại Việt Nam và toàn thế giới đến năm 2024. 
Giấc mơ mạng xã hội Việt Nam ảnh 1 Mạng xã hội Hahalolo vừa ra mắt với mục tiêu phải “giật mình”.
Công ty TNHH Công nghệ mạng thông tin Việt Nam (đơn vị sở hữu ứng dụng đọc thông tin VN Ngày nay) cũng vừa cho biết, sau 2 năm ra mắt, ứng dụng VN Ngày nay đã đạt đến 32 triệu lượt tải, đứng thứ nhất bảng xếp hạng các ứng dụng đọc tin tức trên AppStore và Google Play.
VN Ngày nay là một nền tảng mạng xã hội thông tin, ngoài những nội dung từ các trang tin truyền thống, đang phát triển dạng nội dung UGC (user generated content) - nội dung do người dùng tạo ra và trên đó còn có game để kiếm tiền xu có thể chuyển đổi sang những sản phẩm có giá trị tiêu dùng. Phía VN Ngày nay cũng cho biết, ứng dụng đọc thông tin VN Ngày nay được phát triển dựa trên nền tảng AI và Big Data… và dĩ nhiên dữ liệu người dùng mới chính là mục tiêu lớn của mạng xã hội thông tin này. 
Giấc mơ còn dang dở
“Đánh bại” Facebook đã như một mục tiêu tối thượng của các đơn vị làm mạng xã hội Việt Nam. Đình đám nhất là VTC với mạng Việt Nam Go.vn ra mắt vào tháng 5-2010. Đây là một dự án được đầu tư rất lớn từ kỹ thuật lẫn truyền thông. Khi ra mắt, Go.vn được kỳ vọng là mạng hàng đầu của Việt Nam về giáo dục, giải trí, giao tiếp trực tuyến, đồng thời cũng tuyên bố sẽ vượt qua Facebook tại Việt Nam ở số lượng người dùng nhưng sau đó mau chóng thất bại, chuyển thành một trang tin tức tổng hợp thuộc Tổng công ty Truyền thông Đa phương tiện Việt Nam VTC.
Trong gần chục năm về trước, làn sóng mạng xã hội nở rộ ở Việt Nam. FPT Online cũng không đứng ngoài cuộc chơi, khi họ quyết định tung ra thị trường mạng xã hội Banbe.net. So với Zing Me hay Go.vn, mạng xã hội Banbe.net có lượng người tham gia rất hạn chế và rồi dần dần rơi vào lãng quên.
Hay khi Yahoo!360 đóng cửa, Tamtay.vn của Công ty cổ phần TamTay và Yume.vn của VON là 2 dịch vụ mạng xã hội ra đời với tham vọng thay thế “người khổng lồ” này. Thế nhưng, các mạng xã hội này vẫn không thể phát triển mạnh lên được và nguyên nhân chính vẫn là do người dùng lúc này đã thay đổi thói quen viết blog, thay vào đó họ thích các mạng chia sẻ như Facebook là chính.
Hiện còn lại mạng xã hội Zalo đã có trên 100 triệu người dùng. Zalo không chỉ đáp ứng nhu cầu liên lạc mà còn là nền tảng được các cơ quan nhà nước sử dụng để xây dựng chính quyền 4.0. Đến nay có hơn 20 tỉnh thành trên cả nước chọn Zalo làm công cụ để giải quyết các thủ tục hành chính và tương tác với người dân.
Chính thức ra mắt vào 12-2012,  Zalo có một triệu người dùng đầu tiên vào 3-2013, đạt mốc 100 triệu người dùng sau 5 năm 5 tháng. Tính ra mỗi ngày, ứng dụng này giúp người dùng gửi/nhận khoảng 900 triệu tin nhắn, 50 triệu phút gọi, 45 triệu hình ảnh…
Không chỉ vậy vào tháng 6-2016, Zalo bắt đầu phát hành phiên bản địa phương đầu tiên ở thị trường Myanmar và thu hút 2 triệu người dùng chỉ sau 4 tháng. Tuy vậy, muốn tồn tại, Zalo phải thay đổi, hướng dịch vụ vào các đơn vị hành chính công, chứ không chỉ đơn thuần là mạng xã hội Việt Nam.
Từ thực tiễn hiện nay để thấy rằng, xây dựng một mạng xã hội Việt Nam hiệu quả, có tính tương tác cao, rộng mở, lan tỏa sánh ngang các mạng xã hội quốc tế như Facebook không phải đơn giản. Nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta dập tắt ước mơ, kỳ vọng.
 Giải thích sự thất bại của các mạng xã hội ở Việt Nam, một chuyên gia trong ngành cho biết, nguyên nhân là do Facebook quá sáng tạo, các mạng xã hội trong nước khi ra đời cũng không chịu nổi kết nối quá mạnh của mạng xã hội này khi nó trở thành một hiệu ứng trên toàn cầu. Vì vậy, các mạng xã hội Việt Nam muốn lớn mạnh thì cần có sự mới mẻ liên tục, song song với khả năng tài chính lẫn tài năng công nghệ, mới mong mục tiêu thành hiện thực. 

Các tin khác