Trả lại lòng tin người tiêu dùng

(ĐTTCO) - Sự kiện Asanzo liên quan đến nguồn gốc nhãn mác hàng hóa đang được nhiều chuyên gia phân tích, mổ xẻ vấn đề ở nhiều khía cạnh. Theo đó, phần lớn đều đi đến kết luận rằng Asanzo đã nói dối người tiêu dùng về sản phẩm Việt, nhưng không chứng minh đủ tỷ lệ nội địa hóa 30%. 
Đây chỉ là sản phẩm sử dụng linh kiện Trung Quốc với vài chi tiết đơn giản sản xuất tại Việt Nam.  Xét về mô hình kinh doanh, Asanzo cũng không khác gì Sunhouse hay Kangaroo - 2 công ty cùng ngành - trong việc nhập linh kiện Trung Quốc lắp ráp thành phẩm tại Việt Nam.
Thậm chí, chúng ta có thể kể tên hàng ngàn công ty như vậy đang kinh doanh ở Việt Nam: nhập khẩu sản phẩm từ nước ngoài, tháo rời để trở thành linh kiện, mang về Việt Nam lắp ráp trở lại, rồi bán như một thương hiệu của người Việt. 
Bản thân mô hình kinh doanh nhập linh kiện từ Trung Quốc không xấu. Điều này thể hiện doanh nghiệp Việt có sự kết nối tốt với nhà sản xuất linh kiện lớn nhất thế giới, có thể đáp ứng mọi nhu cầu về phẩm cấp chất lượng theo đơn đặt hàng của người mua.
Trả lại lòng tin người tiêu dùng ảnh 1 Thương hiệu Asanzo cũng không khác gì Sunhouse hay Kangaroo trong việc nhập linh kiện Trung Quốc lắp ráp thành phẩm tại Việt Nam. 
Vấn đề ở đây, doanh nghiệp chọn cách truyền thông về sản phẩm, về thương hiệu của mình như thế nào cho phù hợp, không bị dính vào tai tiếng “lừa dối người tiêu dùng”. Vấn đề của Asanzo ở chỗ, tỷ lệ nội địa hóa quá thấp, về luật, họ không thể tuyên bố đó là hàng Việt Nam. Nhưng công ty vẫn tung những chiến dịch truyền thông rầm rộ về sản phẩm Việt, thương hiệu Việt Asanzo. Vì thế, công ty đã gặp phải sự phản ứng dữ dội từ công chúng khi mọi thông tin được phân tích một cách đầy đủ, rõ ràng. Và sau khi báo chí xới lên vấn đề, người tiêu dùng mới vỡ lẽ về bản chất sản phẩm bấy lâu nay. 
Vậy tại sao phải mất ngần đấy thời gian để người tiêu dùng mới hiểu rõ ngọn ngành của vấn đề? Câu trả lời có lẽ cần đến từ các cơ quan chức năng, những đơn vị chịu trách nhiệm việc doanh nghiệp cung cấp thông tin thiếu chính xác cho người tiêu dùng. Dường như đang có sự nhầm lẫn tương đối nghiêm trọng giữa nguồn gốc suất xứ sản phẩm và thương hiệu.
Các hoạt động PR báo chí, tổ chức sự kiện của các công ty diễn ra liên tục và thường xuyên, trong khi không có cơ quan quản lý nào kiểm soát tính xác thực của các thông tin đưa ra cho người tiêu dùng. Vì vậy, các công ty giống như Asanzo đã tương đối tự do trong việc tùy ý cung cấp các thông tin mập mờ về thương hiệu Việt. Đặc biệt khi các thương hiệu này lại nhận được các giải thưởng do hiệp hội nọ, đơn vị kia đề cử và bầu chọn. 
Hiện trên thị trường có rất nhiều loại giải thưởng như hàng Việt Nam chất lượng cao, thương hiệu mạnh, thương hiệu uy tín... được trao cho các thương hiệu có sản phẩm phân phối trên diện rộng, độ nhận biết cao. Các giải thưởng này được công bố rộng rãi và được sự cộng hưởng của các đơn vị nhận giải, đã trở thành chỉ dấu nói về uy tín chất lượng của các thương hiệu gắn liền với giải thưởng.
Và với sự dễ tính của công chúng, các thương hiệu đã thoải mái dùng cách này nhằm PR cho sản phẩm của mình. Hoạt động này nhìn bề ngoài có vẻ hết sức thông thường nhưng khi đi sâu vào bên trong, nhất là quy trình xét duyệt, mới thấy có rất nhiều vấn đề về tính chuyên nghiệp và thực chất của các giải thưởng. Những điều này, người tiêu dùng không bao giờ hiểu hết được. 
Là người tham gia xây dựng bộ tiêu chí và quy trình xét duyệt của chương trình thương hiệu quốc gia do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) thực hiện, theo quan điểm cá nhân, các chương trình giải thưởng thương hiệu Việt cần nghiêm túc xem xét lại cách thức trao giải như hiện nay.
Bởi nếu làm không kỹ, chính họ là người đã vô tình (hay cố ý) tiếp tay cho doanh nghiệp công bố những thông tin mập mờ, không chính xác đến người tiêu dùng. Ngoài ra, các hiệp hội có tổ chức trao giải thưởng phải chịu sự quản lý giám sát của một cơ quan chức năng, thí dụ thanh tra các bộ liên quan - là người chịu trách nhiệm trước công chúng. 
Công chúng dễ tin không phải là mục tiêu để doanh nghiệp muốn làm gì thì làm miễn là có lợi cho mình, không quan tâm đến lợi ích khách hàng. Người tiêu dùng đã chán ngấy những thông tin lừa dối. Đã đến lúc trả lại lòng tin cho người tiêu dùng Việt Nam. 

Các tin khác