Tiêu chí hàng Việt thời toàn cầu hóa

Hàng Việt không thể ngoài chuỗi liên kết

(ĐTTCO)-LTS: Vụ việc Asanzo nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc về lắp ráp rồi bán sản phẩm ra thị trường với tem nhãn "made in Vietnam" đang gây bức xúc dư luận khi cho rằng đây là hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt, tức Asanzo đã lừa dối người tiêu dùng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác cho rằng hàng Việt Nam là sản phẩm hàng hóa được sản xuất, lắp ráp và các dịch vụ được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam, dù nguyên liệu, linh kiện là nhập khẩu… 
Qua đây cho thấy, quy định hàng hóa thế nào được gắn nhãn "made in Vietnam" đến nay vẫn chưa có tiêu chí rõ ràng. Từ số báo này, ĐTTC mở mục “Tiêu chí hàng Việt thời toàn cầu hóa” để các chuyên gia, nhà sản xuất bày tỏ quan điểm của mình, nhằm làm rõ khái niệm về sản phẩm "made in Vietnam".
“Trong nền kinh tế theo chuỗi liên kết, việc doanh nghiệp (DN) phải nhập linh kiện từ nước khác là điều không thể tránh khỏi, và hàng hóa chỉ “made in Việt Nam” đúng nghĩa khi ngành công nghiệp phụ trợ (CNPT) của Việt Nam phải thực sự mạnh”. Đó là nhận định của ông HOÀNG MẠNH TÂN (ảnh), Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sơn Hà, khi trao đổi với ĐTTC về hàng hóa gắn nhãn “made in Việt Nam”.
Hàng Việt không thể ngoài chuỗi liên kết ảnh 1
PHÓNG VIÊN: - Ông nhận xét thế nào về sản phẩm của Công ty Asanzo chủ yếu nhập kinh kiện từ nước ngoài song lâu nay vẫn được cho là hàng Việt Nam chất lượng cao?
Ông HOÀNG MẠNH TÂN: - Ở đây có 2 vấn đề cần phân biệt rõ. Thứ nhất, theo quy định hiện hành nếu đạt 40% tổng giá trị sản phẩm làm tại Việt Nam, sản phẩm đó đủ tiêu chuẩn để dán nhãn “made in Việt Nam”.
Nhưng thực tế sản phẩm của Asanzo chỉ làm được 10-20%, tức chưa đạt tiêu chuẩn nên không thể được xem là sản xuất tại Việt Nam. Nếu sản phẩm của Asanzo xin cấp chứng nhận xuất xứ “made in Vietnam” để xuất khẩu, phải cung cấp các thông tin chứng minh sản phẩm đó được sản xuất tại Việt Nam. Và như vậy, với trường hợp của Asanzo sẽ không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, chỉ có thể tiêu thụ ở thị trường nội địa.
Thứ hai, vấn đề dán nhãn mác cho sản phẩm. Hiện nay, đa số nhà sản xuất của Việt Nam phải mua vật tư của nước ngoài. Trung Quốc là công xưởng lớn nhất thế giới về CNPT, sản xuất các phụ kiện, chúng ta mua là đương nhiên. Sản phẩm điện thoại iPhone của Apple cũng chủ yếu sản xuất ở Trung Quốc.
DN Việt Nam nhập linh kiện hay vật tư của Trung Quốc về để lắp ráp là điều bình thường, cả thế giới đều làm thế. Vấn đề của Asanzo là quảng cáo không đúng sự thật, khi nói là hàng Việt Nam chất lượng cao nhưng không sản xuất một phần nào của sản phẩm, hoàn toàn là nhập khẩu và lắp ráp, thậm chí nhập khẩu về rồi bán luôn.
Ở góc độ kinh tế, việc này giúp sản phẩm của DN có giá cạnh tranh trên thị trường, song không có tính bền vững.
Bây giờ là thời của nền kinh tế mở và kết nối theo chuỗi giá trị toàn cầu. Nghĩa là các quốc gia không làm ra 1 sản phẩm từ A đến Z, mà phân công nhau làm. Bởi như vậy DN mới tối ưu hóa được lợi nhuận và hiệu quả kinh tế cao. 
Hàng Việt không thể ngoài chuỗi liên kết ảnh 2 Dây chuyền lắp ráp sản phẩm Asanzo với quy trình không sai, nhưng không công bố sản phẩm có xuất xứ không rõ ràng.
- Nhưng những sản phẩm hàng hóa sử dụng linh kiện nhập từ Trung Quốc vẫn khiến người tiêu dùng e ngại, và điều này có mâu thuẫn với chủ trương xây dựng thương hiệu Việt với sản phẩm nội địa hóa, thưa ông?
- Hiện nay, về mặt xã hội có tâm lý chung cho rằng hàng Trung Quốc không tốt, linh kiện không đảm bảo chất lượng. Điều này đúng đối với những hàng giá rẻ nhập theo tiểu ngạch bởi những nhà phân phối, công ty trong nước không đảm bảo uy tín, khi về nước lắp ráp tất nhiên sản phẩm sẽ kém chất lượng.
Nhưng nếu linh kiện vật tư của Trung Quốc được nhập bởi các DN có uy tín sẽ sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng. 
