4.0 hướng đến sản phẩm thủ công

(ĐTTCO) - Khi cơn bão mang tên “cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” quét qua rất nhiều chương trình hội thảo, diễn đàn suốt thời gian qua, thì nhiều ý kiến chuyên gia đang nhận được nhiều sự quan tâm chính là phía sau cánh cổng nhà máy, các DN Việt Nam đang đối diện với cuộc cách mạng này như thế nào?

Âm thầm đầu tư, không phô trương
Nhắc đến nghề làm gốm sứ, nhiều người nghĩ ngay đến hình ảnh những nghệ nhân với đôi tay đầy đất sét đang ngồi bên những chiếc máy thủ công để tạo hình và hoàn thiện những chiếc tô, chén, dĩa, ấm tách trà… Thế nhưng, khi được dẫn vào tham quan nhà máy của Minh Long I, chúng tôi lại chứng kiến một hình ảnh hoàn toàn khác biệt.
 Việc đầu tư công nghệ tự động hóa không chỉ giải bài toán sản lượng, chất lượng đồng đều cho DN, mà còn giải bài toán cho tương lai khi lợi thế nhân công giá rẻ hay nguồn nhân lực dồi dào của Việt Nam đang dần mất đi. Và hiện nay người lao động có nhiều lựa chọn ở các ngành dịch vụ hơn là sản xuất. 
Không có nghệ nhân, chỉ có những chiếc máy tự động hóa đang làm thay hầu hết công việc của con người. Từ cắt đất đưa vào khuôn, tạo hình sản phẩm, nhúng men, nung, dập nhãn hiệu… Những cánh tay máy nhìn thô cứng, nhưng thực hiện các động tác đầy nhuần nhuyễn.Chẳng có một giọt mồ hôi nào rơi ra dù có tăng ca thêm nhiều giờ. 
Ông Lý Huy Sáng, Phó Tổng giám đốc Minh Long I, chia sẻ việc đưa công nghệ vào sản xuất các sản phẩm gốm sứ cũng không quá khó. Công nghệ đã giúp Minh Long I giải được bài toán giảm chi phí sản xuất, sản phẩm ra đồng đều về chất lượng, và sản lượng lớn hơn nhiều so với việc sử dụng sức lao động của con người.
Hiệu quả đã rõ, nhưng để đi đến quyết định tự động hóa trong sản xuất Ban giám đốc Minh Long I cũng phải mất rất nhiều thời gian nghiên cứu, bàn thảo vì vấn đề không chỉ là vốn đầu tư khủng, mà làm sao quản trị được công nghệ để khai thác tốt nhất hiệu quả. Đơn cử như sản phẩm máy làm ra rất lớn, vấn đề đầu ra chính là thách thức. 
Vậy Minh Long I sẽ không còn những sản phẩm thủ công được làm bởi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân - tôi hỏi.
Trước câu hỏi này, ông Sáng dẫn chúng tôi qua một căn phòng nhỏ cách nhà máy chính không xa. Nơi đây có những nghệ nhân đang thực hiện những dòng sản phẩm bằng tay với phiên bản giới hạn như đồ nữ trang, trang trí nội thất… Đây là những nghệ nhân giỏi nhất được công ty đầu tư bài bản trong đào tạo, và những dòng sản phẩm này cũng chỉ chiếm khoảng 2% tổng sản lượng tại Minh Long I. 
Rời khỏi nhà máy của Minh Long I, chúng tôi tìm đến một nhà máy thuộc lĩnh vực khác là cơ khí. Lâu nay ngành cơ khí Việt Nam vẫn bị nhìn với hình ảnh lạc hậu, nhiều nhà sản xuất nước ngoài cho rằng không thể đáp ứng yêu cầu để vào trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng đến Lập Phúc (quận 7, TPHCM) mọi thứ lại không giống như vậy. 
4.0 hướng đến sản phẩm thủ công ảnh 1 Công nghệ làm gốm sứ của Minh Long I hoàn toàn tự động hóa. 
Ông Nguyễn Văn Trí, giám đốc công ty khẳng định, sản phẩm cơ khí của Lập Phúc giá rẻ hơn Trung Quốc nhưng chất lượng tương đương Nhật Bản, DN sẵn sàng ngẩng cao đầu với các đối thủ đến từ nước ngoài kể cả Đức. Và để làm được như vậy, việc đầu tư công nghệ tự động hóa là tất yếu. Tính đến nay tổng vốn đầu tư cho máy móc thiết bị châu Âu tại nhà máy vượt hơn 10 triệu USD.
Những hình ảnh người công nhân cơ khí lấm lem dầu máy đã không còn hiện diện trong nhà máy của Lập Phúc, thay vào đó là những máy móc hiện đại. Song người đứng đầu DN này vẫn băn khoăn, vì khi tự động hóa cũng là lúc 1.200 công nhân bị mất việc dù đó là xu thế tất yếu. 

