Đường đua mới cho ngành bán lẻ

(ĐTTCO) - Kênh bán lẻ hiện đại xuất hiện thêm những cái tên mới, những tên tuổi cũ cũng gia tăng nhanh chóng số lượng điểm bán, người tiêu dùng ngày càng giảm mua sắm ở kênh truyền thống… tất cả đang trở thành những động lực quan trọng để bán lẻ hiện đại tăng tốc trong năm 2019. 

Đường đua mới cho ngành bán lẻ
Shopping mall mở đâu đông đó
Những ngày đầu năm mới, trung tâm thương mại Gigamall (đường Phạm Văn Đồng, quận Thủ Đức, TPHCM) luôn tấp nập khách. Hầu hết các gian hàng ẩm thực, khu vui chơi giải trí, đặc biệt là khu vực giải trí ứng dụng thị giác tương tác đều rất đông khách hàng. Theo chia sẻ của nhiều khách hàng, việc có một trung tâm thương mại ở khu vực Thủ Đức rất thuận tiện, họ không còn phải mất công qua Gò Vấp để vào Lotte, Emart hay qua Tân Phú để vào Aeon… trong những dịp cuối tuần, lễ, tết.
Gigamall là một trung tâm theo mô hình shopping mall (trung tâm kết hợp mua sắm và vui chơi giải trí) mới khai trương trước Tết Nguyên đán chưa tới một tháng. Từ ngày khai trương trung tâm này luôn rất đông khách, vì nó đã giải được “cơn khát” của người tiêu dùng ở khu vực phía Đông thành phố. 
Thực tế không chỉ Gigamall mới khai trương, mà hầu hết các shopping mall tại TPHCM như Vạn Hạnh mall, Aeon Tân Phú, Bình Tân, Cresent mall, SC Vivo City, Lotte, Emart… đều luôn trong tình trạng đầy khách vào các dịp cuối tuần, nghỉ lễ. Tiêu biểu như trong dịp tết nguyên đán vừa qua ngay khi những trung tâm như Aeon, Vạn Hạnh mall, SC Vivo City mở cửa từ mùng 2 Tết thì đã thu hút một lượng rất lớn khách đến ăn uống, vui chơi giải trí.
Chính sự ưa chuộng của phần đông người tiêu dùng đã trở thành động lực để các nhà đầu tư mạnh dạn hơn trong kế hoạch mở rộng các trung tâm thương mại của mình trên khắp Việt Nam. Một thí dụ tiêu biểu chính là Aeon Mall Việt Nam. Đơn vị này đã quyết định chi 180 triệu  USD để xây trung tâm thương mại mới tại Hải Phòng. Đến nay Aeon đã có 6 trung tâm thương mại ở Việt Nam và có kế hoạch nâng lên con số 20 đến năm 2025. 
Cửa hàng tiện lợi bao vây mọi nẻo
Bên cạnh sự bùng nổ của mô hình shopping mall, các cửa hàng tiện lợi cũng đang mọc lên như nấm sau mưa. Có rất nhiều cung đường tại các quận như quận 1, Bình Thạnh, Gò Vấp, quận 7… các cửa hàng tiện lợi cùng mọc lên san sát. Thậm chí một thương hiệu còn có 2, 3 cửa hàng trên cùng một con đường.
Người tiêu dùng chỉ cần bước chân ra ngõ có thể bước ngay vào các cửa hàng tiện lợi. Thậm chí các cửa hàng tiện lợi còn bủa vây lấy các chợ truyền thống, tung ra nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn, lôi kéo người tiêu dùng vào một không gian mua sắm sạch sẽ, an toàn và được phục vụ chu đáo.
Theo nghiên cứu của Hãng tư vấn A.T.Kearney (Mỹ), Việt Nam đứng thứ 6 toàn cầu về chỉ số phát triển thị trường bán lẻ, trong đó cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini đang rất "nóng". Một nghiên cứu khác của Nielsen về xu hướng mua sắm toàn cầu công bố hồi tháng 11-2018, cũng chỉ ra rằng người Việt trung bình mua sắm tại cửa hàng tiện lợi 4,5 lần mỗi tháng, tăng mạnh so với cách nay 8 năm. Đây cũng là kênh mua sắm có tốc độ tăng nhanh nhất trong 8 năm qua.
Thêm cạnh tranh với CPTPP
Cuối năm 2018, Tập đoàn Sumitomo Nhật Bản hợp tác cùng Tập đoàn BRG (Việt Nam) khai trương siêu thị Fujimart đầu tiên tại Hà Nội. Như vậy Sumitomo là cái tên mới nữa bước chân vào lĩnh vực bán lẻ đầy tiềm năng của Việt Nam. Thực ra việc có thêm một cái tên mới trong mảng bán lẻ không phải điều quá thu hút, song ở thời điểm cuối năm 2018 đây lại là sự kiện đáng chú ý.
Ngoài lợi thế hàng chục năm kinh doanh bán lẻ ở thị trường Nhật Bản, lại thêm người tiêu dùng Việt ngày càng chuộng đồ Nhật, phong cách Nhật, thì điều quan trọng chính là thời điểm có mặt của chuỗi siêu thị đến từ Nhật Bản này sát gần với ngày CPTPP chính thức có hiệu lực ở Việt Nam tác động mạnh mẽ đến thị trường bán lẻ. 
Thực ra lâu nay khi nhắc đến thị trường bán lẻ Việt Nam người ta luôn nói đến một cuộc cạnh tranh gay gắt giữa khối nội và khối ngoại. Khối ngoại tuy chỉ chiếm 17% thị phần bán lẻ hiện đại (theo thống kê của Bộ Công Thương), nhưng với tiềm lực tài chính khủng, kinh nghiệm tại nhiều thị trường họ vẫn đang vượt qua các DN nội.
Và với CPTPP, cơ hội để DN bán lẻ ngoại tăng tốc lại càng nhiều hơn. Cam kết mở cửa mảng bán lẻ trong CPTPP sâu hơn trong WTO, và đặc biệt trong 5 năm kể từ khi CPTPP có hiệu lực, quy tắc về kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) sẽ được xóa bỏ hoàn toàn. 
Một thống kê gần đây cho thấy, có tới 58% các DN nội thừa nhận việc mở cửa cho các nhà đầu tư CPTPP vào thị trường bán lẻ sẽ khiến cho cạnh tranh của mình trở nên khó khăn hơn, nhưng DN vẫn nhìn nhận và mong chờ ở những tác động tích cực của các cam kết này nhiều hơn. 

Các tin khác