Cảnh báo từ kết quả kiểm toán 2016

(ĐTTCO) - Tại buổi họp báo công bố kết quả kiểm toán năm 2016 diễn ra mới đây tại Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã chỉ ra những số liệu về gánh nặng nợ công, lãng phí xe công, cũng như việc sử dụng trang thiết bị y tế tại các bệnh viện.
 
Nợ công 2,5 triệu tỷ đồng

KTNN xác định nợ công đến 31-12-2015 theo Luật Quản lý nợ công hơn 2,5 triệu tỷ đồng. Và nếu tính đầy đủ các khoản vay thực hiện trong năm 2016 để bù đắp bội chi năm 2014 và 2015 số tiền 25.219 tỷ đồng và 8.171 tỷ đồng bù đắp bội chi năm 2015 đến thời điểm kiểm toán Bộ Tài chính chưa vay, nợ công xấp xỉ 2,6 triệu tỷ đồng. Như vậy, nợ công năm 2015 bằng 61,8% GDP, riêng nợ chính phủ gần 2,1 triệu tỷ đồng, bằng 50% GDP.

Ông Trần Khánh Hòa, Vụ trưởng Vụ tổng hợp (KTNN), cho biết nợ công gồm nợ chính phủ, nợ chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương. Trong Luật Quản lý nợ công không tính nợ tự vay tự trả của DNNN vào nợ công. Thực tế các DNNN vay nợ trong và ngoài nước khá nhiều, cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ.
Ngoài ra, đến nay Bộ Tài chính chưa lập báo cáo giám sát nợ, chưa lập bản tin nợ công năm 2015 theo quy định của Luật Quản lý nợ công về báo cáo thông tin và công khai thông tin về nợ công; quản lý nợ công còn phân tán, thiếu đối chiếu; theo dõi, thống kê, tổng hợp và báo cáo số liệu nợ công chưa kịp thời, đầy đủ, chính xác theo quy định.
Vì vậy, việc Bộ Tài chính tổng hợp nợ công có thể chưa đầy đủ các khoản nợ chính phủ, chính quyền địa phương. Hơn nữa, dù nợ DNNN không có bảo lãnh Chính phủ không phải nợ công, nhưng nguy cơ tiềm tàng cao, ảnh hưởng đến nền kinh tế và uy tín Chính phủ khi DNNN thua lỗ, không trả được nợ.
Cảnh báo từ kết quả kiểm toán 2016 ảnh 1 Ảnh minh họa. 
Kết quả kiểm toán năm 2016 cũng nêu rõ nhiều dự án vay lại và vay được Chính phủ bảo lãnh sử dụng vốn không hiệu quả, khó khăn trong việc trả nợ, dừng sản xuất kinh doanh, phải cơ cấu lại, gia tăng nghĩa vụ của Quỹ tích lũy và nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ trong những năm tiếp theo.
Cụ thể, tính đến 31-12-2015 có 56 dự án được cho vay lại có nợ quá hạn. Tổng nợ của các dự án cho vay lại này hơn 28.000 tỷ đồng (chiếm 9,1% tổng dư nợ), chỉ tính riêng nợ của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (Vinashin) đã lên tới gần 22.400 tỷ đồng, còn 55 dự án khác là trên 5.600 tỷ đồng.
Trong đó các khoản nợ quá hạn của 56 dự án này hơn 9.700 tỷ đồng, riêng Vinashin chiếm nhiều nhất với trên 6.500 tỷ đồng; 8 dự án đóng tàu của Vinashin hơn 1.400 tỷ đồng, dự án Xi măng Hạ Long 268 tỷ đồng…

Xe công dư thừa vẫn mua thêm

Tại cuộc họp báo, đại diện KTNN cũng cho biết, thực hiện chủ trương rà soát xe công trên cả nước, đã có 2.334 xe công dôi dư. Tuy nhiên, đến ngày 8-3-2017 mới có 23/28 bộ, cơ quan Trung ương và 19/50 địa phương báo cáo về Bộ Tài chính phương án xử lý. Đáng nói, một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tình trạng xe dôi dư so với định mức, chưa hoàn thành việc rà soát, sắp xếp song vẫn mua sắm thêm xe. Cụ thể là TPHCM, Đắk Lắk, Bình Thuận, Bình Dương, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Bên cạnh đó, việc thanh lý xe ô tô công tại nhiều nơi chưa đảm bảo điều kiện về thời gian sử dụng, thanh lý. Cụ thể, tại Bộ Tài chính, trong số 93 xe công trong danh sách thanh lý, đến thời điểm kiểm toán đã thanh lý 41 chiếc, đang triển khai thủ tục bán đấu giá 11 chiếc và đang hoàn thiện hồ sơ để thanh lý 41 chiếc, thời gian sử dụng 2002-2007, tức số xe công này thiếu thời gian sử dụng 1-6 năm theo quy định. Còn Bộ NN-PTNT thanh lý 13 chiếc có thời gian sử dụng từ năm 2002-2006, thiếu thời gian sử dụng 1-5 năm theo quy định.

Khuất tất mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế

Kết quả kiểm toán 11 tỉnh, thành phố thời gian qua cũng phát hiện có tới 1.225 trang thiết bị y tế hỏng hoặc hiệu quả sử dụng thấp, với nguyên giá hơn 371 tỷ đồng. Trong đó, trang thiết bị hỏng không khắc phục được 649 thiết bị (hơn 68 tỷ đồng); trang thiết bị hỏng chưa được sửa chữa 120 thiết bị (hơn 151 tỷ đồng); trang thiết bị chưa hoặc ít sử dụng 456 thiết bị (hơn 151 tỷ đồng)...
Giải thích về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tân, Kiểm toán trưởng Kiểm toán chuyên ngành III, cho biết đến nay chưa nhận được văn bản nào phản hồi về kết luận kiểm toán. Ông Nguyễn Văn Tân khẳng định kiểm toán có số liệu cụ thể, danh sách từng bệnh viện, từng tỉnh và danh mục từng thiết bị để lãng phí.

Còn theo ông Cao Tấn Khổng, Phó Tổng KTNN, do nhân lực hạn chế nên kết quả kiểm toán mới chỉ “sờ” vào một phần rất nhỏ của ngành y tế, trách nhiệm của kiểm toán là cảnh báo ngành y tế phải nghiên cứu, đề xuất có biện pháp chấn chỉnh, sửa đổi, đảm bảo công tác quản lý toàn bộ kinh phí của Nhà nước chặt chẽ hơn, đảm bảo phục vụ cho Nhân dân tốt hơn. Kết quả kiểm toán trang thiết bị y tế, vật tư, hóa chất thời gian qua mới là một phần rất nhỏ.
Nếu có điều kiện, thời gian, hành lang cho phép kiểm toán toàn diện đấu thầu thuốc, dược, trang thiết bị y tế, hóa chất trong toàn quốc, kiểm toán sẽ chọn các điểm lớn để đánh giá toàn diện trách nhiệm ngành y tế, người đứng đầu. Khi đó sẽ còn nhiều vấn đề để khắc phục.

Đánh giá chung về tính chính xác của các kết luận kiểm toán, lãnh đạo KTNN cho biết thêm, trước khi có bản kết luận cuối cùng, các kiểm toán viên phải sửa từng từ, từng chữ. Nếu nêu chỗ nào có thất thoát, lãng phí phải có bằng chứng. Vì kết quả kiểm toán sẽ quyết định cả sinh mệnh chính trị của một cá nhân, người đứng đầu cơ quan, ban ngành nên được ban hành hết sức cẩn trọng.

Các tin khác