Nâng chất doanh nghiệp

(ĐTTCO) - Chính phủ đặt mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp (DN) hoạt động hiệu quả vào năm 2020. Tuy nhiên, hiện cả nước mới có khoảng 600.000 DN đang hoạt động, do đó, để đạt được mục tiêu trên, 2 năm tới, mỗi năm phải có bình quân 200.000 DN mới ra đời.
Nhiệm vụ gần như là bất khả thi, thể hiện qua việc tốc độ thành lập DN mới đang giảm dần và khoảng 5 triệu hộ kinh doanh lại “không muốn lớn” (trong khi xét về bản chất, khu vực này đã là DN, đang đóng góp tới 30% GDP). Song, câu chuyện số lượng DN dường như không thật sự quan trọng nếu nhìn vào số lượng DN nhỏ “li ti” ở Việt Nam đang chiếm số lượng áp đảo. 
Một báo cáo mới đây mang tên “Kinh tế tư nhân Việt Nam (KTTN) - Năng suất và Thịnh vượng” được thực hiện với sự hỗ trợ của Sáng kiến hỗ trợ khu vực tư nhân vùng Mê Công (MBI) đã chỉ ra nhiều bất cập của khu vực KTTN hiện nay, đặc biệt là vấn đề về năng suất. Trong đó, gắn liền với câu chuyện năng suất chính là tình trạng DN có quy mô nhỏ.
Số liệu thống kê cho thấy, năm 2017, có 97,3% DN khu vực tư nhân trong nước có quy mô siêu nhỏ và nhỏ. Các DN lớn chỉ chiếm 1,3% tổng số. Lý do khiến DN ngại ngần lớn, theo Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn, nguyên nhân nằm nhiều nhất ở thủ tục thuế, kế toán. Khi chuyển lên thành DN, hồ sơ thuế, kế toán phức tạp hơn, chi phí lớn hơn, trong khi đó, hoạt động dưới hình thức hộ kinh doanh thì được thực hiện theo mức thuế khoán, lập sổ sách ít hơn và có “không gian” để thỏa thuận với cán bộ thuế lớn hơn.
Nâng chất doanh nghiệp ảnh 1 2 năm tới, mỗi năm phải có bình quân 200.000 DN mới ra đời. 
Hiện tượng thiếu doanh nghiệp cỡ vừa là điều đáng quan ngại vì như vậy sẽ không có nhiều DN quy mô vừa sẽ phát triển thành DN quy mô lớn trong trung hạn. Theo nghiên cứu “Kinh tế tư nhân Việt Nam (KTTN) - Năng suất và Thịnh vượng”, DN có quy mô sẽ góp phần chuyên môn hóa, cải thiện trình độ hoạt động, tăng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, vào công nghệ và đổi mới, sáng tạo - tất cả các yếu tố có tính chất quyết định đối với việc nâng cao năng suất. Quy mô DN nhỏ sẽ khiến DN khó cải thiện phương thức sản xuất kinh doanh, không thể hiện thực hóa được các tiềm năng để nâng cao năng suất của mình.
Dữ liệu tổng hợp từ 100 công ty tư nhân hàng đầu được niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam cho thấy, doanh thu trên mỗi đơn vị lao động và lợi nhuận trên mỗi đơn vị lao động của các DN này tăng đều đặn trong giai đoạn 2012-2016. Doanh thu trên mỗi đơn vị lao động của 100 DN hàng đầu đã tăng từ 1,5 tỷ năm 2012 lên 2,27 tỷ đồng trong năm 2016 và lợi nhuận trên mỗi đơn vị lao động cũng tăng gấp 2 lần, từ 92,6 triệu trong năm 2012 lên 190,4 triệu đồng vào năm 2016. Xu hướng tăng trưởng ổn định về năng suất của các DN lớn tương phản hoàn toàn với xu hướng giảm của năng suất lao động của toàn bộ khu vực DN tư nhân trong nước, với DN nhỏ chiếm tỷ trọng áp đảo.
Số lượng DN lớn của Việt Nam tương đối ít ỏi, với hơn 7.000 DN tính đến cuối năm 2017. Mặc dù vậy, quy mô trung bình của các DN lớn trong khu vực tư nhân của Việt Nam cũng nhỏ bé hơn rất nhiều so với mức trung bình tại các quốc gia khu vực.
Ví dụ, số liệu thống kê của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán - những đại diện tiêu biểu nhất cho các DNTN lớn ở Việt Nam - cho thấy, quy mô vốn hóa trung bình của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán của Việt Nam chỉ là 186 triệu USD/công ty vào năm 2018. Mức quy mô vốn này thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình 1,2 tỷ USD/công ty tại Philippines, 1,07 tỷ USD/công ty tại Singapore, 835 triệu USD/công ty tại Thái Lan, 809 triệu USD/công ty tại Indonesia và 553 triệu USD/công ty tại Malaysia tính đến thời điểm cuối tháng 4-2018.
Do đó, nhiều chuyên gia khuyến nghị, bên cạnh giải pháp đột phá là xây dựng chính sách chế độ kế toán và thuế thật đơn giản, dễ áp dụng cho các DN nhỏ và siêu nhỏ như các nước đã làm để DN “chịu lớn” thì cũng cần khuyến DN quy mô vừa thành các DN lớn.
Ưu tiên của chính sách phát triển DN khu vực tư nhân nên tập trung vào chất lượng hơn là chỉ dựa trên số lượng DN được đăng ký thành lập hàng năm. Nâng chất DN thực sự có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi bên cạnh góp phần quan trọng cải thiện về năng suất, các DN lớn còn đóng vai trò là công ty dẫn đầu dẫn dắt hoặc thúc đẩy tăng trưởng của cả một ngành hoặc một cụm DN mà Vingroup, THACO, TH True Milk, Hòa Phát… đang thể hiện.
Tình trạng thiếu DN cỡ vừa ở Việt Nam có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Đó là quá trình tích tụ vốn bằng nguồn nội lực của các DN tư nhân trong nước diễn ra với tốc độ chậm chạp do lợi nhuận thấp và thua lỗ triền miên, thiếu chính sách hỗ trợ quá trình tích tụ vốn, các quy định về thuế không phù hợp và thiếu tính khuyến khích thiếu tầm nhìn kinh doanh dài hạn, chi phí môi trường kinh doanh cao…
Thực trạng thiếu vắng các doanh nghiệp quy mô vừa là một vấn đề cần được ưu tiên giải quyết. Do vậy, các biện pháp chính sách nhằm tăng cường mối liên kết giữa các DN tư nhân trong nước, các DN đầu tư nước ngoài và DN nhà nước cần được ban hành và thực thi. Cùng với đó, các biện pháp nhằm xử lý thiếu vắng các DN quy mô vừa cần được hỗ trợ bởi các biện pháp và chính sách nhằm thúc đẩy tích tụ vốn, khuyến khích sự tăng trưởng về quy mô của các DN tư nhân.

Các tin khác