Thương hiệu quốc gia 2018: Cơ hội DN tự “chấm điểm” chính mình

(ĐTTCO)- Nếu như 10 năm trước, DN coi Thương hiệu quốc gia là giải thưởng thì năm 2018, những DN tham gia chương trình đã nhận thức rằng đây chính là cơ hội để DN tự nhìn lại, tự chấm điểm chính mình.
Thương hiệu quốc gia 2018: Cơ hội DN tự “chấm điểm” chính mình

Đây là điểm khác biệt rõ rệt mà PGS. TS Nguyễn Quốc Thịnh, chuyên gia cố vấn Chương trình Thương hiệu Quốc gia nêu lên khi so sánh chương trình Thương hiệu quốc gia từ năm 2008 đến nay.

Không đơn thuần là giải thưởng, mà là “tấm gương soi”

PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh cho biết, năm 2018, Ban tổ chức chương trình Thương hiệu Quốc gia lựa chọn DN dựa trên bộ tiêu chí đã được xây dựng từ năm 2013 đến nay. Bộ tiêu chí này được xây dựng dựa trên phương pháp định giá thương hiệu InterBrand (Công ty tư vấn thương hiệu nổi tiếng của Mỹ) và những tiêu chí tương tự của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia Mỹ (The Malcolm Baldrige National Quality Award).

“Nhiều DN nói rằng biểu mẫu trong hồ sơ đăng ký khó làm, nhưng tôi cho rằng, là do DN không chịu đầu tư. Bằng chứng là từ năm 2013 đến nay số lượng DN tham gia có hồ sơ hợp lệ tăng rõ rệt theo từng năm”, PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh nói.

Chia sẻ thêm trong quá trình đi “chấm điểm”, ông Nguyễn Quốc Thịnh cho biết: “Tôi đã đi đến nhiều DN và nhận thấy rằng, nhận thức của lãnh đạo các DN bây giờ đã khác nhiều. Nếu như trước đây họ chỉ coi Thương hiệu Quốc gia là giải thưởng, thì giờ họ đã coi đây là cơ hội để DN tự nhìn lại chính mình, tự chấm điểm chính mình”.

Về việc gắn nhãn cho các sản phẩm của DN đạt Thương hiệu Quốc gia, PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh cho biết, Ban tổ chức chương trình đang hướng đến việc để DN sử dụng thương hiệu của chương trình trở thành một nhãn chứng nhận cho sản phẩm của DN.

“Đây là sự ghi nhận của Chính phủ, của cộng đồng người tiêu chùng. Những thương hiệu tham gia chương trình đều là những thương hiệu tiêu chuẩn của Việt Nam. Tôi rất mừng khi chứng kiến sự nhận thức của DN thay đổi tích cực theo từng năm và đã khác trước rất nhiều”, PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh nhìn nhận.

Đáng chú ý, theo ông Nguyễn Quốc Thịnh, một điểm khác biệt nữa trong Chương trình năm nay là ngoài việc số lượng DN tăng lên thì chất lượng các DN tham gia cũng có nhiều thay đổi tích cực.

Theo số liệu báo cáo của 81/88 DN đạt Thương hiệu quốc gia lần thứ V-năm 2016, tổng doanh thu năm 2017 của các DN này đạt trên 718.000 tỷ đồng, tổng doanh thu xuất khẩu đạt hơn 70.000 tỷ đồng, tổng nộp ngân sách nhà nước trên 55 nghìn tỷ đồng, tạo công việc cho hơn 300.000 lao động tại các DN trên.

"Các DN này đều cam kết thực hiện tốt nghĩa vụ thuế, môi trường, bảo hiểm xã hội đối với người lao động và có chứng chỉ quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế" đại diện Ban tổ chức nói thêm.

97 DN có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia năm 2018

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, sau khi thông tin về Chương trình được công bố, đã có trên 1.500 DN trực tiếp đăng ký trực tuyến hoặc được các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội ngành hàng… giới thiệu tham gia Chương trình.

Kết quả sàng lọc đã có trên 500 DN đủ điều kiện được Ban thư ký và các cơ quan chức năng tiếp tục thẩm tra, đánh giá hồ sơ và khảo sát thực địa. Trên cơ sở ý kiến thống nhất của các thành viên Hội đồng Thương hiệu quốc gia, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia ban hành Quyết định công nhận danh sách 97 DN có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia năm 2018.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, trong bối cảnh hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, bên cạnh những cơ hội mà những hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký kết cũng như đang đàm phán với các đối tác quốc tế thì cũng có rất nhiều thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam. Chính vì vậy, Chương trình sẽ giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa cũng như thị trường Việt Nam đang có thế mạnh xuất khẩu.

Đặc biệt, Chương trình Thương hiệu quốc gia không phải giải thưởng về thương hiệu mà đây là chương trình duy nhất của Chính phủ Việt Nam để xây dựng hình ảnh và thương hiệu quốc gia Việt Nam thông qua các thuương hiệu của các sản phẩm.

"Chính phủ không làm thay DN nhưng sẽ đồng hành và hỗ trợ DN trong các hoạt động sản xuất kinh doanh ngay tại thị trường nội địa cũng như thị trường quốc tế. DN khi tham gia chương trình cũng được hưởng những hỗ trợ cũng như tham gia vào hoạt động mà Chính phủ tổ chức," Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25/11/2003. Đây là Chương trình duy nhất của Chính phủ Việt Nam nhằm quảng bá hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm (hàng hóa và dịch vụ). 

Trong Chương trình này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành triển khai chương trình.

Trong năm 2008 có 30 DN được lựa chọn có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia. Năm 2010 có 43 DN; Năm 2012 có 54 DN. Năm 2014 có 63 DN và năm 2016 có 88 DN.

Lễ công bố các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia lần thứ 6 năm 2018 sẽ được tổ chức vào lúc 19 giờ ngày 20/12/2018 tại Nhà hát lớn Hà Nội, số 1 Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Các tin khác