Nếu gỡ “thẻ vàng”, ngành thủy sản thắng lớn

(ĐTTCO) - 10 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu là con số được ngành thủy sản đề ra cho năm 2019 này. Song để có thể đạt được mục tiêu ấy, trong từng nhóm ngành đều có các vấn đề cần phải được giải quyết. Để tìm hiểu rõ hơn, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep).
PHÓNG VIÊN: - Được biết trong 10 tỷ USD kim ngạch toàn ngành, hải sản sẽ lãnh trách nhiệm 3,5 tỷ USD. Nhưng với “thẻ vàng” còn lơ lửng bài toán này sẽ được giải quyết như thế nào? Liệu trong năm 2019 chúng ta có thể gỡ được “thẻ vàng” hay không, thưa ông?
Ông TRƯƠNG ĐÌNH HÒE: - Trước hết phải khẳng định, tuy bị “thẻ vàng” nhưng về nguyên tắc các DN vẫn xuất khẩu hàng hóa của mình bình thường, nên trong năm 2018 riêng hải sản cũng mang về kim ngạch 3 tỷ USD.
Tuy nhiên, chúng ta cũng đang nỗ lực hết sức để có thể gỡ “thẻ vàng”, tôi tin rằng với sự vào cuộc đồng bộ từ Chính phủ đến các cơ quan ban ngành, các hiệp hội, DN… năm 2019 ngành hải sản kỳ vọng sẽ gỡ được “thẻ vàng”.
Bởi từng khuyến nghị của EC đều được phía Việt Nam giải quyết một cách cụ thể và có những cải thiện đáng ghi nhận. Và khi thẻ vàng được gỡ, chắc chắn xuất khẩu hải sản sẽ có chiều hướng tăng trưởng tốt hơn, vì nó tạo được niềm tin không chỉ ở thị trường châu Âu mà còn ở nhiều thị trường khác mà chúng ta đưa hàng hải sản tới như Nhật Bản. 
Nếu gỡ “thẻ vàng”, ngành thủy sản thắng lớn ảnh 1 Năm 2019, xuất khẩu tôm đặt mục tiêu 4,2 tỷ USD. 
- Một mặt hàng chủ lực khác là tôm trong năm 2018 đã không hoàn thành kỳ vọng nhưng năm 2019 lại được hy vọng sẽ mang về 4,2 tỷ USD. Cơ sở nào để tôm vẫn được kỳ vọng nhiều như vậy? 
- Đúng là trong năm 2018 ngành tôm Việt Nam đã không vượt qua con số 4 tỷ USD, nhưng đây là do yếu tố khách quan giá cả thị trường, còn thực tế con tôm vẫn còn rất nhiều tiềm năng xuất khẩu. Chính vì thế, 2019 chúng tôi đặt ra mục tiêu khá tham vọng là 4,2 tỷ USD.
Cũng có những cơ sở cho sự kỳ vọng này, như tại thị trường châu Âu trong năm 2019 đang có những dấu hiệu thuận lợi. Đặc biệt nếu Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu sớm có hiệu lực, thì lực đẩy của thị trường này còn lớn hơn, từ đó trở thành động lực để kéo hoạt động xuất khẩu thủy sản sang các thị trường khác được hiệu quả hơn.
Ngành tôm sẽ cố gắng để đạt kim ngạch 1 tỷ USD vào châu Âu thông qua việc tăng cường tiếp thị hình ảnh của mình, và đưa các sản phẩm tôm Việt Nam hướng đến tiêu chuẩn ASC của châu Âu. 
Vấn đề kháng sinh trong nuôi tôm cũng sẽ là vấn đề chúng ta cần tập trung giải quyết, để tôm có thể tiếp tục đến nhiều thị trường khó tính. Để giải quyết vấn đề này cần có sự vào cuộc đồng bộ từ khâu con giống, thức ăn đến việc nâng cao nhận thức cho người nuôi. Các cơ quan quản lý nhà nước cần có những biện pháp quyết liệt hơn, có sự quan tâm đến toàn chuỗi.
Bên cạnh đó, vấn đề gắn kết giữa DN và người nuôi tôm cũng ngày càng phải thắt chặt hơn để nhiều vấn đề có thể nằm trong tầm kiểm soát. Nhiều DN ngành tôm cũng đang có những giải pháp cải tiến trong nuôi trồng để mang lại hiệu quả cao nhất cho con tôm Việt Nam.
Hiện nay ngành tôm Việt Nam cũng đang chịu cạnh tranh rất lớn từ các đối thủ đến từ Thái Lan, Ấn Độ. Chính vì thế cần có nhiều giải pháp đồng bộ để có tôm Việt đủ sức vươn lên. 
- Riêng với con cá tra, sau khi phá kỷ lục mang về 2,26 tỷ USD, năm nay nhiệm vụ của cá tra sẽ như thế nào, thưa ông? 
- Năm 2018 con cá tra Việt Nam đã đạt được kỷ lục, vì thế trong năm mới toàn ngành không quá đặt nặng mục tiêu mà chỉ muốn duy trì ở mức 2,3 tỷ USD (chỉ nhỉnh hơn một chút so với năm ngoái), thay vào đó là củng cố chất lượng nhằm tạo ra vị thế ổn định cho con cá tra Việt Nam, nhất là tại một số thị trường như Mỹ hay châu Âu nơi đang có sự phục hồi đáng kể. 
Nhìn lại năm 2018 đã có 3 điểm nổi bật giúp doanh số cá tra đạt con số ấn tượng. Thứ nhất, chủ động cân đối cung - cầu nguyên liệu, không còn hiện tượng tự phát như trước đây. Đã có sự gắn kết chặt chẽ giữa DN và người nuôi giúp ổn định nguyên liệu và giữ được giá cao khi xuất khẩu.
Thứ hai, chúng ta đã có những thành công bước đầu trong quản lý các yếu tố đầu vào trong sản xuất cá tra như con giống, quản lý chế phẩm. Điều này được minh chứng qua việc Bộ Nông nghiệp Mỹ đã cơ bản công nhận tương đương cho con cá tra Việt Nam, đó cũng là cơ sở để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Mỹ với kim ngạch mỗi năm khoảng 500.000 USD, một con số không hề nhỏ.
Thứ ba, chúng ta đã định vị theo hướng tích cực với thị trường Trung Quốc, thông qua việc gia tăng hàng hóa xuất khẩu bằng đường biển trực tiếp thay vì đi đường biên mậu như trước đây. Điều này giúp cho thị trường có những bước ổn định, DN an tâm xuất khẩu hơn. 
Trong năm nay, theo tôi ngành cá tra phải tiếp tục duy trì những thế mạnh này, đồng thời tăng cường đầu tư nghiên cứu làm ra những sản phẩm có hàm lượng chế biến tốt hơn để không thuộc diện bị chi phối bởi thuế chống bán phá giá, một thách thức không nhỏ cho cá tra Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ nhiều năm nay. 
- Xin cảm ơn ông.
 Năm nay ngành hải sản được giao nhiệm vụ mang về 3,5 tỷ USD, trong đó riêng con cá ngừ được kỳ vọng mang về 1 tỷ USD. Hiện nay, với con cá ngừ các yếu tố như sản xuất, chế biến và thị trường tiêu thụ đều tương đối tốt. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần tìm giải pháp hợp lý cho vấn đề nhập khẩu nguyên liệu để chế biến hoặc gia công. 

Các tin khác