Sửa Luật Lao động: Doanh nghiệp thấp thỏm

(ĐTTCO)-Dự thảo Luật Lao động sửa đổi đang thu hút sự quan tâm rất lớn của các DN, nhất là ở những nhóm ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, thủy sản… 
Nếu giảm giờ làm DN phải tuyển thêm lao động làm gia tăng chi phí, giá thành tăng.
Nếu giảm giờ làm DN phải tuyển thêm lao động làm gia tăng chi phí, giá thành tăng.
Mong giữ nguyên giờ làm
Một trong những nội dung của dự thảo Luật Lao động sửa đổi lần này khiến DN đứng ngồi không yên, là giảm giờ làm việc tiêu chuẩn từ 48 giờ/tuần hiện nay xuống còn 44 giờ/tuần. Việc này được dự báo khiến DN khó khăn hơn do chi phí bị gia tăng. 
Ông N.H, Chủ tịch HĐQT một DN dệt may tại TPHCM, cho biết thời điểm này DN trong ngành đang gặp nhiều khó khăn trong việc làm sao giữ chân người lao động, dù DN đang trả lương cho người lao động cao hơn mức tối thiểu vùng. Song sức hút từ các ngành dịch vụ khác và từ DN FDI đang khiến người lao động có nhiều lựa chọn hơn.
“Lao động đã thiếu còn giảm giờ làm chưa biết chúng tôi sẽ phải xoay trở như thế nào” - ông H. chia sẻ. 
Nếu giảm giờ làm DN phải đứng trước 2 lựa chọn: tuyển thêm lao động (rất khó khăn và gia tăng chi phí lương, bảo hiểm, công đoàn), hoặc tăng giờ làm thêm của người lao động (việc này có thể vi phạm quy định trần khung giờ làm thêm và chi phí gia tăng cũng không nhỏ, do tiền lương giờ làm thêm hiện nay khá cao, trong khi Luật Lao động sửa đổi yêu cầu tính lương làm thêm giờ theo lũy tiến).
Như vậy lựa chọn nào việc gia tăng chi phí cũng không thể tránh khỏi. Theo tính toán của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), khi giảm giờ làm như vậy, với DN quy mô 2.000 lao động sẽ phải chi thêm 5 tỷ đồng/năm. 
Chi phí gia tăng nhưng DN, nhất là DN xuất khẩu liệu có tăng giá bán sản phẩm của mình? Trả lời cho vấn đề này, ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch Hội da giày TPHCM, cho biết hầu hết DN da giày làm gia công nên không phải muốn tăng là tăng.
Đó là chưa kể trong ngành da giày giá gia công một mẫu lại giảm dần qua từng năm do người lao động đã quen tay, có thể tăng năng suất hơn nên DN sẽ gặp nhiều thách thức nếu giờ làm tiêu chuẩn giảm đi 4 giờ/tuần.
“Sẽ khó tránh được vòng luẩn quẩn chi phí tăng, lợi nhuận giảm. Đến một mức độ nào đó DN không chịu nổi có thể sẽ phải đóng cửa. DN nào cũng muốn đầu tư công nghệ hiện đại để có thể tăng năng suất, giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh nhưng làm gia công lấy đâu ra nguồn để đầu tư công nghệ hiện đại” - ông Khánh bộc bạch. 
Nhóm DN thuộc 7 hiệp hội, tổ chức gồm Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Vasep, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), Hiệp hội DN điện tử Việt Nam (VEIA) và Hiệp hội DN Mỹ tại Việt Nam (AmCham), đã gửi kiến nghị lên Văn phòng Chính phủ và các bộ liên quan, cho rằng tiêu chuẩn về thời giờ làm việc trong tuần hiện nay của các quốc gia đang phát triển và cạnh tranh lao động với Việt Nam như Thái Lan, Ấn Độ, Bangladesh, Malaysia, Philippines, Lào… đều 48 giờ/tuần nên không thể nói thời gian làm của Việt Nam nhiều hơn. 

Xem xét trước khi trình Quốc hội
 Trong bối cảnh mới của suy giảm kinh tế thế giới, tinh thần làm luật là phải hỗ trợ, chia sẻ cùng DN. 
TS. Vũ Tiến Lộc,
Chủ tịch VCCI
Một kiến nghị khác của nhóm 7 hiệp hội là giờ làm thêm tối đa trong 1 năm và vấn đề tiền lương làm thêm giờ. Cụ thể, giờ làm thêm tối đa trong 1 năm của Việt Nam đang bị hạn chế (200 giờ) thấp hơn rất nhiều so với Thái Lan 1.836 giờ, Malaysia 1.248 giờ, Philippines 1.224 giờ, Indonesia 714 giờ, Trung Quốc 432 giờ, Bangladesh 408 giờ, Ấn Độ 300 giờ.
Các DN đề nghị tăng giờ làm thêm tối đa hàng năm từ 200 giờ lên 300 giờ (đối với các ngành nghề bình thường). Riêng một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định, người sử dụng lao động có thể tăng số giờ làm thêm từ 400 giờ lên 500 giờ với điều kiện có nhu cầu kinh doanh chính đáng và được sự đồng ý của người lao động đối với công việc làm thêm giờ.
Bà Đào Thị Thu Huyền, đại diện Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam, cho rằng nếu giảm giờ làm việc từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ/tuần, 56 DN thuộc hiệp hội phải chịu áp lực tuyển thêm khoảng 32.000 lao động để đáp ứng cùng một khối lượng sản xuất trong năm.
“Đây chỉ là con số thống kê của 56/1.500 DN Nhật Bản tại Việt Nam, chưa kể còn rất nhiều DN và hiệp hội khác sẽ phải chịu áp lực rất lớn khi đối mặt với việc phải tuyển thêm số lao động lớn khi cắt giảm giờ làm” - bà Huyền cho hay.
Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, 6 tháng đầu năm nhịp độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã chậm lại, mức tăng xuất khẩu chỉ hơn 7% (các năm trước tăng khoảng 15-20%). Dự báo tăng trưởng thế giới trong thời gian tới còn giảm tiếp, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn và chịu ảnh hưởng của tăng trưởng thế giới, kinh tế Việt Nam khó đạt kết quả khả quan.
“Bức tranh kinh tế thế giới đang xấu đi, tác động đến nền kinh tế Việt Nam. Do đó, tác động làm tăng chi phí của DN ở thời điểm này sẽ gây khó khăn cho việc duy trì sản xuất của DN, khó đảm bảo nhịp độ tăng trưởng GDP, đảm bảo ngân sách” -  ông Lộc nhấn mạnh.
Thực tế, tại các diễn đàn DN Việt Nam (VBF), đại diện DN trong và ngoài nước đều đề xuất tăng giờ làm thêm do năng suất lao động của Việt Nam thấp so với các nước trong khu vực, không đảm bảo sản xuất cho DN có tính thời vụ cần kịp tiến độ hợp đồng, đơn hàng.
Với quy định quá chặt về giờ làm thêm, không ít DN để đảm bảo đơn hàng phải lách luật nhưng điều này có thể khiến DN gặp rắc rối. 
Bên cạnh đó cũng có những ý kiến cho rằng xu hướng tiến bộ hiện nay là tăng lương, giảm giờ làm, đảm bảo sức khỏe của người lao động, nhất là trong những nhà máy người lao động phải đứng/ngồi liên tiếp nhiều giờ/ngày.
Vì thế, các DN mong muốn những kiến nghị về dự thảo Luật Lao động sửa đổi được xem xét trước khi trình Quốc hội thông qua trong tháng 10 tới. 

Các tin khác