Cần vốn và thời gian
Nếu một số DN với nguồn lực tài chính, quản trị tốt đã và đang có những thay đổi mạnh mẽ trong việc tự động hóa trong các nhà máy, thì với những DN có nguồn lực hạn chế hơn, có những đặc thù công việc khác hơn, việc chuyển đổi từ lao động phổ thông sang máy móc được thực hiện có trình tự hơn.
Tiêu biểu như trong ngành may mặc của Việt Nam. Mặc dù theo cảnh báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), 86% người lao động Việt Nam trong hai ngành dệt may và da giày có thể đối mặt với nguy cơ mất việc làm cao, do tự động hóa và robot trong các dây chuyền sản xuất. Tại Hoa Kỳ và Nhật Bản, đã có những nhà máy chuyên về may mặc sử dụng robot vận hành. 
Song dưới góc nhìn của ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội dệt may thêu đan TPHCM: “Tự động hóa trong ngành dệt may phải diễn ra từng bước theo thời gian và tuỳ công đoạn. Với DN làm trong mảng dệt nhuộm thì dễ đầu tư công nghệ hiện đại hơn, còn với mảng may cũng có những DN đang cố gắng đầu tư thêm thiết bị tự động nhằm giảm phụ thuộc vào lao động phổ thông. Nhưng sản phẩm may cần con người nhiều hơn, đó là chưa kể chi phí đầu tư thiết bị tư động hiện nay quá cao, nếu không thận trọng cân nhắc thì sẽ làm đột biến chi phí trong DN. Đó là chưa muốn nói đến đào tạo nhân sự để đáp ứng với máy móc không hề đơn giản. Máy móc 4.0 nhưng làm sao có được con người 4.0 cũng hết sức quan trọng”. 
Cũng phải thấy rằng, khoảng 90% DN Việt Nam nhỏ và siêu nhỏ nên việc đầu tư công nghệ tự động phải diễn ra có trình tự và được tính toán. Ông Trịnh Thành Nhơn, Tổng Giám đốc Công ty hóa mỹ phẩm ICC, cho biết những thay đổi trong DN mình có thể chưa chạm tới 4.0 nhưng cũng là những nỗ lực đáng ghi nhận.
Trong năm 2018 này ICC sẽ đầu tư 500.000USD nhập dây chuyền sản xuất bột giặt, điều này sẽ giúp nâng công suất 7 tấn/giờ chỉ với 5 công nhân (trước đó là 5 tấn/giờ với 15 công nhân). Việc này sẽ giúp tiết giảm chi phí sản phẩm, nâng cao chất lượng chinh phục người dùng. ICC cũng đã ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giám sát thị trường để hỗ trợ kịp thời cho đội ngũ kinh doanh, không phải chờ hội họp báo cáo như trước đây.
Công ty cũng tạo ra một ứng dụng kết nối với đối tác phân phối hay nhà cung cấp nguyên vật liệu sản xuất, tiết kiệm được nhiều giấy tờ và thời gian; ứng dụng trả lời thắc mắc về sản phẩm.
Hội nhập sâu vào kinh tế toàn cầu khiến cho hàng hóa lưu thông thuận tiện, hàng rào thuế quan lần lượt được dỡ bỏ, nên DN muốn tồn tại phải có lợi thế nhất định trong sản xuất. Và lợi thế ấy không gì khác là tạo ra những sản phẩm có chất lượng với giá thành hợp lý. Và như vậy việc ứng dụng tự động hóa hay cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là lựa chọn tất yếu cho tương lai dù tại mỗi DN có tốc độ nhanh hay chậm hơn. 

Các tin khác