Việt Nam có tài nguyên vô tận là chất xám, sự sáng tạo

(ĐTTCO) - Ngày 15-5, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) phối hợp với Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, Liên minh Đổi mới sáng tạo phát triển quốc tế (IDIA) tổ chức hội nghị quốc tế “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Một trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam”. Tham dự có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ.

Cần bước chuyển đổi về mặt chiến lược
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng nêu rõ: Các mô hình tăng trưởng tân cổ điển đều chú trọng vai trò của tích lũy vốn và lao động đối với tăng trưởng. Trong các thời kỳ trước đây, con người chủ yếu khai thác các tài nguyên tự nhiên để tạo ra tăng trưởng và phục vụ con người. Tuy nhiên, tài nguyên tự nhiên luôn có giới hạn và nhân loại đang đứng trước sự khan hiếm tài nguyên nghiêm trọng.
Mô hình tăng trưởng nội sinh (được trao giải Nobel Kinh tế năm 2018) chứng minh rằng, công nghệ là yếu tố nội sinh quan trọng của tăng trưởng. Chính công nghệ mới cùng với nguồn nhân lực phù hợp có khả năng sử dụng, kiểm soát và sáng tạo công nghệ mới là yếu tố quyết định tăng trưởng trong dài hạn, là chìa khóa để Việt Nam đột phá, vượt qua trạng thái dừng, thoát bẫy thu nhập trung bình.
Việt Nam có tài nguyên vô tận là chất xám, sự sáng tạo ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: VIẾT CHUNG 
Điều đó cho thấy, bí quyết về con người, công nghệ chính là yếu tố quan trọng tạo nên sự khác biệt. Nhân loại ngày càng khan hiếm tài nguyên tự nhiên để khai thác, và Việt Nam cũng vậy; nhưng tài nguyên vô tận chính là chất xám, là sự sáng tạo của con người. Nếu tài nguyên tự nhiên càng khai thác càng cạn kiệt thì tài nguyên sáng tạo của con người càng khai thác sẽ càng sinh sôi, nảy nở. 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: Thời gian tới, Việt Nam cần phải có một bước chuyển đổi về mặt chiến lược để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng kết hợp với phát triển công nghệ trong một số ngành, lĩnh vực mới có thế mạnh.
Đồng thời, xác định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững đất nước; là lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực chính của mô hình phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, phải làm tốt hơn nữa sự phối hợp giữa Nhà nước và xã hội trong phát triển KH-CN, kết hợp tốt hơn giữa nội lực và ngoại lực trong phát triển KH-CN và đổi mới sáng tạo
Theo Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh, Đảng và Nhà nước luôn xác định KH-CN có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, để khoa học thực sự trở thành động lực và nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội thì cần phải khắc phục những khó khăn, vướng mắc, tạo sự đồng bộ về thể chế giữa pháp luật về KH-CN với pháp luật liên quan; cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn để thu hút đội ngũ cán bộ KH-CN đầu ngành, nhà khoa học tài năng và nhà khoa học nước ngoài cùng hợp tác, hỗ trợ giải bài toán cụ thể của Việt Nam; cần có những giải pháp để tăng cường đầu tư cho KH-CN không chỉ từ Nhà nước mà còn từ xã hội, đặc biệt là từ doanh nghiệp; nâng cao nhu cầu công nghệ tự thân của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ…
Tăng trưởng cao về xuất khẩu và chuyển đổi cơ cấu 
Trong báo cáo KH-CN và đổi mới sáng tạo đối với tương lai kinh tế số Việt Nam, bà Lucy Cameron, tư vấn nghiên cứu cao cấp Australia, cho biết quá trình xây dựng báo cáo có sự lắng nghe tiếng nói của nhiều bên liên quan, tiến hành nhiều nghiên cứu với các đơn vị liên quan, làm việc tại Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM để lấy ý kiến, nhiều chuyên gia đã tham gia phản biện.
Việt Nam hiện có vị thế phù hợp để thúc đẩy kinh tế số. Chuyển đổi số sẽ đem lại khoảng 1,1% tăng trưởng GDP mỗi năm cho Việt Nam đến năm 2045. Bà cũng nhận định, tăng trưởng của Việt Nam khá nhanh và toàn diện, chỉ sau Trung Quốc và có nền tảng phù hợp để chuyển đổi số. Về thách thức, cũng như nhiều quốc gia, Việt Nam gặp thách thức về biến đổi khí hậu, sự chậm lại của năng suất lao động, nguồn lực cần thiết.
Việt Nam đã đạt được vị thế quốc gia thu nhập trung bình thấp và nhiều quốc gia mắc bẫy thu nhập trung bình do không có đổi mới và thay đổi nguồn tăng trưởng. Đối với các nền kinh tế có thu nhập cao, tăng trưởng nhanh như Hồng Công, Singapore, Hàn Quốc... vượt lên bứt phá nhờ đầu tư vào KH-CN.
Việt Nam có nhiều điểm tương đồng như các nước này. Để trở thành “con hổ châu Á” đạt được mức thu nhập cao, Việt Nam cần tăng trưởng cao về xuất khẩu và chuyển đổi cơ cấu; tăng trưởng nhanh và toàn diện; bắt kịp về công nghệ, ứng dụng KH-CN và nâng cao năng suất; hệ thống chính sách ổn định và đáng tin cậy; đầu tư cao cho y tế - giáo dục; quản lý tốt kinh tế vĩ mô - tỷ lệ nợ nước ngoài, lạm phát ở mức thấp, các chỉ số vĩ mô khác cũng ở mức ổn định.
Ông Craig Chittick, Đại sứ Australia tại Việt Nam, cho biết, Australia và Việt Nam là đối tác chiến lược, dựa trên 3 nền tảng là quan hệ đối tác về an ninh, kinh tế và đổi mới sáng tạo. Đại sứ Craig Chittick tin tưởng, trên cơ sở hợp tác chặt chẽ và liên tục cùng những bài học khuyến nghị và báo cáo trong hội nghị sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho người dân Việt Nam.
Đại diện cho IDIA, bà Sarah Pearson cho rằng, Việt Nam đã có những thành công nhất định trong đổi mới sáng tạo. Đây là những công cụ hữu ích hỗ trợ sự phát triển của Việt Nam trong 40 năm qua. Theo bà Sarah Pearson, qua quá trình gặp gỡ, trao đổi với các lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam, bà bày tỏ sự ấn tượng với tham vọng, tầm nhìn và những ý tưởng sáng tạo của người Việt trong kỷ nguyên công nghệ số.

Các tin khác