Phát huy trái cây Việt

(ĐTTCO) - Cùng với thủy sản và gạo, trái cây là mặt hàng được xem thế mạnh xuất khẩu của ngành nông nghiệp. Thực tế, liên tục nhiều năm qua xuất khẩu trái cây tăng trưởng vượt bậc và được kỳ vọng tiếp tục tăng tốc trong thời gian tới. 
Phát huy trái cây Việt
Nhờ sự năng động của các doanh nghiệp và ngành chức năng, nhiều thị trường xuất khẩu rau quả lớn được mở rộng. Năm 2004, với 13 thị trường xuất khẩu đạt giá trị hơn 1 triệu USD, đến năm 2018 tăng lên trên 25 triệu USD. Trong đó, Trung Quốc là thị trường chính chiếm khoảng 73% tổng giá trị xuất khẩu rau quả; kế đến là thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Malaysia, Thái Lan, Australia…
Diện tích sản xuất trái cây ở các tỉnh thành phía Nam những năm qua tăng nhanh. Cụ thể, giai đoạn 1996-2005 tăng bình quân 7%/năm; từ năm 2013 đến nay tăng khoảng 4,2%/năm. Đến cuối năm 2018, thống kê của các địa phương phía Nam cho thấy tổng diện tích trái cây ước đạt 596.331ha (chiếm 60% diện tích trái cây cả nước); tổng sản lượng quả đạt hơn 6,6 triệu tấn/năm. Có 14 loại trái cây được trồng với diện tích lớn trên 10.000ha/loại, gồm xoài với 80.000ha, chuối 78.000ha, thanh long 53.000ha, cam 44.000ha, bưởi 44.000ha, nhãn 35.000ha, sầu riêng 47.000ha… 
Nhờ phát huy tối đa về lợi thế đất đai, thổ nhưỡng, áp dụng tốt tiến bộ khoa học vào sản xuất, nhiều giống cây ăn trái mới được chọn tạo như thanh long ruột đỏ, ruột tím hồng; sầu riêng Ri6, sầu riêng Dona, chôm chôm Dona, cam mật không hạt, nhãn Ido… đã góp phần làm phong phú chủng loại và nâng cao chất lượng trái cây, đáp ứng đa dạng nhu cầu các thị trường tiêu thụ trên thế giới. 
Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), nhận định: “Việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đã đưa trái cây phát triển nhanh, nhất là về xuất khẩu. Cụ thể, năm 2003 kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước chỉ 151 triệu USD, đến năm 2013 đạt 1,07 tỷ USD, năm 2016 tăng lên 2,45 tỷ USD và năm 2018 cán đích hơn 3,8 tỷ USD, trong đó sản phẩm quả chiếm hơn 80% tổng giá trị xuất khẩu”. 
Theo Bộ NN-PTNT, thanh long Việt Nam đang đứng đầu thế giới về diện tích, sản lượng và xuất khẩu. Năm 2010 xuất khẩu thanh long đạt 58 triệu USD, đến năm 2018 đạt hơn 1,1 tỷ USD, nên thanh long tiếp tục được kỳ vọng. Ngoài ra, còn có các loại trái cây tiềm năng như chuối, xoài, khóm, cam, bưởi, sầu riêng, chôm chôm, nhãn… cùng một số loại có triển vọng xuất khẩu gồm chanh, măng cụt, vú sữa, bơ… 
TS. Võ Hữu Thoại, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, cho rằng: “Chất lượng là vấn đề quan trọng trong xuất khẩu trái cây, tuy nhiên tình trạng biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn sẽ tác động không nhỏ đến sản xuất trái cây của vùng. Do đó, các địa phương cần nhanh chóng tăng cường năng lực cảnh báo, xác định vùng trồng cây thích ứng với điều kiện bất lợi của môi trường nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu đang xảy ra ở ĐBSCL”.  

Các tin khác