Phải tự bơi ra “biển lớn” CPTPP

(ĐTTCO) - Hôm nay 5-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Trước đó, trong phiên thảo luận tại tổ cuối tuần qua, nhiều đại biểu (ĐB) dù nhìn nhận cơ hội lớn song cũng chỉ ra không ít thách thức.

GDP có thể tăng thêm 2,01% vào năm 2035
Theo báo cáo thuyết minh của Chính phủ, 11 nước tham gia CPTPP có quy mô dân số 502,2 triệu người, chiếm 6,7% dân số thế giới, quy mô GDP chiếm 13,5% GDP toàn cầu, tổng kim ngạch thương mại 10.000 tỷ USD.
Việc tham gia hiệp định này là động lực giúp Việt Nam nâng cao nội lực, đa dạng hóa thị trường để ứng phó với các tác động của kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp, với chiều hướng bảo hộ thương mại gia tăng của các nền kinh tế lớn.
 Để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức do CPTPP mang lại, DN phải chủ động tìm hiểu thông tin về CPTPP và các FTA khác, đặc biệt là các thông tin về lộ trình giảm thuế, quy tắc xuất xứ để có thể định hướng xuất khẩu vào các thị trường này một cách tối ưu. Với Chính phủ thúc đẩy cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, làm nền tảng, bệ đỡ cho nâng cao năng lực cạnh tranh DN.
Ông Vũ Tiến Lộc 
Tham gia hiệp định, GDP của Việt Nam có khả năng tăng thêm 1,32% tính đến năm 2035. Trong trường hợp đồng thời cắt giảm thuế quan và tự do hóa dịch vụ, GDP có thể tăng thêm 2,01%.
Với mức độ cam kết của các nước trong CPTPP, các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam như nông, thủy sản, điện, điện tử đều được xóa bỏ thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực. Tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng thêm 4,04% và nhập khẩu tăng thêm 3,8% vào năm 2035; tổng số việc làm tăng thêm hàng năm 20.000-26.000 lao động.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tác động của CPTPP đối với các nền kinh tế và DN Việt Nam được thể hiện trên 3 khía cạnh.
Thứ nhất, không gian thị trường được mở rộng, mức độ ưu đãi rất cao khi phần lớn hàng rào thuế quan được dỡ bỏ. DN Việt Nam có điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP, đặc biệt trong các lĩnh vực Việt Nam có lợi thế, các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, túi xách, điện tử, thủy sản, nông sản…
Thứ hai, DN Việt có cơ hội nhiều hơn trong việc đa dạng hóa đối tác, huy động các nguồn lực phát triển, thu hút vốn đầu tư, nhập khẩu thiết bị công nghệ cao và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ ba, những cam kết trong CPTPP là động lực thúc đẩy những cải cách thể chế kinh tế trong nước theo hướng minh bạch hơn, cạnh tranh hơn, tạo nên hệ sinh thái tốt hơn cho sự phát triển lành mạnh của DN.
Phải tự bơi ra “biển lớn” CPTPP ảnh 1 Ngông nghiệp Việt Nam phải hướng đến
nông nghiệp công nghệ cao mới vươn ra "biển lớn" CPTPP.
 
Theo ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM), gọi CPTPP là toàn diện ở chỗ nó không giống các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác chỉ bàn về vấn đề thuế, cắt giảm thuế quan, mà CPTPP bàn cả vấn đề về đầu tư, dịch vụ, sở hữu trí tuệ, DNNN, người lao động, mua sắm chính phủ, DNNVV. Nghĩa là bàn rất toàn diện. Còn tiến bộ là không phân biệt giàu, nghèo.
Do đó, hiệp định này sẽ hỗ trợ cải cách và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cũng như đối với DNNN hiện nay đang trong quá trình cải cách. Hiệp định sẽ đẩy nhanh quá trình hoàn thiện thể chế đó, để đảm bảo cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, cũng như khuyến khích thành phần kinh tế tư nhân phát triển.
Nỗi lo nông nghiệp sản xuất nhỏ lẻ
Tuy nhiên, cơ hội nhiều nhưng cũng đồng nghĩa với thách thức không hề ít. ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh), nhìn nhận DN sẽ phải đối mặt với những vấn đề từ thương mại truyền thống khi mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư… đến các vấn đề ít truyền thống hơn như lao động, môi trường mua sắm của các cơ quan chính phủ. CPTPP còn đặt ra yêu cầu, tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa, các quy định về sở hữu trí tuệ, cũng như cơ chế giải quyết tranh chấp có sự ràng buộc chặt chẽ.
Khi tham gia hiệp định DN Việt chịu sự cạnh tranh gay gắt với DN nước ngoài. Các DN khi xuất khẩu sang các nước thành viên thuế sẽ giảm từ 1,7% xuống còn 0,2%, cùng với đó phải mở cửa thị trường cho DN nước ngoài.
ĐB Nguyễn Văn Thân (Thái Bình), Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam, nhìn nhận thách thức sẽ đến với DNNVV, hợp tác xã nông nghiệp và người lao động. Vì vậy, nếu Nhà nước không có sự điều chỉnh cơ chế, chính sách kịp thời trong hỗ trợ các thành phần trên, nguy cơ bị tụt hậu rất lớn.
Bên cạnh đó, vấn đề nguồn lao động, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia làm việc ở khu vực tư nhân cần được chú trọng. Đặc biệt, DN Việt sẽ phải đương đầu với sự cạnh tranh gay gắt ngay trên sân nhà với hàng hóa, dịch vụ đến từ các nền kinh tế thành viên CPTPP, do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, công nghệ thấp, như sản phẩm chăn nuôi, thịt lợn, thịt gà, các ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistics…
Những rào cản về quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn cao về lao động, môi trường, vệ sinh, an toàn thực phẩm… cũng là những thách thức không nhỏ đối với DN  trong những nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu.
Chia sẻ thêm, ĐB Trần Hoàng Ngân cho rằng CPTPP đòi hỏi DN phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh và triển khai ứng dụng khoa học công nghệ, để tạo ra sản phẩm có thể cạnh tranh được trên thị trường ngay tại sân nhà cũng như quốc tế.
Đặc biệt, lĩnh vực nông nghiệp cần phải tổ chức lại sản xuất, người nông dân phải dần quen với sản xuất lớn, tổ hợp tác, Hợp tác xã cũng cần có những cơ chế nhằm khuyến khích đầu tư mạnh hơn nữa vào lĩnh vực nông nghiệp.
Có như vậy, chúng ta mới tạo ra được sản phẩm nông nghiệp có tính cạnh tranh cao trên thị trường. Nếu không mặt hàng về chăn nuôi, nông sản, thực phẩm chắc chắn sẽ gặp trở ngại từ 11 quốc gia này.

Các tin khác