Cải cách mới tạo đột phá

(ĐTTCO) - Năm 2017, năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 5 bậc so với năm 2016 (từ vị trí 60/138 lên vị trí 55/137 nền kinh tế).
Cải cách mới tạo đột phá
Môi trường kinh doanh tăng 14 bậc, từ 82 lên 68/190 nền kinh tế; đổi mới sáng tạo cải thiện 12 bậc, đạt thứ hạng 47/127 nền kinh tế; chỉ số nộp thuế và bảo hiểm xã hội tăng điểm và có cải thiện mạnh mẽ, hiện đạt vị trí 86/190 quốc gia theo xếp hạng Ngân hàng Thế giới (năm 2016 ở vị trí 167/190 quốc gia).
Nghị định 08/2018/NĐ-CP về cắt giảm điều kiện kinh doanh trong 9 lĩnh vực thuộc lĩnh vực công thương, cắt bỏ hàng trăm điều kiện kinh doanh… 
Dù môi trường kinh doanh của Việt Nam có cải thiện và theo hướng cải thiện dần, nhưng theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), trong bổi cảnh này nếu chỉ cải thiện, không cải cách để tạo ra đột phá sẽ chậm thành công.
Hiện chúng ta mới dừng ở việc gỡ bỏ rào cản, trong khi cải cách mới tạo những điều kiện thuận lợi nhất và có những chính sách thúc đẩy phát triển DN. Ở Việt Nam rủi ro pháp lý là vấn đề lớn của DN. DN không thể phát triển kinh doanh dài hạn nếu rủi ro và sự an toàn trong kinh doanh, đặc biệt là bảo vệ quyền tài sản và quyền sở hữu trí tuệ không được đảm bảo. 
Thực tế, dù có những cái thiện nhưng môi trường kinh doanh của Việt Nam chưa lọt vào 4 nước đứng đầu ASEAN. Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ DN bình quân đầu người đang thấp so với thế giới, đang cần thêm nhiều DN tư nhân mới nhưng chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam chỉ xếp hạng 123 thế giới theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới và xếp sau rất nhiều nước khu vực ASEAN.
Lưu ý khởi sự kinh doanh là không chỉ là chứng nhận đăng ký DN, đó còn là các thủ tục làm con dấu, đăng ký con dấu, mở tài khoản ngân hàng, mua hóa đơn, nộp thuế, làm các thủ tục lao động và bảo hiểm xã hội… Đó là chưa tính đến các thủ tục mặt bằng kinh doanh, giấy phép chuyên ngành, vốn hoạt động… Số lượng DN rời bỏ thị trường vẫn cao, lên gần 39.000 DN trong 5 tháng đầu năm.
Vì thế, cải cách đột phá có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Chẳng hạn năm 2000, khi có Luật DN, luật đã thực sự có những cải cách đột phá như thủ tục thành lập DN từ 1 năm 6 tháng chi phí vài cây vàng giảm xuống còn 15 ngày với chi phí vài trăm ngàn đồng và số lượng DN thành lập mới bằng 10 năm trước đó cộng lại.
Muốn cải cách thành công việc đặt ra chương trình cải cách và các ý chí chính trị cải cách chỉ làm ra 5%, còn 95% thành công phụ thuộc ở thực hiện. Đó chính là những thách thức không nhỏ phải vượt qua kể cả trong việc xây dựng chính sách lẫn thực tiễn. Tuy nhiên, Việt Nam cũng từng có kinh nghiệm về tổ chức cải cách.
Chẳng hạn, năm 2000 Tổ công tác thi hành Luật DN họp hàng tuần bàn về cải cách các vấn đề xảy ra trong phạm vi cả nước và giải quyết ngay tại tuần đó. Đó là bài học kinh nghiệm quý báu để Việt Nam đưa ra và thực hiện những bước cải cách đột phá để phát triển.

Các tin khác