Điều tôi muốn nhấn mạnh chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận rằng nền CNPT của Trung Quốc phát triển rất bài bản, đầu tư lớn về nguyên vật liệu, nhân công, chính sách…
Thí dụ, họ đã chuẩn bị kỹ cho ngành thép, từ chế biến luyện kim, đến nhà máy sản xuất các phụ kiện thành phẩm, để bán cho các nhà máy sản xuất sản phẩm chi tiết như bulon, ốc vít… Đây là yếu tố giúp Trung Quốc thành công xưởng lớn của thế giới.
Trong khi đó, nền CNPT của Việt Nam lại rất kém phát triển, thậm chí có thể nói chưa có. Đây là điểm yếu của nền kinh tế chúng ta. Ở góc độ kinh tế, Việt Nam vẫn nói chủ trương xây dựng và phát triển CNPT, song đến giờ vẫn không làm được vì chúng ta không thể cạnh tranh được với Trung Quốc, đó là chưa kể chúng ta làm manh mún, rời rạc.
Đã có lúc Việt Nam rất muốn phát triển CNPT để cung cấp sản phẩm linh kiện cho các công ty trong nước, liên doanh nước ngoài đang sản xuất tại Việt Nam, nhưng chúng ta không làm được. Muốn nội địa hóa sản phẩm, ngoài các yếu tố đầu vào như nguyên, vật liệu còn phải chủ động về vật tư, linh kiện, trong khi CNPT của ta vẫn chưa đáp ứng được điều này.
- Hiện nay nhiều DN Việt nhập linh kiện nước ngoài để sản xuất, lắp ráp sản phẩm. Do đó, nếu xem những sản phẩm này không phải là hàng Việt Nam sẽ có nhiều DN không đảm bảo được tiêu chí?
 Trong môi trường kinh tế liên kết theo chuỗi giá trị, người tiêu dùng đến lúc nào đó sẽ không quan tâm đến xuất xứ, mà chú ý nhiều hơn đến ai cung cấp sản phẩm đó, nhà cung cấp đó có uy tín không, bảo hành và chất lượng sản phẩm có tốt và giá thành phù hợp.
- Trong vụ việc của Asanzo vừa qua, sau khi dư luận lên tiếng, cơ quan chức năng đã chỉ đạo “làm điểm”, có thể hơi nóng vội. Bởi trong quá trình họ nhập khẩu linh kiện cơ quan quản lý biết, tức họ không nhập lậu, khai đúng xuất xứ, đúng với thủ tục hải quan.
Vấn đề ở đây là khâu công bố sản phẩm sản xuất ở đâu cần có quy định rõ ràng hơn. Bởi nếu áp dụng như hiện nay, hầu hết DN sản xuất trong nước sẽ rất lung túng, không biết có nên nhập linh kiện để sản xuất. Nếu không nhập sẽ khó có được sản phẩm có giá cạnh tranh. 
Vụ việc của Asanzo nếu chúng ta nóng vội sẽ không ổn. Thí dụ, Apple là hãng điện thoại của Mỹ, nhưng 90% linh kiện được sản xuất và cung cấp bởi Trung Quốc, chỉ có chip và phần mềm hệ điều hành của hãng. Nếu lý luận một cách thông thường rằng iPhone là điện thoại của Trung Quốc, đó là điều vô lý.
Hay đối với sản phẩm của Tập đoàn Sơn Hà, ngoài linh kiện chính nhập từ Hàn Quốc, chúng tôi vẫn có sản phẩm có sử dụng linh kiện nhập từ Trung Quốc. Nhưng chúng tôi ghi rõ là nhập từ Trung Quốc để cấu thành sản phẩm sản xuất. 
- Từ thực tế kinh doanh, theo ông cần tháo gỡ vướng mắc gì trong vấn đề xác định tiêu chuẩn hàng Việt Nam?
- Phải quy định rõ sản phẩm như thế nào được dán nhãn mác loại nào. Hiện nhiều sản phẩm thương hiệu Việt vẫn phải mua linh kiện từ Trung Quốc. Vấn đề là nguyên vật liệu đầu vào phải đảm bảo chất lượng, với giá thành sản phẩm tốt, phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam.
Ở góc độ DN, họ có quyền nhập khẩu linh kiện và lắp ráp thành sản phẩm. Nhưng DN nhập linh kiện từ nước này lại ghi ở nước khác, hay lại nói là do mình sản xuất toàn bộ, là sai.
Hiện nay, do tiêu chuẩn chưa rõ ràng khiến các DN khó khăn trong việc xác định như thế nào là sản xuất tại Việt Nam, lắp ráp tại Việt Nam hay chế tạo tại Việt Nam... đòi hỏi chúng ta phải áp dụng theo các tiêu chuẩn của quốc tế. Cụ thể, có bộ tiêu chuẩn ghi rõ ràng sản phẩm thuộc loại nào, được lắp ráp hay sản xuất, chế tạo tại nhà máy nào, các linh kiện được nhập khẩu từ đâu, gồm những gì…
Luật  chúng ta đã có, điều cần làm là cụ thể hóa luật hơn nữa. Đặc biệt, thống nhất quan điểm giữa các bộ, ngành, cơ quan chức năng khi cùng ra những văn bản quy định dưới luật. 
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác