An toàn thực phẩm trường học: Phải giám sát, truy xuất nguồn thực phẩm

(ĐTTCO) - Trước nguy cơ lây lan trên diện rộng của các loại dịch bệnh (như tả heo châu Phi, sán heo, lở mồm long móng trên gia súc, cúm gia cầm…), ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thực phẩm, bữa ăn của các gia đình, sức khỏe của học sinh trong các trường học.
Sáng 22-3, Báo SGGP tổ chức buổi giao lưu trực tuyến chủ đề “An toàn thực phẩm trường học trước nguy cơ dịch bệnh” với các sở ngành chức năng, nhằm giải đáp những vướng mắc này. 
Thực phẩm bẩn “tấn công” cổng trường
Gửi câu hỏi sớm nhất về tòa soạn, bạn đọc Minh Hiền (ngụ quận Tân Bình) thắc mắc: “Là một phụ huynh học sinh, hàng ngày đưa con đi học thấy tại các cổng trường có rất nhiều loại quà bánh không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhưng lại rất bắt mắt, thu hút học sinh. Nhiều cháu đã mua quà bánh ăn và bị đau bụng, ngộ độc khi trở về nhà. Vậy công tác kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) tại các cổng trường có được triển khai không, những thực phẩm trên có đảm bảo an toàn sức khỏe cho người sử dụng không”. 
Trả lời thắc mắc của bạn đọc, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATTP TPHCM, cho rằng hàng rong xung quanh trường học được quản lý như các cơ sở thức ăn đường phố với trách nhiệm chính trên địa bàn thuộc về chính quyền địa phương. Thức ăn đường phố phải đảm bảo các tiêu chí về ATTP, về nguồn gốc thực phẩm, về điều kiện vệ sinh, về người kinh doanh (sức khỏe, kiến thức về ATTP).
Ban Quản lý ATTP phối hợp với chính quyền địa phương đã rất nỗ lực cải thiện tình hình ATTP đối với thức ăn đường phố, như từng bước xây dựng tuyến thức ăn đường phố điểm (nhất là khu vực xung quanh trường học); tăng cường thanh tra, kiểm tra, nhắc nhở; trang bị test nhanh phát hiện hàn the, formol, độ sạch dụng cụ; hỗ trợ, trang bị các vật dụng, bảo hộ cho người kinh doanh nhằm giảm thiểu các nguy cơ mất vệ sinh...
An toàn thực phẩm trường học: Phải giám sát, truy xuất nguồn thực phẩm ảnh 1 Quang cảnh buổi giao lưu trực tuyến. Ảnh: CAO THĂNG 
Tuy nhiên, số lượng cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn thành phố quá lớn (trên 20.000 cơ sở), thường xuyên thay đổi, ý thức người kinh doanh chưa cao và đa số có hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, việc bảo đảm ATTP cho thức ăn đường phố bắt buộc đòi hỏi thời gian và có sự chung tay của cộng đồng, đặc biệt là phụ huynh trong việc giáo dục con em lựa chọn thực phẩm.
Cũng thắc mắc về tính an toàn của thức ăn bên ngoài trường học, bạn Nguyễn Tuyết Di hỏi: “Thời gian gần đây xuất hiện nhiều vụ học sinh ngộ độc thực phẩm, nhưng nguyên nhân không phải do thức ăn chế biến trong trường mà do giáo viên hoặc học sinh mua vào trường ăn. Như vậy, phải chăng ý thức của cả 2 lực lượng này chưa tốt? Có cách nào kiểm soát nguồn thực phẩm mua từ ngoài đem vào trường ăn? Khi học sinh bị ngộ độc từ thực phẩm do giáo viên mua ngoài trường đem vào, giáo viên đó sẽ bị xử lý thế nào, hoặc ai là người chịu trách nhiệm sức khỏe cho học sinh?”. 
Giải đáp vấn đề này, ông Trần Nguyên Thục, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD-ĐT TPHCM), cho rằng hiện nay, ngành GD-ĐT quản lý ATTP theo các quy định của ngành y tế và phối hợp với Ban Quản lý ATTP TP kiểm soát chủ yếu trong khu vực trường học (bếp ăn và căn tin).
Ngành GD-ĐT cũng đã phối hợp với Công an TPHCM ký kết liên tịch, đề nghị nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương hạn chế tối đa việc bán hàng rong trước cổng trường và khuyến cáo phụ huynh, học sinh không mua thực phẩm bên ngoài nhà trường ở những nơi không an toàn. Đồng thời, ban giám hiệu nhà trường cũng có biện pháp nhắc nhở, tuyên truyền thường xuyên đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh không mua thực phẩm bên ngoài nhà trường ở những nơi không an toàn.
Khuyến khích vai trò chủ động của phụ huynh
Trả lời chung cho rất nhiều câu hỏi của bạn đọc liên quan đến việc tổ chức và giám sát chất lượng thực phẩm trong trường học, ông Trần Nguyên Thục cho biết, hàng năm ngành GD-ĐT đều ký kết kế hoạch liên tịch với Sở Y tế và Ban Quản lý ATTP TP về kiểm soát chất lượng thực phẩm trong khu vực trường học. Theo đó, nhà trường khi muốn ký hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn hoặc thực phẩm phải đảm bảo đơn vị nằm trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn của thành phố, cơ sở đạt các chứng nhận HACCP, ISO 22000:2005, VietGAP, GlobalGAP, hoặc các chuẩn an toàn thực phẩm khác đối với nhóm thực phẩm đóng gói và chế biến. 
An toàn thực phẩm trường học: Phải giám sát, truy xuất nguồn thực phẩm ảnh 2 Hàng quán bủa vây cổng trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Trước băn khoăn của bạn đọc Huỳnh Thị Thu An (quận 8) về chất lượng bữa ăn xế ở các trường mầm non và tiểu học khi được tổ chức quá sơ sài, thực đơn chủ yếu gồm các món ăn chế biến sẵn không có lợi cho sức khỏe học sinh như bánh ngọt, kem, xúc xích, pizza…, đại diện Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng quốc gia và Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, bữa ăn xế cho học sinh là bữa ăn nhẹ. Vì vậy, trường học thường chuẩn bị hoặc chế biến các món ăn đơn giản. Tuy nhiên, ngành GD-ĐT khuyến nghị các món ăn phải đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm theo đúng quy định và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. 
Về đề nghị của bạn đọc Lâm Sang là loại bỏ hoàn toàn thịt heo trong thực đơn bán trú của học sinh trong thời điểm dịch tả heo bùng phát, ông Trần Nguyên Thục cho biết, sở không chỉ đạo loại bỏ hoàn toàn thịt heo trong bữa ăn bán trú mà chỉ khuyến cáo các đơn vị lựa chọn nguồn thực phẩm đạt chuẩn và đảm bảo truy xuất được nguồn gốc rõ ràng, tránh tình trạng ngộ độc cho học sinh. 
Hiện nay, việc giám sát chất lượng bữa ăn bán trú của học sinh được thực hiện trên cơ sở phối hợp giữa ban đại diện cha mẹ học sinh và nhà trường. Cụ thể, phụ huynh thông qua chi hội phụ huynh học sinh lớp để phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh trường cùng tham gia giám sát với ban giám sát an toàn thực phẩm của đơn vị, giám sát không chỉ chất lượng bữa ăn mà còn giá cả của đơn vị cung cấp.
Song song đó, để đảm bảo ATTP trong trường học, theo bà Phạm Khánh Phong Lan, công tác quản lý phải được thực hiện xuyên suốt và liên tục, không chỉ đòi hỏi sự phối hợp giữa Ban Quản lý ATTP, Sở GD-ĐT, mà còn sự vào cuộc của UBND các quận huyện, tập trung vào các nội dung chủ yếu như tập huấn, tuyên truyền kiến thức ATTP, hướng dẫn triển khai quy trình bảo đảm ATTP như bố trí bếp ăn, quy trình nhận và xử lý thực phẩm; huấn luyện quy trình xử lý ngộ độc thực phẩm; tăng cường công tác giám sát hậu kiểm, thanh tra xử lý vi phạm và cải thiện nguồn nguyên liệu thực phẩm an toàn.
 Ám ảnh bệnh lý sán heo
Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi về bệnh lý sán lợn và những biến chứng của bệnh, nhờ các chuyên gia giải đáp. Bác sĩ Thân Đức Dũng, Trưởng khoa Vi sinh Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết bệnh ấu trùng sán lợn có 2 loại triệu chứng lâm sàng. Thứ nhất là triệu chứng của nhiễm sán trưởng thành: đau bụng, đau tức bụng thượng vị, rối loạn tiêu hóa hoặc có triệu chứng thần kinh. Dấu hiệu chính là thấy đốt sán, một số trường hợp thì thấy trứng sán trong phân. Thứ hai là triệu trứng nhiễm ấu trùng sán dải heo: Tại não (động kinh, liệt, nói ngọng, rối loạn ý thức và có những cơn nhức đầu dữ dội), tại mắt (nang trong mí mắt, trong hốc mắt, kết mạc, chèn ép sau nhãn cầu, tăng nhãn áp, giảm thị lực...), cơ vân (xuất hiện các nang dưới da với kích thước 0,5cm - 2cm, di động dễ dàng, không ngứa, nang thường ở cơ bắp tay, chân hoặc cơ liên sườn, cơ lưng, ngực) và cơ tim (làm tim đập nhanh, biến đổi tiếng tim, làm người bệnh khó thở, ngất xỉu...). Bác sĩ Thân Đức Dũng cũng thông tin về các biện pháp phòng chống bệnh sán dải và ấu trùng sán dải heo: Không ăn thịt heo, gan heo chưa nấu chín; kết hợp với các ngành chức năng kiểm tra chặt chẽ các lò mổ heo, loại bỏ các con vật mang ấu trùng sán; quản lý phân tốt: luôn sử dụng hố xí hợp vệ sinh, không để heo thả rông ăn phân người; tốt nhất không nuôi heo thả rông… 
Còn theo bác sĩ Phan Thị Hiền Thu, Trưởng khoa Truyền thông giáo dục sức khỏe (Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM), khi trẻ bị nhiễm sán heo, đa phần ấu trùng sán heo sẽ ký sinh ở ruột non, như vậy, trẻ sẽ gặp vấn đề lớn nhất là bị “cạnh tranh” chất dinh dưỡng làm trẻ chậm tăng trưởng. Rất hiếm khi ấu trùng sán heo di chuyển lạc chỗ ra da (xuất hiện u nhỏ bằng hạt đậu trên da, không ngứa, không đau), lên mắt (gây giảm thị lực, tăng nhãn áp...), lên não (dẫn đến viêm màng não). 
Kiểm soát chặt nguồn heo vào TPHCM
 Theo ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y TPHCM, hiện thành phố đang có trên 3.900 hộ chăn nuôi heo và hơn 3.000 hộ nuôi nhỏ lẻ. Thời gian qua, cơ quan chức năng của thành phố đã tập trung hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp an toàn sinh học để phòng chống bệnh. TPHCM cũng ban hành các quy định giảm dần các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu vực dân cư, hướng đến chăn nuôi tập trung, sản xuất giống, giảm dần chăn nuôi heo thịt trên địa bàn thành phố. Cũng theo ông Phát, hiện TPHCM có bố trí các đoàn kiểm tra lưu động và 4 trạm kiểm dịch để giám sát, kiểm tra nguồn heo nhập vào các cơ sở giết mổ hoặc quá cảnh thành phố về các tỉnh. Từ ngày 25-2 đến nay, các hộ kinh doanh giết mổ đã thực hiện ngưng tiếp nhận nguồn heo từ các tỉnh phía Bắc (là khu vực đang có bệnh) để giết mổ, kinh doanh tại TPHCM. 
“Khi dịch bệnh dịch tả heo châu Phi xảy ra tại các tỉnh miền Tây, TPHCM sẽ tổ chức chốt chặn tại các tuyến cửa ngõ từ miền Tây về thành phố, bố trí các lực lượng gồm CSGT và ban ATTP, thú y, thanh niên xung phong trực 24/24 giờ. Kiểm soát tất cả các phương tiện vận chuyển heo sống và sản phẩm thịt heo. Các trường hợp vận chuyển không có giấy kiểm dịch sẽ bị xử lý vi phạm hành chính và tịch thu tiêu hủy. TPHCM sẽ chủ động làm việc với các tỉnh có dịch, xác định, khoanh vùng các địa bàn không được xuất heo và sản phẩm thịt heo vào thị trường thành phố. Chuẩn bị các nguồn thịt heo an toàn phục vụ thị trường. Nếu dịch bệnh xảy ra tại thành phố thì sẽ khoanh vùng, tiêu hủy ngay những trường hợp heo mắc bệnh đầu tiên trong vòng 24 giờ, kể từ khi có kết quả xét nghiệm. Bố trí lực lượng chốt chặn tại xã có dịch và những xã liền kề trong bán kính 3km, không vận chuyển heo và sản phẩm thịt heo ra khỏi vùng dịch. Thành phố sẽ cấp phát thuốc tiêu độc khử trùng cho các hộ nuôi heo trong vùng dịch để chủ động bảo vệ đàn heo của mình. Hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi có heo bệnh phải tiêu hủy”, ông Phát chia sẻ thông tin. 

Các tin khác