AI và bài toán nhân lực

(ĐTTCO) - Trong 2 ngày 16 và 17-1, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019 lần thứ 3 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội. 
AI và bài toán nhân lực
Một trong những nội dung quan trọng tại diễn đàn là hội thảo chuyên đề về “Định hướng phát triển trí tuệ nhân tạo trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 - Cơ hội và thách thức cho Việt Nam”. 
Trí tuệ nhân tạo (AI) là nội dung cốt lõi của cuộc CMCN 4.0, đã và đang tác động lên các ngành kinh tế trên toàn thế giới, mang lại cơ hội cũng như thách thức to lớn cho Việt Nam. Việc ứng dụng AI sẽ giúp tăng năng suất lao động, cải thiện hệ thống kết nối thông tin, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu thời gian xử lý, mang lại lợi ích to lớn cho Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Các nhà máy thông minh với các công nghệ đột phá, làm thay đổi phương thức sản xuất truyền thống, tạo ra nhiều sản phẩm mới với chất lượng và hiệu quả khác biệt vượt trội. Tài nguyên thiên nhiên từng bước được thay thế bởi vật liệu tổng hợp mới…
Việc ứng dụng AI ngày càng đóng vai trò quan trọng và là tất yếu trong quá trình chuyển đổi nền sản xuất với việc ứng dụng những công nghệ số hóa vào hoạt động sản xuất, tạo nên một hệ thống sản xuất thông minh hơn, tự ra quyết định trong các điều kiện sản xuất phức tạp nhằm tăng chất lượng và năng suất; đồng thời tiết kiệm nhân công và năng lượng, bảo vệ môi trường, tăng tính cạnh tranh và hiệu quả của doanh nghiệp... CMCN 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức đòi hỏi Nhà nước, doanh nghiệp và mọi công dân cần phải có những đổi mới mạnh mẽ.
Bởi lẽ, AI được nhận định sẽ hiện diện khắp mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, như trong giao thông vận tải với những chiếc xe tải không người lái, hay thay thế con người trong quản lý các chính sách, an sinh xã hội… 
Phát triển AI sẽ là cơ hội cho nước ta đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ mới, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, điều đó dẫn đến việc nhiều nơi sẽ thừa và thiếu nhân lực. Vậy, người lao động sẽ phải làm sao để “sống” được trong nền kinh tế số?
Đó là những câu hỏi không dễ trả lời và sẽ khó có thể giải quyết được trong ngắn hạn. Theo các chuyên gia, AI ngày càng phát triển, nguồn lao động giá rẻ sẽ mất dần lợi thế trong công nghiệp do tự động hóa, robot hóa, đòi hỏi Nhà nước phải có chính sách đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với bối cảnh mới.

Các tin khác